Đó là bước đi táo bạo nhất của Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập Venezuela. Khi mặt trời mọc, ông đứng bên cạnh các binh sĩ tại một căn cứ không quân ở trung tâm thủ đô Caracas, nói rằng cuộc nổi loạn đã sẵn sàng.
Sáng 30/4, cuộc khủng hoảng chính trị âm ỉ ở Venezuela được thổi bùng lên khi ông Guaido kêu gọi những người ủng hộ xuống đường trong các cuộc biểu tình “bất bạo động” để thúc đẩy sự sụp đổ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Lãnh đạo phe đối lập của Venezuela và tổng thống tự xưng Juan Guaido nói chuyện với một sĩ quan quân đội bên ngoài căn cứ không quân La Carlota ở Caracas, Venezuela, ngày 30/4. Ảnh: AP. |
Trên đường phố, những người biểu tình chống chính phủ đụng độ với các lực lượng trung thành với tổng thống giữa khói lửa, đạn cao su và hơi cay. Các đoạn video cho thấy một chiếc xe bọc thép đâm vào người biểu tình.
Theo Washington Post, đã có một người chết và hàng chục người bị thương trong các cuộc hỗn chiến ở ít nhất 5 bang trên cả nước.
Tuy nhiên, đến cuối ngày, sự đánh cược của Juan Guaido không thu được kết quả như mong đợi. Tổng thống Maduro dường như vẫn vững vàng. Trên Twitter, ông thề giữ vững “tinh thần thép”.
Ông khẳng định vẫn duy trì “sự trung thành tuyệt đối” của các lực lượng vũ trang, bất chấp tin đồn về việc giam giữ một số sĩ quan cao cấp và hàng chục binh sĩ đào tẩu.
Mối bất hòa trong quân đội
Sự kiện ngày 30/4 cho thấy sự chia rẽ trong các lực lượng vũ trang, điều đã khiến Venezuela rơi vào tình thế bấp bênh khi cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước ngày càng trầm trọng.
Trong khi các tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội bày tỏ sự ủng hộ với chính phủ của ông Maduro, nhiều binh sĩ sẵn sàng thách thức chỉ huy của họ và quay sang giúp đỡ phe đối lập.
“Tôi nghĩ cuối cùng điều chúng ta thấy được qua sự kiện này là cả chính phủ và phe đối lập đều nhận ra rằng họ không mạnh như vẫn tưởng”, Geoff Ramsey, nhà phân tích tại Văn phòng Washington về Mỹ Latin, nói với New York Times.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (góc trái) tại Dinh Miraflores ở thủ đô Caracas ngày 30/4, bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino. Ảnh: AFP/Getty. |
Ván bài của ông Guaido rất táo bạo. Qua việc tiếp quản căn cứ quân sự ở trung tâm thủ đô Caracas trước bình minh, ông hy vọng sẽ tạo động lực để các binh sĩ và người dân chấm dứt sự nắm quyền của Tổng thống Maduro.
Chính quyền Trump ngay lập tức ra mặt ủng hộ phe đối lập. Họ gọi đó là Chiến dịch Tự do trong khi chính quyền Maduro gọi đó là cuộc đảo chính.
“Đây không phải là một cuộc đảo chính. Chúng tôi công nhận Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela”, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, việc tán thành lời kêu gọi nổi dậy của Juan Guaido và nhóm nhỏ những người ủng hộ quân sự là một canh bạc đầy rủi ro.
Theo Wall Street Journal, nếu những nỗ lực bắt đầu vào ngày 30/4 để hất cẳng ông Maduro không như kỳ vọng, Mỹ sẽ mang tiếng đã ủng hộ một cuộc nổi dậy thất bại với những hậu quả chết người.
Theo Fernando Cutz, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người từng cố vấn cho cả Tổng thống Donald Trump và cựu tổng thống Barack Obama về Mỹ Latinh, nếu “kịch bản tồi tệ nhất” xảy ra, tức phe trung thành với Maduro và phe ủng hộ Guaido trong quân đội đối đầu nhau, thì sẽ rất “khó coi”.
“Chúng ta có thể chứng kiến một trận chiến và sau đó có thể Mỹ sẽ can thiệp nhằm ủng hộ Guaido. Mỹ có thể sẽ giải quyết mọi việc ở hậu trường”, ông bình luận trên Wall Street Journal.
Phe đối lập sảy chân
Chính quyền Trump, những người ủng hộ ông Guaido kể từ lần đầu tiên ông thách thức chính quyền Maduro hơn ba tháng trước, rõ ràng đã mong đợi mọi chuyện diễn ra khác đi.
Cùng với nhân vật đối lập Leopoldo Lopez, người bị giam giữ từ năm 2014 và được phóng thích vào ngày 30/4, ông Guaido tuyên bố trong video phát hành sáng 30/4 rằng “Thời cơ đã đến”.
“Nếu Guaido và Lopez thất bại trong việc chia rẽ quân đội và thu phục các tướng lĩnh cao cấp nhất đi theo họ thì câu hỏi lớn tiếp theo là điều gì sẽ xảy ra với cá nhân họ và với phe đối lập nói chung. Họ có thể bị bỏ tù hoặc tệ hơn. Hôm nay họ đã thực hiện bước nhảy vọt”, Shannon O’Neil, chuyên gia Venezuela tại Hội đồng Đối ngoại, nói với Washington Post.
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido (trái) và Leopoldo Lopez, thành viên trong đảng của ông, người bị quản thúc tại gia sau khi dẫn đầu các cuộc biểu tình năm 2014. Ảnh: AFP/Getty. |
Sau bước nhảy vọt đó, dường như bộ đôi đã sảy chân. Theo Washington Post, một số quan chức quân sự cấp cao được cho là đã ngầm đồng ý tham gia cuộc nổi dậy nhưng sau đó lại rút lui vì những lý do chưa được xác định.
Không có chiến thắng nhanh chóng cho phe đối lập. Trước nguy cơ bị bắt giữ một lần nữa, ông Lopez đã trú ẩn trong Đại sứ quán Chile ở Caracas. Các trợ lý thân cận với ông Guaido cho biết ông vẫn an toàn nhưng không tiết lộ vị trí của ông vì lo ngại về an ninh. Trong tuyên bố tối 30/4, ông kêu gọi các cuộc biểu tình mới vào ngày 1/5.
Rocio San Miguel, nhà phân tích an ninh ở Caracas, cho rằng ông Guaido đã thất bại trong việc khiến phần lớn các lực lượng vũ trang đổi phe.
“Đã 12 tiếng trôi qua nhưng chúng ta thấy rằng cán cân sức mạnh không thay đổi. Cuối cùng, kết quả họ nhận được là không có chỉ huy quan trọng nào tham gia phe đối lập”, bà Miguel nói.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng các lực lượng vũ trang đã không bắt giữ ông Guaido hay ông Lopez, có lẽ vì lo sợ phản ứng dữ dội nếu giam giữ các nhà lãnh đạo nổi tiếng.
Chiến thuật gây áp lực của Mỹ
Đến cuối ngày, chính quyền Trump chỉ đành than thở vì diễn biến không như trông đợi. Phát biểu trên CNN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ông Maduro và các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ của ông đã chuẩn bị bay tới Cuba vào sáng 30/4 nhưng bị Nga can ngăn và khuyên ở lại.
Ông Maduro phủ nhận điều này trong bài phát biểu trên truyền hình nhà nước vào cuối ngày. Xuất hiện cùng các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu, ông Maduro đả kích Guaido và Lopez là những con rối của Mỹ và gọi các sự kiện trong ngày là một cuộc đảo chính.
Những người ủng hộ ông Maduro đã tham gia một cuộc biểu tình lớn bên ngoài dinh tổng thống Miraflores, trong khi các nhà lãnh đạo chính phủ mô tả các sự kiện trong ngày là âm mưu thất bại của một nhóm nhỏ những kẻ có mưu đồ trong quân đội.
Các lực lượng ủng hộ ông Maduro tập trung bên ngoài dinh tổng thống để thể hiện sự ủng hộ của họ. Ảnh: AP. |
Để thể hiện cam kết của Washington trong việc ủng hộ ông Guaido, các quan chức Mỹ luôn nhấn mạnh rằng lựa chọn quân sự đang được cân nhắc, như câu trả lời của Ngoại trưởng Mike Pompeo trên Fox hôm 1/5. Tuy nhiên, theo một cựu quan chức theo sát tình hình, đây chỉ là “chiến thuật đàm phán”.
“Giữ lại lựa chọn đó sẽ tạo ra áp lực bên miệng hố chiến tranh cho Maduro và các quan chức hàng đầu”, Lindsay Singleton, chuyên gia về Mỹ Latin của Rokk Solutions, nhận xét.
Theo bà, sự khó đoán của ông Trump cũng tạo thuận lợi cho chính quyền Mỹ vì chính quyền Maduro sẽ băn khoăn tự hỏi liệu tổng thống Mỹ có lừa gạt họ không khi nói rằng ông đang cân nhắc “tất cả lựa chọn”.
Ông Trump từ lâu đã phản đối các cuộc xâm lược quân sự của Mỹ ở những nơi như Afghanistan và Iraq. Việc bắt đầu một cuộc chiến mới sẽ đi ngược lại quan điểm công khai của ông về hành động quân sự.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng hành động quân sự ở Venezuela cũng có thể khiến ông Maduro kêu gọi các chiến binh du kích thiện chiến bảo vệ mình và kích hoạt làn sóng bạo lực mới dọc biên giới với Colombia và các đồng minh khác của Mỹ.