Con người - về bản chất là những sinh vật vô cùng nhạy cảm. Chúng ta dễ xúc động, bởi chúng ta nhận thức mọi thứ bằng cơ thể cảm xúc. Cơ thể cảm xúc giống như một đài phát thanh được điều chỉnh để nhận biết hoặc để phản ứng với các tần số nhất định.
Tần số bình thường của con người trước khi được thuần hóa là khám phá và tận hưởng cuộc sống; chúng ta nhạy trong việc bắt sóng tình yêu. Là một đứa trẻ, chúng ta không định nghĩa tình yêu như một khái niệm trừu tượng; chúng ta đơn giản là sống và yêu. Đó chính là con người của chúng ta.
Cơ thể vật lý của chúng ta có một hệ thống báo động sẽ “reo lên” khi cơ thể ta có điều gì đó không ổn. Chúng ta gọi nó là cảm giác đau. Khi ta thấy đau, chắc chắn có gì đó bất thường đang xảy ra mà ta cần tìm hiểu và xử lý. Cơ thể cảm xúc của chúng ta cũng có một hệ thống báo động tương tự - và đó chính là nỗi sợ hãi. Khi chúng ta sợ hãi, hẳn đang có gì đó không ổn, ví dụ như tính mạng của chúng ta đang bị đe dọa chẳng hạn.
Chúng ta học về cảm xúc thông qua năng lượng cảm xúc trong gia đình và phản ứng cá nhân của chúng ta với năng lượng đó. Đó là lý do tại sao anh chị em ruột lại có thể phản ứng không giống nhau, tùy theo cách mỗi người tiếp thu để tự vệ và thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau. Khi cha mẹ thường xuyên gây gổ, khi trong gia đình chỉ có bất hòa, không tôn trọng và dối trá, con trẻ sẽ học và sống theo cách thức đó.
Ngay cả khi chúng được dạy rằng không nên như thế, thì năng lượng cảm xúc của cha mẹ, gia đình cũng sẽ khiến chúng nhận thức về thế giới theo cách tương tự. Năng lượng cảm xúc trong gia đình sẽ điều chỉnh cơ thể cảm xúc của chúng ta theo cùng tần số. Nó sẽ khiến cơ thể cảm xúc bắt đầu thay đổi, không còn là âm điệu bình thường vốn có.
Chúng ta chơi theo trò chơi mà người lớn đặt ra, chúng ta chơi theo trò chơi của Giấc mơ bên ngoài, và chúng ta thua cuộc. Chúng ta đánh mất sự ngây thơ của bản thân. Chúng ta đánh mất tự do. Chúng ta đánh mất hạnh phúc. Chúng ta đánh mất bản năng yêu thương vốn có. Chúng ta bị buộc phải thay đổi, và chúng ta bắt đầu nhận thức về một thế giới khác, một thực tế khác: thực tế của bất công, của những nỗi đau tình cảm, của những chất độc cảm xúc.
Chào mừng đến với địa ngục - địa ngục do con người tạo nên. Chúng ta được chào đón vào địa ngục đó, địa ngục không phải do ta tự tạo nên. Nó đã có sẵn từ khi ta được sinh ra.
Hãy tưởng tượng bạn là đứa trẻ hai hay ba tuổi. Bạn đang hạnh phúc, bạn đang vui chơi, bạn đang khám phá. Bạn không ý thức được điều gì tốt, điều gì xấu, điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm và điều gì không nên, bởi bạn còn chưa bị thuần hóa.
Bạn đang chơi trong phòng khách với bất cứ thứ gì xung quanh mình. Bạn không có ý định xấu nào cả. Bạn không có ý phá hư bất cứ vật gì. Món đồ chơi của bạn là cây ghi-ta của bố. Nhưng bố của bạn đang có một ngày không mấy vui vẻ, vì chuyện làm ăn gặp vài rắc rối. Ông bước vào phòng khách và trông thấy bạn đang chơi với cây ghi-ta của ông. Ngay lập tức bố nổi giận. Ông tóm lấy bạn và tét đít bạn.
Bạn thấy điều này thật bất công. Bố nổi giận và làm bạn đau. Bố là người bạn hoàn toàn tin tưởng, bố thường bảo vệ bạn, cho phép bạn chơi và được tự do là chính mình. Chuyện vừa xảy ra không hợp lý chút nào, không giống với nhận thức trước đó của bạn. Cảm giác bất công tạo một vết hằn trong tim bạn.
Bạn trở nên mẫn cảm, bạn cảm thấy tủi thân và bạn khóc. Bạn không chỉ khóc vì vết lằn ở mông. Không phải nỗi đau về mặt thể xác, mà nỗi đau cảm xúc khiến bạn vỡ òa. Mình có làm gì đâu chứ!
Cảm giác bất công đó gây ra một vết thương nơi tâm trí bạn. Cơ thể cảm xúc của bạn bị tổn thương, và trong khoảnh khắc đó, bạn mất đi một phần nhỏ sự ngây thơ của mình.
Bạn học được rằng bạn không thể luôn tin tưởng bố. Ngay cả khi tâm trí vẫn chưa hoàn thiện khả năng phân tích, chưa thể đưa ra một kết luận rõ ràng, nó vẫn hiểu được rằng, “Mình không thể tin tưởng”. Cơ thể cảm xúc cho bạn biết có điều gì đó bạn không thể tin tưởng, và điều gì đó có thể lặp lại.
Điều này lại khoét thêm một vết thương trong tâm trí bạn. Trước sự việc này, tâm trí bạn hoàn toàn khỏe mạnh; bạn hoàn toàn ngây thơ. Sau sự việc này, lý trí bạn sẽ hành động theo kinh nghiệm. Bạn học cách phản ứng theo một cách nhất định - cách của riêng bạn. Bạn giữ cảm xúc đó bên mình, và nó thay đổi cách sống của bạn.
Trải nghiệm này sẽ lặp lại nhiều lần. Sự bất công đến từ cha mẹ, từ các anh chị em, từ các chú dì, từ trường học, từ xã hội, từ mọi người. Sau mỗi lần sợ hãi, bạn học thêm cách tự vệ, nhưng mọi thứ không còn giống như trước, khi bạn có thể tự bảo vệ mình và luôn vui chơi.
Từng chút một, chúng ta đánh mất sự ngây thơ; chúng ta bắt đầu cảm thấy oán giận, tấm lòng chúng ta chật hẹp đi, không còn rộng lượng như trước. Theo thời gian, những sự cố cho chúng ta biết thật không an toàn khi là chính mình. Tất nhiên điều này sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy theo nhận thức và trình độ học vấn.
Quá trình bị thuần hóa còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Nếu bạn may mắn, sự thuần hóa không quá mạnh mẽ. Nhưng nếu bạn không may, sự thuần hóa quá mạnh và những vết thương quá sâu, khiến bạn cực kỳ sợ hãi thậm chí cả khi nói chuyện. Kết quả là, “Ừm, tôi là người hay xấu hổ!”. “Hay xấu hổ” chỉ là cách nói khác của việc sợ thể hiện bản thân. Bạn có thể tin rằng bạn không biết nhảy hay không biết hát, nhưng đây chỉ là sự kìm nén bản năng thể hiện tình yêu bình thường của con người.
Con người sử dụng nỗi sợ hãi để thuần hóa con người, và nỗi sợ hãi của chúng ta tăng lên sau mỗi lần trải qua sự bất công. Cảm giác bất công chính là con dao tạo ra vết thương trong cơ thể cảm xúc của chúng ta. Chất độc cảm xúc được tạo ra bởi phản ứng của chúng ta với những gì ta coi là bất công. Một số vết thương sẽ lành, một số khác sẽ bị nhiễm trùng bởi ngày càng nhiều chất độc thấm vào cơ thể cảm xúc.
Và một khi con người đã chứa đầy chất độc cảm xúc, chúng ta có nhu cầu giải phóng chúng bằng cách gửi cho người khác. Chúng ta làm điều đó như thế nào? Bằng việc thu hút sự chú ý của người đó.
Khi có nhận thức, chúng ta dễ dàng hiểu được tại sao các mối quan hệ thường trục trặc - với cha mẹ, với con cái, với bạn bè, với bạn đời, và thậm chí với chính mình. Tại sao mối quan hệ với chính chúng ta không ổn? Vì chúng ta bị thương, và chúng ta có khối chất độc cảm xúc mà chúng ta khó lòng xử lý. Chúng ta đầy chất độc, vì chúng ta lớn lên với hình ảnh về sự hoàn hảo không có thật, không tồn tại và trong tâm trí ta, điều đó là không công bằng.
Bạn không còn là một đứa trẻ. Nếu bạn có một mối quan hệ ngược đãi, đó là vì bạn chấp nhận điều đó, bạn tin rằng bạn xứng đáng bị như vậy. Bạn có một giới hạn về mức độ lạm dụng bạn có thể chấp nhận, nhưng không ai trên toàn thế giới này lạm dụng bạn nhiều như những gì bạn làm với bản thân.
Giới hạn tự ngược đãi của bạn chính là giới hạn bạn có thể chịu đựng những gì người khác làm với bạn. Nếu ai đó ngược đãi bạn nhiều hơn mức độ bạn ngược đãi chính mình, bạn bỏ đi, bạn chạy, bạn trốn thoát. Nhưng nếu ai đó ngược đãi bạn ít hơn một chút so với những gì bạn làm với bản thân, có thể bạn sẽ ở lại. Bạn thấy mình vẫn “xứng đáng” với những ngược đãi đó.
Cuộc sống mang đến cho bạn chính xác thứ bạn cần. Có công lý hoàn hảo nơi cuộc sống địa ngục này. Không có gì để đổ lỗi cả. Chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự đau khổ của chúng ta là một món quà. Chỉ cần mở mắt và nhìn xung quanh mình, bạn sẽ thấy đó chính xác là những gì bạn cần để tẩy sạch độc tố, chữa lành vết thương, chấp nhận bản thân và thoát khỏi địa ngục.