The Pot-au-feu (tên tiếng Anh: The Taste of Things) của Trần Anh Hùng đã có một hành trình dài, với khởi nguồn tại Pháp, sải cánh ở Liên hoan phim Cannes 2023, chu du qua Nhật Bản. Bến đỗ cuối cùng của bộ phim là Việt Nam, với tên: Muôn vị nhân gian.
Trần Anh Hùng nói Muôn vị nhân gian là món quà mà anh dành tặng cho người yêu điện ảnh. Song, khán giả có quyền đón nhận món quà hoặc không.
Trước khi gói ghém lại The Taste of Things để bắt đầu hành trình mới, sáng tạo ra những đứa con tinh thần khác, Trần Anh Hùng có cuộc phỏng vấn trên Tri thức - Znews.
"Yêu là yêu, thế thôi"
- 'The Taste of Things' nhận tràng vỗ tay kéo dài 7 phút ở LHP Cannes nhưng khi đến Việt Nam, khán giả có thể thích hoặc không, còn vỗ tay với thời gian như vậy thì không bao giờ có. Tâm thế anh ra sao?
- Không sao cả. Điều đó bình thường. Ở nước ngoài cũng vậy, sự vỗ tay kéo dài 7 phút dành cho một bộ phim chỉ có ở Liên hoan phim Cannes mà thôi. Khi tôi đưa bộ phim đến Nhật Bản, khán giả thậm chí còn ghê hơn, không để lại một tiếng động sau khi phim kết thúc. Ở Việt Nam, người xem cũng không thể hiện quá nhiều cảm xúc. Với một đạo diễn nước ngoài nào đó, họ sẽ ngạc nhiên, bất ngờ với phản ứng của khán giả Việt.
Nhưng điều này không ảnh hưởng hay có nhiều ý nghĩa với tôi. Tôi nhìn nhận ở góc độ khác, đó là văn hóa, cách biểu lộ tình cảm khác nhau của người dân ở mỗi quốc gia.
Đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ phim anh như một món quà cho khán giả. Người xem có thể nhận hoặc không nhận. |
- Có quá nhiều câu hỏi hiện lên trong đầu người xem sau khi bộ phim khép lại. Và cái kết là trăn trở, thắc mắc lớn nhất. Rốt cục, Dodin và Eugénie có thực sự yêu nhau. Hay tình yêu với ẩm thực đã vượt lên tất cả?
- Câu trả lời cuối cùng của Dodin ở kết phim thực sự quan trọng đấy. Và cuộc hội thoại cuối cùng giữa cả hai đã thể hiện tính cách, cá tính cũng như sự chọn lựa của họ. Dodin thực ra muốn có một câu trả lời khác. Nhưng anh biết chắc chắn người đối diện mình muốn câu trả lời thế nào.
Vì thế, Dodin đã chọn câu trả lời theo ý Eugénie. Không biết mọi người có để ý không, nhưng Dodin chỉ có khoảng một giây hơi buồn, trước khi cười và đưa ra câu trả lời. Trong một khoảnh khắc, ta thấy rõ nhân vật nữ là ai qua cuộc nói chuyện. Eugénie mạnh mẽ, độc lập và muốn là đầu bếp, có nghề nghiệp thay vì chỉ trong vai trò người vợ.
Ở một khía cạnh nào đó, Eugénie đã tạo nên Dodin và quyết định bản chất của mối quan hệ này. Mạnh mẽ đến mức như vậy.
Còn tình yêu vô tận lắm. Yêu là yêu thôi. Không thể so sánh yêu cái gì nhiều hơn. Và mình cũng có thể yêu một lúc nhiều điều khác nhau. Ở giây phút này, khoảnh khắc này, mình có thể yêu cái này kinh khủng. Nhưng khoảnh khắc khác, mình có thể yêu một điều mới. Đừng đặt lên bàn cân để so sánh những giá trị khác nhau trong tình yêu.
- Tính chất tri kỷ trong Dodin và Eugénie khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ trong một giai thoại của Trung Quốc. Khi tri kỷ Tử Kỳ mất đi, Bá Nha đã đập vỡ cây đàn. Nhưng quyết định của Dodin ở 'The Taste of Things' lại khác. Vì sao anh lại đi đến lựa chọn này?
- Sự lựa chọn của Bá Nha có phần cực đoan hơn. Trong đời sống này, có nhiều bi kịch. Nhưng cuối cùng bản thân mỗi người phải cố gắng vượt qua.
Tư tưởng của tôi ở bộ phim này có phần nhân văn hơn. Cái gì quý, có giá trị như một công thức ẩm thực, phải trao truyền lại. Điều này đã thôi thúc tôi và tạo nên một cấu trúc bí mật. Tất nhiên, người xem không thể ngay lập tức nhận ra cấu trúc đó.
Và cô bé Pauline chính là người nắm giữa cấu trúc bí mật. Cô bé là biểu tượng của sự trao truyền về giá trị, công thức quý trong ẩm thực. Khi nhân vật nam trải qua những nỗi đau, chán nản, muốn vứt bỏ tất cả khi người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời ra đi, thì đứa bé trở lại căn bếp. Hoặc ở góc khác, ta có thể thấy, vì Eugénie đoán trước cái chết của mình nên đã thuyết phục cô bé đến theo học, để cho Dodin một lý do sống tiếp.
Ở khoảnh khắc cuối cùng, khi Dodin quay lại gọi học trò để tìm một đầu bếp thay thế Eugénie, cũng là điểm nhân văn trong tư tưởng làm phim của tôi.
"Điện ảnh hay tác phẩm nghệ thuật là thước đo mỗi người. Khả năng thưởng thức và phê bình nghệ thuật phụ thuộc vào kiến thức, sự biểu hiểu về tâm lý, tâm linh, tôn giáo, lịch sử, triết học… nhiều lắm", nam đạo diễn chia sẻ. |
"Anh là ai?"
- Hỏi thật, sau mỗi tác phẩm, anh quan tâm đến nhận xét của ai: đồng nghiệp, giới phê bình báo chí, giám khảo tại các liên hoan phim hay khán giả?
- Mọi người sẽ thắc mắc tôi có quan tâm đến những lời phê bình không. Nhưng quan trọng người nói ra nhận xét đó là ai.
Một bộ phim tôi làm ra như một món quà. Số tiền khán giả bỏ ra để xem phim đó không xứng đáng, chẳng là gì cả. Giống như việc tôi ra một hiệu sách, mua cuốn sách của thế kỷ 17 ấy. Số tiền tôi bỏ ra mua cuốn sách đó chẳng đáng là bao so với giá trị nó mang lại.
Bộ phim lần này như một món quà, mọi người có thể nhận hoặc không. Chẳng sao cả. Tôi làm phim là để mong người ta tốt hơn, cải thiện độ nhạy cảm với nghệ thuật của khán giả. Còn nếu họ không cảm được, thì thôi.
Khi một người nào đó tiến đến, nói với tôi: ‘Phim của anh thế này, thế kia’. Tôi OK ngay. Nhưng anh là ai. Anh làm cái gì. Anh có biết họa sĩ này không. Anh có biết nhà văn kia không.
Anh có biết bài hát này nó được thể hiện như thế nào. Anh nói cho tôi biết khả năng mình ra sao mà dám nhận xét phim tôi.
- Đón nhận những khen, chê từ người xem chẳng phải là điều bình thường đối với một đạo diễn phim?
- Tất nhiên. Nhưng đừng nói những điều đó với tôi. Vì không có ý nghĩa gì cả.
- Nhưng năng lượng toát ra từ cách nói chuyện khiến mọi người hiểu là anh thực ra rất quan tâm đến những nhà phê bình? Có phải vì một số nhà phê bình Pháp chê phim của anh?
- Xem phim của tôi, có người thích và người không thích. Những người không thích thì hãy đến nói chuyện trực tiếp với tôi đi. Và người đó phải giải thích cho tôi tại sao là phim không được, tại sao họ không thích.
Ai muốn nói gì thì nói. Tôi sống trong thế giới tự do của mình. Những giải thưởng ở liên hoan phim cũng không đánh giá đầy đủ tác phẩm của tôi. Hội đồng giám khảo phim chỉ có từng ấy người. Họ trao đổi thế nào đó rồi quyết định giải thưởng. Không có chuẩn mực hay giá trị tuyệt đối nào cả.
Không ít bộ phim được trao Cành Cọ Vàng hay Oscar nhưng không có giá trị nghệ thuật gì. Còn đối với nhà phê bình, họ cứ nói. Họ nói ra là tôi biết trình độ thế nào.
- Ai cũng có “gót chân achilles”. Việc lắng nghe những phản biện, góp ý đôi khi cũng là cách để hoàn thiện?
- Không. Làm gì có chuyện đó. Nhà phê bình thì biết gì về điện ảnh. Họ có giây phút nào làm một phim điện ảnh chưa. Cách họ đề cập đến một tác phẩm điện ảnh luôn ở khía cạnh nội dung, câu chuyện. Nhưng đó đâu phải là điện ảnh.
Câu chuyện hay nội dung cũng có trong văn học đấy. Đâu phải chỉ riêng điện ảnh mới có câu chuyện, nội dung đâu.
- Nhắc đến những nhà phê bình phim, anh có vẻ hơi gay gắt. Vì sao vậy?
- Tất nhiên, những nhà phê bình có quyền làm mọi thứ. Nhưng họ đừng nhầm lẫn vai trò. Đạo diễn làm điện ảnh, nghệ thuật. Còn nhà phê bình là làm văn hóa. Hai công việc khác nhau.
Một đạo diễn khi bắt đầu làm việc, họ chẳng có gì cả.
Một nhà phê bình, khi bắt đầu, họ đã có tất cả.
Nếu đạo diễn không làm ra phim, nhà phê bình lấy gì để bình luận.
Mỗi người phải hiểu rõ và đặt bản thân ở tầng bậc khác nhau. Những người chê phim tôi thế nào, tôi vẫn vui cười. Nhưng tôi biết họ là ai, đang ở đâu. Quan trọng hơn, họ có thực sự biết mình là ai. Hay vẫn nghĩ là mình cao hơn tất cả.
Vai trò của người nghệ sĩ là tạo ra tác phẩm. Tôi không để mình bị ô nhiễm bởi tiếng nói xung quanh.
"Nếu phê bình đúng, tôi mới trao đổi lại"
- Tại sao có hiện tượng khi được khen thì đạo diễn vui, bị chê thì lại xù lông nhím. Người ta bảo "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại"?
- Mình bỏ ra 4-5 năm để làm một bộ phim. Anh coi hai tiếng xong lên chê một vài dòng trên mạng xã hội. Điều đó đâu có được. Nếu những lời phê bình cứng cáp, tôi mới trao đổi lại với họ.
- Nghĩa là nếu những phê bình chính xác, anh sẽ tôn trọng?
- Tất nhiên. Tôi kể câu chuyện thế này. Khi Đức Phật đang ngồi thuyết pháp, bỗng có một người đến chửi suốt cả tiếng đồng hồ. Nhưng Đức Phật không phản ứng gì. Lúc sau, người đàn ông đó mới thắc mắc. Đức Phật đáp: ‘Nếu bạn đưa cho ai đó món quà mà người đó không nhận, món quà ấy lại trở về với bạn”. Đơn giản thế thôi.
- Nhưng Đức Phật là đấng Giác ngộ, Chánh đẳng, Chánh giác, chẳng còn vướng bận với cảm xúc vui buồn. Trạng thái đó không thể đạt được dễ dàng. Trong điện ảnh, anh nghĩ mình đã đạt đến trạng thái đó?
- Không, tôi chưa.
- Anh thường đo lường mức độ thành công trong mỗi tác phẩm điện ảnh bằng chỉ số gì?
- Chất điện ảnh. Có những phim tôi xem, thấy số 0 về chất điện ảnh. Nó chỉ như một tác phẩm minh họa lại câu chuyện, chủ đề.
Trần Anh Hùng đo chất lượng thành công của một tác phẩm thông qua chất điện ảnh. |
- Bằng thước đo trên, anh đánh giá thế nào về điện ảnh Việt?
- Tôi không thể nói được, vì phải xem từng phim một của từng đạo diễn. Không thể nhận xét cả nền điện ảnh. Giờ bảo tôi nhận xét nền điện ảnh Mỹ, tôi biết nói thế nào. Mình chỉ có thể đánh giá đạo diễn nào hay, đạo diễn nào có tiềm năng.
Theo quan sát của tôi, điện ảnh Việt hiện tại đang xuất hiện một loạt đạo diễn trẻ rất xuất sắc ở dòng phim nghệ thuật. Những năm qua, dòng phim thương mại cũng ăn khách, doanh thu cao. Điều này cần thiết. Vì những phim như vậy mới nuôi sống thị trường phim. Phim làm ra mà không thu được tiền là chết luôn.
Trên thế giới, các đạo diễn, nhà sản xuất thường cố gắng cân đối giữa dòng phim thương mại và nghệ thuật. Ví dụ, họ làm 10 phim thương mại ăn khách và 2 phim nghệ thuật. Các đạo diễn ở Việt Nam cũng có thể cân nhắc, suy nghĩ xem.
- Lần gần nhất anh xem một bộ phim Việt?
- Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân. Tuyệt tác đấy.
- Nhìn lại hành trình 3 thập kỷ với điện ảnh, có đỉnh cao và cả những thất bại. Điều gì được rút ra?
- Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn nói điều này. Vào thế kỷ 19, có những danh họa, trường phái mới xuất hiện và bị phản ứng dữ dội. Tất cả viện bảo tàng đẩy các họa sĩ mới ra ngoài, vứt tranh họ vào sọt rác. Sau đó, những người này mới mở một phòng tranh và treo các bức tranh bị vứt vào sọt rác trước đó lên. Bây giờ, chính những bức tranh bị loại đó lại là kiệt tác.
Không ít bức tranh được tôn vinh trước kia, bây giờ không ai muốn xem lại. Điều rút ra từ câu chuyện này là gì. Điều quan trọng của đạo diễn là phải biết tính chuyên biệt của điện ảnh và theo đuổi cái tôi nghệ thuật của bản thân.
- Điều gì sẽ giúp điện ảnh Việt tiến xa hơn?
- Việt Nam cần chính sách để phát triển điện ảnh.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.