Đây không phải lần đầu tiên Mỹ tỏ ý muốn sở hữu Greenland. Theo tài liệu của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ (US National Archives), Washington từng đề nghị mua vùng đất tự trị thuộc Đan Mạch với giá 100 triệu USD bằng vàng vào năm 1946. Giá đó tương đương với số tiền 1,3 tỷ USD vào lúc này.
Nhưng dù cho Đan Mạch hay Greenland muốn bán vùng đất này cho Mỹ, cái giá 1,3 tỷ USD cũng khó có thể khiến họ ngồi xuống đàm phán.
Greenland đang khiến cả thế giới với hai câu chuyện: 1) Băng ở đây đang tan rất nhanh và 2) Tổng thống Trump nói muốn Mỹ mua vùng đất này. Ảnh: Reuters. |
Mỹ từng mua rẻ rất nhiều vùng lãnh thổ
Các giao dịch trước đây của Mỹ với các lãnh thổ khác có thể cho cái nhìn rõ hơn về số tiền mà Washington sẵn sàng trả cho Greenland. Mỹ mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917 với giá 25 triệu USD, tương đương khoảng 500 triệu USD ngày nay.
Mỹ cũng mua Alaska từ Nga vào năm 1867 với giá 7,2 triệu USD và vùng lãnh thổ Louisiana rộng lớn trải dài từ sông Mississippi tới dãy núi Rocky từ Pháp với giá 15 triệu USD vào năm 1803.
"Mỹ mua được Alaska với giá hết sức rẻ mạt vào năm 1867, chỉ tương đương 125 triệu USD theo thời giá ngày nay. Chắc chắn sẽ phải mất nhiều tiền hơn để mua Greenland, trong thời điểm mà có rất nhiều vấn đề khác cần tiền ngân sách", ông Iwan Morgan, nhà nghiên cứu từ Viện châu Mỹ của đại học UCL, nhận định với CNN.
Ông Morgan cho rằng một thỏa thuận mua bán sẽ phải liên quan đến các hiệp ước, quy trình lập pháp ở Đan Mạch, Greenland và Mỹ. Cũng có nhiều khả năng là mọi chuyện sẽ dính dáng đến Liên minh châu Âu và ông Morgan cho rằng quy trình phức tạp này sẽ khó có thể thành công.
"Mọi chuyện không giống như việc mua lại một sân golf, khi mà bạn có thể đến gặp nhân viên tư pháp và bảo 'ông có thể phê chuẩn cái này được không'", chuyên gia Morgan nói.
"Dù bạn đồng ý sơ bộ về các điều khoản, cái giá phải trả có thể sẽ cực cao. Nếu vụ mua bán được tiến hành, cái giá có thể lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD", ông Morgan nhận định.
Greenland chính là nơi đặt căn cứ quân sự cao nhất của Mỹ - Căn cứ Không quân Thule Air - nằm cách Vòng cực Bắc 1.207 km. Những radar và thiết bị nghe đặt ở căn cứ này thuộc hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sâu hàng nghìn km trong lãnh thổ Nga.
Những nguồn tài nguyên chưa được động đến của Greenland, trong đó có dầu mỏ, khí đốt và các loại quặng, cũng là những thứ hấp dẫn đối với ông Trump, trong bối cảnh các cường quốc đang cạnh tranh gay gắt cho các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực.
Bắc Cực đang là nơi các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu chạy đua để xây dựng sự thống trị. Ảnh: AFP. |
Nhưng theo ông Morgan, nguyên nhân hàng đầu đằng sau ý tưởng mua lại Greenland của ông Trump có thể là vì tổng thống Mỹ muốn có một di sản.
"Điều này có lẽ là liên quan đến cuộc bầu cử, bởi vì đơn giản là không có thời gian để hoàn thành việc mua Greenland trước khi cuộc đua 2020 diễn ra. Nếu ông Trump dành chiến thắng thêm nhiệm kỳ nữa, ông ấy có thể sẽ coi việc mua lại Greenland như là một di sản và đẩy chuyện này lên", chuyên gia Morgan cho biết.
Tuyên bố thực hay màn PR cho bầu cử?
Tờ Wall Street Journal, nơi đầu tiên đưa tin ông Trump muốn mua Greenland, cho biết đối với những người ở bên ngoài Nhà Trắng, việc mua lại hòn đảo sẽ là hành động tạo nên di sản, giống như việc Tổng thổng Dwight Eisenhower công nhận Alaska là một bang của Mỹ.
Cũng theo Wall Street Journal, các phụ tá của ông Trump đang chia rẽ về vấn đề này, khi một bên cho rằng đây là chiến lược tiềm năng về mặt kinh tế, trong khi những người khác lại coi đó là mơ mộng nhất thời của tổng thống.
Theo ông Tim Boersma, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của đại học Columbia, việc mua Greenland sẽ khó đem lại những hiệu quả kinh tế trong thời gian ngắn.
"Về mặt khai thác năng lượng và tài nguyên khoáng sản, Greendland là quốc gia chỉ phát triển ở mức chấp nhận được và thiếu đi những cơ sở hạ tầng cơ bản để xây dựng các dự án quy mô lớn", ông Boersma nói với CNN.
"Thật khó tin là ông Trump hứng thú đến thế với năng lượng và khoáng sản. Có rất ít hoạt động thăm dò khai khoáng ở Greenland. Điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, với phần lớn diện tích bị che phủ bởi băng tuyết", ông Boersma cho biết.
Nền kinh tế của Greenland rất nhỏ, với hầu hết dân số sống bằng nghề đánh bắt cá. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên có thể những hứng thú thật sự của ông Trump sẽ nằm ở vùng biển xung quanh Greenland. Năm 2014, Đan Mạch tuyên bố họ có chủ quyền với khoảng 900.000 km2 ở Bắc Băng Dương do liên kết địa lý của vùng biển này với Greenland.
Trong khi băng ở Greenland đang tan rất nhanh, Mỹ sẽ phải tính tới cả những chi phí phát sinh khi sau khi mua vùng đất này, đặc biệt là các chi phí xã hội. Hòn đảo có 56.000 dân nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 9%, đặc biệt cao trong độ tuổi trẻ.
Greenland phụ thuộc rất nhiều vào nguồn trợ cấp đến từ chính phủ Đan Mạch để giữ cho nền kinh tế nơi đây hoạt động, với số tiền khoảng 500 triệu USD mỗi năm.