Chiều 18/8, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức chương trình công bố “Danh mục Sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học” và “Trao tặng sách cho thư viện các trường tiểu học thuộc 5 huyện ngoại thành TP.HCM năm 2022”.
Trao tặng sách thư viện là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của TP.HCM nhằm xây dựng văn hóa đọc. Năm nay, thành phố trao tặng 52.560 đầu sách cho thư viện 50 trường tiểu học thuộc 5 huyện ngoại thành và thư viện các quận, huyện, phường, xã. Tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Sự kiện có thêm điểm mới khi thí điểm tặng sách dựa trên “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” do Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng. Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - thay vì tặng tủ sách mang tính chất gom sách, sách dựa theo danh mục của Hội Xuất bản bám sát vào chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo, vừa giúp nâng cao tri thức cho học sinh, vừa có giá trị hỗ trợ cho chương trình học chính khoá của các em trên trường; là nguồn tài liệu cho giáo viên, các bộ thư viện.
Tại chương trình trao tặng sách cho thư viện các trường tiểu học chiều 18/8, ông Lâm Đình Thắng (giữa) đánh giá cao danh mục sách mà Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng. Ảnh: Ánh Dương. |
Danh mục sách xây dựng bằng tâm huyết và sự trăn trở
Ý tưởng thực hiện “Danh mục Sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” được ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - khởi xướng từ năm 2020. Sau 2 năm xây dựng, dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe về luật thư viện và khung chương trình giáo dục mới, danh mục ra đời với 965 tựa sách.
Theo đó, 965 tựa sách này lựa chọn từ gần 6.000 tựa của hơn 30 đơn vị xuất bản, thông qua sự tư vấn, chọn lọc, phân loại và đánh giá, nhận xét của hơn 50 giáo viên thuộc các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, sau khi tiến hành khảo sát tại các thư viện trên đại bàn TP.HCM, Hội nhận thấy hầu hết thư viện đều gặp khó khăn trong việc thiết lập danh mục sách phân chia theo chủ đề môn học, cấp lớp để phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của thầy cô và học sinh.
Sự ra đời của “Danh mục Sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” sẽ giúp khai thác hiệu quả nguồn xuất bản phẩm trong thư viện trường tiểu học, từ đó tạo thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường.
Đối với cán bộ thư viện, danh mục sách sẽ hỗ giới thiệu sách phù hợp với từng chủ đề của môn học, lớp học đến giáo viên để sử dụng phục vụ cho việc giảng dạy; hướng dẫn học sinh tìm kiếm, chọn đọc sách phù hợp; tìm hiểu thêm về một bài học, một môn học hoặc một chủ đề nhằm hỗ trợ việc học cho học sinh được tốt hơn.
Đối với giáo viên, danh mục sẽ cung cấp thêm tư liệu giảng dạy theo từng chủ đề của mỗi môn học. Đối với học sinh, danh mục sách là nguồn tư liệu giúp học sinh biết cách tự tìm sách cho một môn học, một bài học hoặc một chủ đề cụ thể cho việc học tập và nâng cao kiến thức của mình. Các em đọc sách trong danh mục này dưới sự hướng dẫn của thầy cô, có thể trả lời được câu hỏi, thảo luận, trao đổi với bạn học… từ đó gieo cho các em lòng yêu thích sách, hình thành thói quen đọc sách và góp phần phát triển văn hoá đọc trong nhà trường.
Danh mục cũng giúp các bậc phụ huynh biết cách chọn sách trang bị và bổ sung cho tủ sách dành cho con trong gia đình.
Các cuốn trong danh mục sách hỗ trợ dạy và học lớp 5. Ảnh: Phương Lâm. |
Làn gió mới cho thư viện
Theo ông Lê Hoàng, sau khi trao tặng sách cho các thư viện theo chương trình “Trao tặng sách cho Thư viện 50 trường tiểu học thuộc 5 huyện ngoại thành TP.HCM” vào tháng 9, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ các thư viện xây dựng, tổ chức lại cách sắp xếp mới theo sườn danh mục sách khuyến nghị, từ đó phát triển việc dạy và học hiệu quả cho học sinh.
Cụ thể, ông Lê Hoàng cho rằng nên xếp lại sách theo chủ đề từng môn học, giống như danh mục sách, như vậy thầy cô và học sinh sẽ có hệ thống và dễ dàng tra cứu hơn. “Nếu mỗi môn học đều có một ngăn riêng , ví như tuần tới học chủ đề 'yêu thương gia đình' thì trong danh mục sách khuyến nghị có 11 cuốn, 11 cuốn này đều ở trong 1 khuôn sách, thầy cô và học sinh chỉ việc xuống đọc 11 cuốn để chuẩn bị cho tuần tới”, ông Hoàng nói.
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - Giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ: “Tôi đã đọc kỹ từng cuốn sách được tuyển lựa cho danh mục, và cảm tưởng chung là khâm phục tâm huyết, sự tỉ mỉ và cẩn trọng của những người đã góp sức làm ra danh mục này".
TS Ngọc Minh đánh giá đó là những cuốn sách hay, mới mẻ, đặt ra những vấn đề hiện đại, của những nhà xuất bản đáng tin cậy. "Việc bám sát vào chương trình phổ thông mới, sắp xếp sách theo từng chủ đề, lớp học như thế này sẽ hữu ích cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thực sự đây là một món quà đáng giá cho ngành giáo dục”, TS Ngọc Minh nói.
Kết thúc buổi lễ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề xuất Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục thực hiện và cập nhật danh mục sách hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho giáo viên, cán bộ thư viện để giúp các trường sử dụng hiệu quả danh mục sách phục vụ cho yêu cầu học tập, giảng dạy.