Đối với Julie Zhong, Tết Nguyên đán vừa rồi đáng lẽ là một kì nghỉ đơn giản. Cô gái 24 tuổi quê ở Vũ Hán, Trung Quốc mới đi nghỉ cùng gia đình ở đảo Hải Nam. Sau chuyến đi kéo dài ba tuần, theo kế hoạch, cô sẽ chuyển đến Thượng Hải và nhận một công việc mới tại Lãnh sự quán Canada.
Và rồi dịch bệnh bùng phát.
Kì nghỉ trở thành thảm họa
Sau khi chính quyền Hải Nam ghé thăm lần đầu để kiểm tra thân nhiệt các thành viên trong gia đình Zhong, họ bắt đầu quá trình tự cách ly kéo dài 14 ngày. Nhịp sống hàng ngày dần chậm lại và xoay quanh việc nấu ăn cùng các ván mạt chược trong khi họ kiên nhẫn chờ đợi trong cô lập tại một căn hộ ven biển.
Hải Nam, một hòn đảo nghỉ mát nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam Trung Quốc là địa điểm du lịch nổi tiếng, đôi khi còn được gọi là “Hawaii Trung Quốc”. Gia đình Zhong đi du lịch tới đó với hy vọng rằng khí hậu ấm áp sẽ giúp cải thiện sức khỏe của ông bà cô.
Và rồi thay vì tận hưởng kỳ nghỉ, mỗi tối, ông bà của cô xem tivi để cập nhật tình hình dịch bệnh. Gia đình Zhong cũng chia sẻ tin tức trên WeChat, ứng dụng nhắn tin nội địa. Khi giai đoạn tự cách ly chấm dứt, Zhong ra bãi biển cùng các thành viên trong gia đình để tập thể dục. Thời tiết lạnh và biển đã trở nên xám xịt. Vẫn đeo khẩu trang, họ chỉ ra ngoài 15 phút trước khi quay trở lại căn hộ.
Julie Zhong và ông bà mình trên bãi biển ở Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Nếu thời tiết được cải thiện, Zhong nói, cô sẽ quay trở lại bãi biển để tận hưởng không khí trong lành. Cô gái trẻ thể hiện sự lạc quan về sức khỏe của mình. Nhiều người từ Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát virus corona mới (tên chính thức là Covid-19) đã không vượt qua đợt kiểm tra sức khỏe trong chiến dịch kiểm soát và cách ly những người từng tới Vũ Hán gần đây trên toàn quốc. Trong khi đó, các quan chức chỉ đơn giản là gọi điện cho gia đình Zhong để kiểm tra qua điện thoại.
Trong tình cảnh các biện pháp nghiêm ngặt đang được áp dụng khắp đại lục và nhiều thành phố đang bị phong tỏa, cha mẹ Zhong đề nghị cô nhanh chóng tới Thượng Hải nhận việc. Zhong đáng lẽ sẽ bắt đầu công việc mới vào ngày 17/2.
Cô nhanh chóng gặp một vấn đề mới: không khách sạn nào tại Thượng Hải chấp nhận đặt phòng của cô nếu cô không bị cách ly. Hai khách sạn cô gọi tới từ chối phũ phàng. Ngay cả khi Zhong đã trải qua thời gian cách ly rất lâu, họ nói với cô rằng những người tới từ Hồ Bắc không được chào đón. Một khách sạn chấp nhận người từ Vũ Hán cũng yêu cầu bằng chứng về một đợt cách ly 14 ngày mới.
Zhong trên bãi biển, mặt đeo khẩu trang. Cô mệt mỏi vì tình cảnh của mình và gia đình. Ảnh: New York Times. |
Chịu nhiều thiệt thòi
"Tôi vô tội nhưng vẫn bị liên lụy", cô nói. "Điều này làm tôi thực sự tức giận".
"Tại sao chúng tôi bị hắt hủi chỉ vì lỗi của một ai đó?", Zhong nói thêm và bày tỏ sự phẫn nộ về sự phân biệt đối xử mà cô tin mình không đáng phải nhận. "Chừng nào con dao chưa cắt vào da bạn, bạn sẽ không biết nó đau thế nào".
Zhong cũng cho rằng những định kiến và sự tức giận như vậy nhắm vào những người đến từ Vũ Hán đã bị đặt nhầm chỗ.
“Đây có phải là lỗi của người Vũ Hán? Rõ ràng là không. Nếu xuất phát từ việc ăn thịt hoang dã, thì vấn đề là chính phủ đã không kiểm soát nó đủ tốt”, Zhong nói, đề cập đến khu chợ nơi được cho là nguồn gốc của virus. "Bạn không thể đổ mọi tội lên đầu những người dân Vũ Hán".
"Mọi người nên đặt mình vào tình cảnh của chúng tôi và biết thông cảm hơn”, cô nói.
Zhong đã may mắn nhận được sự giúp đỡ từ một người quen tốt bụng. Trong lúc lướt trang chủ WeChat, Zhong thấy một bài đăng từ một người đàn ông mà cô gặp khi tham gia kì thi đầu vào ngành luật LSAT ở Trung Quốc. Đó là một đề nghị cung cấp chỗ ở cho 1 - 2 người từ Vũ Hán tại Thượng Hải, nơi nhiều người Vũ Hán đang chật vật tìm cách ở lại.
“Đó thật sự là một điều may mắn”, Zhong nói.
Khách nước ngoài tại Vũ Hán đang trả lời phỏng vấn trong lúc chờ chuyến bay về nước. Ảnh: Hromadske Ukraine. |
Trong lúc Zhong đã có một nơi để ở, cô vẫn không chắc chắn rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ. Với việc chính sách địa phương đối với người từ Vũ Hán vẫn còn thiếu nhất quán, cô biết mình vẫn có thể đối diện lệnh cách ly một khi đặt chân đến Thượng Hải.
Để giúp đỡ, chính quyền Hải Nam đã đưa cho cô một tờ giấy chứng thực rằng Zhong đã qua giai đoạn cách ly. Tuy nhiên, Zhong vẫn tin rằng mình đang mạo hiểm.
“Suy nghĩ hiện giờ của tôi là việc đó chẳng còn quan trọng”, Zhong nói thêm. “Nếu họ muốn cách ly tôi, cứ việc".