Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học còn kết luận chỉ có thể cứu được dải băng ở Tây Nam Cực bằng cách bơm hàng nghìn tỷ tấn tuyết trên khắp Nam Cực. Dải băng (ice sheet) là băng ở trên lục địa, như ở châu Nam Cực, so với thềm băng (iceshelf) tức băng trên biển như ở Bắc Băng Dương.
Nhưng đó chỉ là một giải pháp giả tưởng.
Dự án này sẽ đòi hỏi 12.000 tuabin gió để phát điện cho các máy bơm khổng lồ, đồng thời sẽ hủy hoại tự nhiên trong vùng. Họ cho rằng giải pháp này chỉ là giả tưởng, và nói “sự ngốc nghếch” của ý tưởng minh họa cho quy mô kinh khủng của mối đe dọa từ nước biển dâng.
“Nghe có vẻ khó tin, nhưng để ngăn mối đe dọa đó, nhân loại sẽ phải nỗ lực chưa từng có”, Guardian dẫn lời giáo sư Anders Levermann, người dẫn đầu nghiên cứu, từ Viện Potsdam về Nghiên cứu Tác động Khí hậu.
Sự tan băng ở Tây Nam Cực có thể đã nghiêm trọng tới mức không thể cứu vãn. Ảnh: NASA ICE. |
Theo nhóm nghiên cứu, việc dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn rất cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Nhưng lượng khí thải vào bầu khí quyển cho đến nay có thể đã đặt dấu chấm hết cho dải băng ở vùng Tây Nam Cực.
Một số nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng không thể ngăn chặn hiện tượng băng tan nhanh chóng ở vùng này chỉ bằng các mục tiêu giảm khí thải, như cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Nước biển sẽ dâng cao 3 m trong những thế kỷ tới. Guardian cho biết nhiều thành phố như New York, Kolkata, Thượng Hải sẽ ở dưới mực nước biển. Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố mà nền đất vẫn đang hạ thấp nhiều cm mỗi năm, cũng sẽ thấp hơn mực nước biển, theo các dự báo đưa ra trong những năm gần đây.
Giới khoa học chưa đồng thuận về sự tan biến tất yếu của dải băng Tây Nam Cực là tất yếu, nhưng ông Levermann nói cần phải giả sử như vậy.
“Thậm chí nếu chúng ta đạt được thỏa thuận Paris (tức giữ mức tăng chỉ 2 độ C so với trước thời đại công nghiệp), chúng ta vẫn sẽ chịu 5 m nước biển dâng”, ông nói. “Mọi người chưa hiểu hết tác động: hoặc là chúng ta bỏ các thành phố ven biển, hoặc là hàng triệu người sẽ sống trong các bức tường, xung quanh là đại dương, lơ lửng trên đầu như một thanh kiếm chuẩn bị giáng xuống”.
Một tảng băng trôi ở vịnh Andvord, Nam Cực. Ảnh: Reuters. |
Băng tan chảy ở Tây Nam Cực là do nước biển ấm hơn làm tan chảy phần băng ở rìa không nằm trên lục địa (thềm băng). Nếu bơm được tuyết vào những chỗ bị tan chảy, dải băng sẽ dày hơn và dính chặt với lục địa.
Ý tưởng giả tưởng trên sẽ đòi hỏi biến 7.400 tỷ tấn nước biển thành tuyết để bao phủ một phần Nam Cực diện tích rộng bằng hai lần Scotland.
Nhóm nghiên cứu không ước tính chi phí. Chỉ riêng máy bơm, họ cần 90 máy bơm loại lớn nhất thế giới như loại ở bang New Orleans, Mỹ, chi phí 600 triệu USD mỗi chiếc. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều chi phí khác nữa. Họ cũng nói chi phí xây tường ven biển ở các thành phố để đối phó nước biển dâng sẽ còn rẻ hơn.
Giáo sư David Vaughan, ở Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, không nằm trong nhóm, nói “các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm và tranh luận về các giải pháp chống biến đổi khí hậu”.
Các dự án kỹ thuật nhằm ngăn băng tan ở Nam Cực đã được tính đến trước đây. Năm 2018, các nhà khoa học đã khám phá ý tưởng xây một hòn đảo cao 300 m nhằm ngăn băng không trôi ra biển, và xây tường 100 m nhằm ngăn cách nước biển có nhiệt độ ấm hơn.