Ban Quản lý dự án (BQLDA) metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tiến hành trưng bày mô hình đoàn tàu do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) thiết kế để người dân tham quan, góp ý kiến.
Trong một tháng (từ 16/3 - 15/4), các ban ngành, đoàn thể và người dân có thể đến bãi đúc dầm trên đường số 11 (phường Long Bình, quận 9) tham quan mô hình và góp ý.
Mô hình metro đặt tại bãi đúc dầm trên đường số 11, quận 9. |
Là một trong những người tham quan đầu tiên, ông Hà Ngọc Trường (Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM) cho biết, tổng quan về tính năng, thiết kế, hình dán, màu sắc đoàn tàu thì rất tiên tiến, không thua kém metro của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Tuy nhiên, ông Trường góp ý: "Phải tăng thêm số tay vịn vì toa tàu chỉ có 48 ghế ngồi, trong khi hơn 250 người phải đứng (mô hình chỉ có 127 tay vịn)".
Theo ông, độ cao tay vịn phải hạ xuống thêm 10 cm mới phù hợp với người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Hiện các đoàn tàu một số nước đã phân chia khu vực nam và nữ, nhưng Việt Nam thì chưa. Do vậy, chúng ta cũng nên nghiên cứu điều này.
Ông Hà Ngọc Trường tại buổi tham quan, góp ý metro. |
Nhiều người thắc mắc, tại sao nhà thầu không chế tạo 4 - 5 mô hình đoàn tàu trưng bày để người dân đối chiếu, so sánh. Ưu nhược điểm của metro nước ta so với các quốc gia có metro thế nào?
Vấn đề này, ông Hoàng Như Cương - Phó giám đốc BQLDA đô thị TP HCM cho biết, đây là tuyến metro đầu tiên của Việt Nam, việc đưa ra lấy ý kiến là điều trước đây các nước có metro chưa làm.
Chi phí chế tạo mô hình tương đương với metro thật là khá cao, phải đưa từ Nhật về Việt Nam bằng đường biển. Do vậy, làm 4 - 5 mô hình trưng bày là không cần thiết, vì chúng chỉ khác nhau về màu sắc và một số chi tiết bên trong."Trong quá trình thiết kế metro số 1, BQLDA và nhà thầu Nhật Bản tham khảo rất nhiều nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các vấn đề mà metro các nơi từng gặp phải, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác vận hành", ông Cương cho biết.
Sau khi tham quan mô hình, ông Trần Văn Toàn (cán bộ hưu trí, ngụ quận 9) băn khoăn, trên toa chỉ có camera lái tàu quan sát hành khách mà không có nhân viên phục vụ. Trong môi trường đông đúc, nếu xảy ra móc túi, trộm cắp hay đánh nhau thì không có ai can thiệp.
"Nếu trên tàu không có nhân viên thì tại các nhà ga phải có lực lượng an ninh túc trực. Khi lái tàu phát hiện kẻ gian, thì thông báo cho nhân viên an ninh trạm gần nhất tiến hành can thiệp", ông Toàn nêu ý kiến.
Bên trong mô hình metro số 1. |
Đại diện BQLDA giải thích, trên mỗi toa tàu đều có camera an ninh theo dõi. Trường hợp phát hiện kẻ móc túi, cướp giật, đánh nhau thì lái tàu nhanh chóng báo về trung tâm điều độ và nhân viên an ninh tại ga kế tiếp.
Do không ai có thể rời khỏi tàu đang chạy, các nhà ga chỉ cách nhau 1 km nên an ninh can thiệp nhanh chóng. BQLDA sẽ làm việc với công an, lên phương án bảo đảm an toàn cho hành khách khi đi metro.
Theo ông Cương, tàu chạy bằng động cơ điện xoay chiều 3 pha, 380V. Ngoài hệ thống điện lưới nối trực tiếp, còn có 2 trạm dự phòng dành riêng cho các đoàn tàu. Trường hợp mất điện diện rộng, hai trạm này sẽ cung cấp điện cho tàu ít nhất 3 giờ để về ga an toàn.
Trường hợp xảy ra sự cố, thảm họa, cháy nổ nếu tàu đang ở đường trên cao, khách có thể rời tàu bằng các cửa hông. Nếu tàu đang ở trong hầm, khách ra ngoài bằng 2 cửa thoát hiểm ở cabin, rồi đi bộ đến ga gần nhất. Trên tàu cũng trang bị tất cả những phương tiện cứu hộ cần thiết phục vụ cho mọi tình huống.
Vị trí cửa thoát hiểm ở đầu tàu. |
Anh Huỳnh Tuấn Tú (ngụ Bình Dương) góp ý, trong tương lai TP HCM có 6 tuyến metro thì mỗi tuyến nên có một màu đặc trưng giúp người dân dễ phân biệt, lâu dần tạo thói quen cho người sử dụng.
“Ví dụ, khi thấy đoàn tàu metro có màu xanh da trời thì người dân sẽ biết đó là tuyến Bến Thành - Suối Tiên, màu xanh lá cây là tuyến Bến Thành - Tham Lương. Từ đó người dân sẽ dễ dàng chọn tuyến mình cần đi”, anh Tú đề xuất.
Người dân thắc mắc, tại sao không đặt mô hình ở trung tâm TP để dễ dàng đến tham quan và góp thay vì phải đi xa như hiện nay.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng BQL Đường sắt đô thị TP cho biết, đã cân nhắc nhiều vị trí và báo cáo UBND TP. Tuy nhiên, không có nơi nào ở trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn và mặt bằng. Chỉ có bãi đúc dầm ở quận 9 đáp ứng về diện tích, trang thiết bị trưng bày mô hình metro.