Đây là đợt băng tan chảy kỷ lục trong mùa hè năm nay, theo CNN.
Dải băng ở Greenland thường tan chảy trong mùa hè, tuy nhiên đợt tan chảy thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 5.
Năm nay, băng tan từ đầu tháng 5 và kéo dài "dai dẳng" trong bốn tháng qua, dưới mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử, theo Ruth Mottram, nhà khí tượng học thuộc Viện Khí tượng Đan Mạch.
Chỉ riêng trong tháng 7, dải băng Greenland đã mất 197 tỷ tấn băng, tương đương với khoảng 80 triệu bể bơi Olympic. CNN dẫn lời bà Mottram cho biết trung bình vào thời điểm này trong năm, băng chỉ tan khoảng 60-70 tỷ tấn.
Băng tại Greenland đang tan chảy kỷ lục dưới tác động của sóng nhiệt. Ảnh: iStock. |
Đợt sóng nhiệt càn quét châu Âu thời gian qua cũng ảnh hưởng đến Bắc Cực. Theo các nhà khoa học, đợt nắng nóng này có thể làm tan chảy một trong những tảng băng lớn nhất của Greenland kể từ năm 1950.
Hôm 1/8, ở độ cao 3.000 mét so với mực nước biển, các nhà khoa học ghi nhận mức nhiệt là 2,7 độ C.
Cùng ngày, các nhà khí tượng học tuyên bố tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt độ trung bình toàn cầu ngang bằng, và có thể cao hơn, mức nhiệt kỷ lục trước đó vào tháng 7/2016.
Bà Mottram cho biết Greenland sẽ tiếp tục có mức nhiệt ấm trong vài ngày tới hoặc có thể lâu hơn. Từ giờ cho tới cuối mùa băng tan vào tháng 8, dải băng sẽ tiếp tục tan chảy đáng kể.
Dải băng ở Greenland hiện lớn thứ hai trên thế giới. Lượng băng tan trong mùa hè năm nay khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên khoảng nửa milimet.