Chính trị gia đối lập ở Venezuela Juan Guaido, được các nước phương Tây và nhiều chính phủ Nam Mỹ công nhận là tổng thống lâm thời, ngày 30/4 quyết định đã đến lúc giành lấy quyền lực ở đất nước đang chìm sâu trong khủng hoảng.
Bao quanh bởi đám đông những người phản đối Tổng thống Nicolas Maduro, Guaido đứng trước sân bay quân sự La Carlota tại Caracas và tuyên bố "Chiến dịch Tự do" chính thức bắt đầu. Phe chính phủ nhanh chóng gọi đây là âm mưu đảo chính.
"Tổng thống" tự xưng Juan Guaido được vây quanh bởi người biểu tình chống chính phủ và các quân nhân ủng hộ phe đối lập sáng 30/4. Ảnh: AP. |
Nỗ lực lôi kéo quân đội bất thành
Canh bạc mà Juan Guaido đeo đuổi lần này vô cùng táo bạo. Phe đối lập dự định chiếm quyền kiểm soát một căn cứ quân sự ngay tại trung tâm thủ đô Caracas. Động thái này nếu thành công có thể giúp ông Guaido có thêm sự ủng hộ từ người dân và quân đội để chấm dứt quyền lực của Tổng thống Maduro, theo New York Times.
Vài dấu hiệu ban đầu cho thấy ông Guaido có thể đã được "bật đèn xanh". Một đoạn video cho thấy chủ tịch quốc hội Venezuela được bao quanh bởi hàng chục quân nhân mang khăn vải xanh. Những người này được cho là thành viên lực lượng vệ binh quốc gia. Ông Guaido gọi nhóm này là "những người lính dũng cảm chấp nhận nghe theo tiếng gọi" của phe đối lập. Xuất hiện trong cảnh quay còn có vài chiếc xe bọc thép.
Đi cùng "tổng thống" tự xưng Juan Guaido là Leopoldo Lopez, chính trị gia nổi tiếng của phe đối lập bị bắt giam năm 2014, sau đó bị quản thúc tại gia. Ông Lopez nói ông được các đặc vụ SEBIN, cơ quan an ninh quốc gia Venezuela, trả tự do. Thông điệp này hàm ý SEBIN có thể "đổi phe" khi đảo chính nổ ra.
Tuy nhiên, để giành được quyền lực từ Tổng thống Maduro, phe đối lập cần lôi kéo được quân đội ủng hộ với số lượng lớn, đồng thời thuyết phục nhóm tướng lĩnh chỉ huy gia nhập hàng ngũ của mình. Trong sáng 30/4, tin đồn các quan chức cấp cao rời bỏ hàng ngũ của Tổng thống Maduro liên tiếp xuất hiện, theo Economist.
Trưa cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bóng gió rằng nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Maduro chấp nhận đổi phe. Ông phao tin "các nhân vật then chốt phía của chính quyền" duy trì đối thoại với phe chống chính phủ trong gần ba tháng qua.
Cố vấn Nhà Trắng kêu gọi những nhân vật này "thực hiện đúng cam kết xúc tiến chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" từ Tổng thống Maduro sang lãnh đạo đối lập Juan Guaido.
John Bolton còn nêu tên những quan chức Venezuela muốn đào tẩu bao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez, Chánh án Tòa án tối cao Maikel Moreno và chỉ huy đội cận vệ tổng thống Ivan Rafael Hernandez Dala. Ông tuyên bố cả ba nhân vật này "đồng ý ông Maduro cần phải ra đi" và kêu gọi các quan chức Venezuela "hành động ngay trong ngày", giúp ông Guaido kiểm soát quân đội.
Những trụ cột kể trên của chính quyền Tổng thống Maduro có thật sự muốn đổi phe hay không, điều đó vẫn là ẩn số. Phía Washington từ lâu đã muốn điều này trở thành sự thật. Bằng cách công khai khẳng định ba quan chức cấp cao không còn trung thành với Tổng thống Maduro, ông Bolton có lẽ muốn ép các nhân vật này không còn đường lùi và buộc phải hành động.
Trước khi đại diện Nhà Trắng can thiệp vào tình hình Venezuela, nhiều nhân vật cấp cao có liên hệ với phe đối lập lần lượt tái khẳng định lòng trung thành với chính phủ đương nhiệm.
Jose Ornellas, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Venezuela, lên mạng xã hội Twitter ủng hộ Tổng thống Maduro tiếp tục cầm quyền. Bộ trưởng Quốc phòng Lopez cũng xuất hiện trên truyền hình quốc gia với thông điệp tương tự, trái với tuyên bố của ông Bolton.
Phe đối lập có vẻ chỉ lôi kéo được một nhóm nhỏ trong quân đội Venezueala. Ảnh: AP. |
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc đảo chính của phe đối lập diễn ra khi công tác chuẩn bị còn dang dở. Họ dự tính hành động vào một thời điểm khác, với sự ủng hộ của nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Tổng thống Maduro. Tuy nhiên, kế hoạch buộc phải thay đổi khi phe chính phủ bắt đầu tìm cách bắt giữ Juan Guaido, trong khi những quan chức thông đồng trong chính phủ lại chùn bước.
Trưa 30/4, Bộ trưởng Quốc phòng Padrino Lopez công khai nhìn nhận động thái của phe đối lập tại căn cứ La Carlota là "âm mưu đảo chính ở quy mô nhỏ không hơn không kém". Lời tuyên bố của ông Lopez đồng thời chấm dứt mọi hy vọng xuất hiện lãnh đạo hàng đầu của quân đội chuyển sang ủng hộ phe đối lập, New York Times nhận định.
"
Canh bạc nhiều khả năng thất bại
Sĩ quan cấp cao nhất "đổi phe" được cho là một trung tá chịu trách nhiệm giám sát quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát. Người biểu tình ủng hộ ông Guaido cuối cùng không thể tiến vào căn cứ quân sự La Carlota. Cảnh sát và đơn vị bảo vệ căn cứ đẩy lùi phe chống chính phủ bằng lựu đạn cay và các biện pháp vũ lực.
Đến trưa 30/4, chính phủ của Tổng thống Maduro bắt đầu loan tin "những kẻ phản bội đất nước một lần nữa bị đánh bại".
Không lôi kéo thành công sự ủng hộ của quân đội, ông Juan Guaido buộc phải quay về với phương án duy nhất là huy động người dân xuống đường biểu tình. Đây vốn là chiến thuật chủ đạo của phe đối lập thời gian qua nhằm tạo sức ép lên chính quyền Venezuela.
Trong khi Tổng thống Maduro tuyên bố chiến thắng của quân đội trước âm mưu đảo chính và kích động nội chiến từ lực lượng "cánh hữu" do nước ngoài chống lưng, ông Guaido tiếp tục kêu gọi tổ chức biểu tình đồng loạt trên cả nước vào ngày 1/5.
Nhiều nhóm cực đoan trong phe đối lập muốn Guaido lần này nhắm thẳng đến Phủ tổng thống Miraflores, bất chấp khả năng đụng độ lực lượng an ninh trung thành với Tổng thống Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Lopez ngày 30/4 cũng cảnh báo quân đội sẵn sàng sử dụng vũ khí nếu người biểu tình đe dọa Miraflores.
Vẫn khó đoán được kết quả những diễn biến hiện nay ở Venezuela. Giới quan sát cho rằng còn quá sớm để phe chính phủ tuyên bố thắng lợi. Tổng thống Maduro phát biểu chiến thắng trên sóng truyền hình quốc gia nhưng chưa công khai xuất hiện trước công chúng.
Các lực lượng an ninh chính phủ Venezuela dần kiểm soát được tình hình về cuối ngày 30/4 sau khi phe đối lập tuyên bố đảo chính. Ảnh: Getty. |
Nhiều nhà quan sát cho rằng chính phủ của Tổng thống Maduro có thể xem lại việc tiếp tục cho ông Guaido được tự do. Trước vụ bạo động ngày 30/4, phía chính phủ vẫn nương tay với lực lượng chống đối và các cuộc biểu tình. Việc căng thẳng leo thang làm dấy lên quan ngại quân đội bắt đầu hành động cứng rắn hơn.
Phe chống đối cũng có khả năng mất kiên nhẫn với tình hình hiện tại. Lần gần nhất Juan Guaido "đánh cược" với chính phủ Maduro và thất bại là vào tháng 2, khi ông tìm cách đưa viện trợ nhân đạo từ Colombia đến Caracas trước sự theo dõi của truyền thông quốc tế.
Bất chấp sức ép và lệnh cấm vận từ Mỹ cùng những đồng minh tại Nam Mỹ, chính phủ của Tổng thống Maduro vẫn không lay chuyển. Thêm một canh bạc thất bại lần này sẽ làm giảm đáng kể nhuệ khí của phe đối lập.