Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình thấu hiểu và làm chủ bản thân

Quá trình thấu hiểu và làm chủ bản thân chính là quá trình hướng đến trạng thái cân bằng của mình trong lúc tương tác với thế giới xung quanh.

Một chiến binh Toltec khi đạt đến giai đoạn đỉnh cao của hành trình phát triển bản thân có thể giải phóng chính mình khỏi các bám chấp, niềm tin và hệ tư tưởng cũ để trở nên hoàn toàn tự do. Khi đó, cuộc chiến nội tâm đã đi đến hồi kết. Xung quanh ta là vô vàn cơ hội, và bất kỳ sự lựa chọn nào trong cuộc sống cũng đều có khả năng mở ra một hướng đi độc đáo cho ta.

Ta biết rằng con đường mà ta đang lựa chọn cuối cùng không có gì khác biệt so với các con đường còn lại, vì thực ra mọi con đường đều có cùng một đích đến.

Ta không còn đòi hỏi phải đạt được bất kỳ kết quả nào, bởi ta nhận ra rằng chẳng có nơi nào cần phải đi và chẳng có việc gì cần phải làm để có thể tìm thấy chính mình. Mọi hành động của ta đều xuất phát từ niềm vui đơn thuần của việc ngộ ra chân lý: Ngay khoảnh khắc này đây, chỉ cần bản thân vẫn đang được sống để có thể đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào đã là quá đủ.

Hạnh phúc thực sự là khi ta sống với tâm thái bình thản trước mọi sự trên đời và trạng thái này đến từ việc ta hoàn toàn sống trong hiện tại. Không gì có thể quan trọng bằng hiện tại, bởi sự sống chỉ thực sự diễn ra trong chính khoảnh khắc hiện tại mà thôi.

Nhiều người trong chúng ta đã từng đạt đến trạng thái này ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, khi bản thân hoàn toàn tập trung vào hiện tại. Có thể là lúc ta đang luyện tập thể thao, ở ngoài thiên nhiên, làm công việc sáng tạo, làm tình, và đương nhiên là trong lúc thiền định hoặc cầu nguyện.

lam chu ban than anh 1

Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Khi đó, cả tâm trí và cơ thể đều hoàn toàn ý thức về mọi sự sống đang hiện diện xung quanh ta. Và đây cũng là lúc ta trải nghiệm được thế nào là tình yêu vô điều kiện với mọi người và vạn vật, bao gồm cả chính bản thân ta.

Giữ cho bản thân luôn ở trong trạng thái này là mục tiêu trong đời của nhiều người, nhưng thực tế thì nói luôn dễ hơn làm. Ta không thể nào sống mà hoàn toàn thoát ly khỏi thế giới và con người xung quanh. Và vấn đề thường nảy sinh khi ta bắt đầu tương tác và kết nối với những người khác.

Theo quan niệm của người Toltec, tâm trí sở hữu khả năng mơ mộng, tưởng tượng, nhận thức, và xử lý thông tin. Mỗi người trong chúng ta đều dựa trên góc nhìn cá nhân đối với cuộc sống mà lựa chọn sống theo cách mình mong muốn. Vào lúc tâm ta khởi sinh một ý niệm, chính ý niệm này sẽ là động lực thôi thúc thân và trí cùng nhau hiện thực hóa mong muốn của ta.

Chúng ta chia sẻ và tiếp nhận những trải nghiệm và tri thức của nhau, để cùng nhau sáng tạo nên thế giới mà chúng ta muốn sống. Trong khi cuộc đời của mỗi người sẽ được xây dựng dựa trên nhận thức riêng của từng người, thì thế giới được kiến tạo và nuôi dưỡng dựa trên mong muốn chung của tập thể, khi chúng ta cho phép những dòng ý tưởng và năng lượng đồng thuận tuôn chảy và trao đổi với nhau.

Nếu từng cá nhân sống hòa hợp với chính mình thì chúng ta sẽ có thể sống hòa hợp với nhau trong một thế giới do chính chúng ta cùng nhau tạo dựng nên.

Việc sống một mình có thể là một phương thức hữu ích giúp ta chữa lành và kết nối với bản thân, nhưng chính sự tương tác với người khác mới thúc đẩy ta phát triển và tận hưởng niềm vui của một cuộc đời sôi động.

Nếu cuộc đời này là một lễ hội thì ta cứ hết mình chơi cho thỏa thích. Tuy nhiên, khi tham gia vào trò chơi cuộc đời, ta dễ phát sinh lòng ưa thích cá nhân đối với những hướng đi nhất định, hay nói cách khác, trong ta sẽ nảy sinh nhiều ham muốn và khao khát. Rồi một khi các ham muốn và khao khát đó không được thỏa mãn mà ta lại quá bám chấp vào chúng, thì người đau khổ sẽ chính là ta.

Có hàng tỷ người trên Trái đất đang cùng nhau kiến tạo nên thế giới mà họ muốn sống, nhưng không phải ai cũng có cùng khao khát và mong muốn giống như ta. Vì thế, nếu không có sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau thì chắc chắn sẽ xảy ra nhiều tranh cãi, bất đồng và xung đột.

Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng là liệu có cách nào để ta có thể tránh khỏi sự bám chấp giữa dòng đời náo nhiệt này không? Ta có thể giữ được trạng thái an nhiên và cân bằng khi tương tác với người khác? Ta có thể nhìn nhận đối phương và cả chính bản thân mình bằng tấm lòng thương yêu vô điều kiện? Ta có thể giữ cho bản thân không bị vướng vào rắc rối thị phi?

Trở thành một người có khả năng thấu hiểu và làm chủ bản thân có nghĩa là, trong quá trình cùng mọi người kiến tạo nên một thế giới mà ta mơ ước thì ta không đánh mất bản sắc độc đáo của riêng mình, đồng thời ý thức được rằng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm với mỗi sự lựa chọn của ta.

Ta không còn bị lôi kéo vào những thị phi và rắc rối của cuộc đời. Ta biết rằng quá trình hiện thực hóa thế giới mà ta ao ước thực ra cũng chỉ là một giấc mộng, và vì thế ta có thể tha hồ tự do hành động mà không bị ràng buộc bởi những bám chấp, niềm tin và hệ tư tưởng cũ.

Bám chấp là hành động cố giữ lấy những thứ không thuộc về mình và đánh đồng bản thân với những thứ đó, xuất phát từ sự gắn kết về mặt năng lượng hoặc tình cảm cá nhân. Khi ta quá bám chấp vào một điều gì đó trong lúc hiện thực hóa giấc mơ của mình, ta sẽ luôn cảm thấy khổ đau mỗi lần sự tồn tại của điều đó bị đe dọa, cho dù sự đe dọa này là thật hay chỉ là ảo tưởng của riêng ta.

Hầu hết chúng ta không chỉ có lòng bám chấp với của cải vật chất mà còn với cả những niềm tin và ý tưởng của mình. Mặc dù việc gắn kết với một điều gì đó là chuyện hết sức tự nhiên và nảy sinh trong khoảnh khắc, nhưng mối gắn kết này sẽ trở thành sự bám víu không lành mạnh khi ta không có khả năng buông bỏ vào lúc cần thiết, cụ thể là lúc mối gắn kết đã lùi vào dĩ vãng hoặc là lúc những niềm tin cũ trước đây đã không còn phản ánh đúng sự thật.

Dù sự bám chấp diễn ra theo cách nào đi chăng nữa thì bám chấp vào niềm tin có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với bám chấp vào của cải vật chất, bởi vì rất khó để phát hiện những khía cạnh không tốt và buông bỏ niềm tin mà bản thân tin tưởng bấy lâu.

Hệ tư tưởng là một hệ thống niềm tin được xây dựng bởi xã hội nhằm mục đích kiểm soát con người. Tình yêu có điều kiện đã được hình thành trong quá trình chúng ta tiếp nhận hệ thống niềm tin này. Từ lúc còn nhỏ, chúng ta đã học theo hành vi và tư tưởng của người khác thông qua hình thức thưởng phạt. Hệ thống khen thưởng chính là một hình thức thuần hóa con người, được sử dụng để kiểm soát hành vi của chúng ta.

Kết quả của sự thuần hóa này là nhiều người từ bỏ con người thật của mình để trở thành người-cần-phải-trở-thành, và cuối cùng dẫn đến việc sống một cuộc đời không thực sự là của mình. Do đó, việc nhận ra và giải phóng bản thân khỏi sự kiểm soát của hệ tư tưởng cũ để giành lại quyền quyết định cuộc đời chính là dấu hiệu của người biết làm chủ bản thân.

Khi con người bị thuần hóa tới mức khư khư giữ lấy một niềm tin hoặc tư tưởng nào đó mà không thể nào buông bỏ, những lựa chọn sẽ ngày càng bị thu hẹp lại cho tới khi ta chẳng còn bất kỳ suy nghĩ nào về việc đưa ra lựa chọn cho bản thân. Lúc này ta đã không còn làm chủ được bản thân. Ta đã để cho các bám chấp và hệ tư tưởng kiểm soát ta, cho phép các niềm tin định nghĩa con người ta và quyết định sự lựa chọn của ta.

Kết quả là ta sẽ kết nối với bản thân và người khác theo những cách bất lợi và không mang lại giá trị tốt nhất cho ta. Cuộc sống của ta giờ đây bị định hình bởi các rắc rối và thị phi mà ta đã tham gia vào.

Trong thế giới mà chúng ta đang sống luôn đầy rẫy những cám dỗ tìm cách lôi kéo ta vào các rắc rối và thị phi. Ta có thể rơi vào những cạm bẫy này chỉ trong tích tắc. Nếu ta lựa chọn sống hòa mình với dòng đời thì việc né tránh mọi cạm bẫy trên đường là chuyện hầu như bất khả thi.

Tuy nhiên, thời điểm ta ý thức được bản thân đang rơi vào một trong những cạm bẫy là lúc ta bắt đầu giành lại quyền kiểm soát đời mình. Khi ta dần phát hiện cạm bẫy giỏi hơn và nhận biết được những niềm tin và cảm xúc tồn tại sâu thẳm bên trong khiến ta rơi vào bẫy, thì ta càng ít có khả năng mắc bẫy hơn.

Thậm chí, dù có rơi vào bẫy đi chăng nữa thì ta vẫn có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Điều này dường như đi ngược lại với lẽ thường, nhưng sự thật là phải có buông thì mới có giữ, ta cần phải buông bỏ trước để giành lại quyền kiểm soát của mình. Đây chính là hành động của một người biết làm chủ bản thân.

Khi trở thành một người có khả năng thấu hiểu và làm chủ bản thân, ta có thể duy trì mối quan hệ với người khác, thậm chí với những người bất đồng quan điểm với ta, mà vẫn cảm thấy tự tin và thoải mái với chính con người thật của mình. Ta có thể tự do đưa ra quyết định cho đời mình và biết cách tôn trọng quyền quyết định của người khác đối với cuộc đời họ.

Việc nhận biết rằng người khác có thể nhìn nhận ta theo cách của riêng họ có thể mở ra cho ta nhiều sự lựa chọn khác nhau khi tương tác với họ. Khi nhận thức được rằng đó chỉ là hình ảnh của ta trong mắt họ mà thôi, ta sẽ sống đúng với con người thật của mình chứ không thỏa hiệp hay chấp nhận những định nghĩa mà họ gán ghép cho ta. Ta biết rằng mình không cần phải sống theo hình ảnh mà họ phóng chiếu lên con người ta, bởi ta biết rõ hình ảnh ấy không phải là thật.

Nhận thức rõ điều này sẽ giúp ta có thể hợp tác nhịp nhàng hơn với người khác và khiến cho những mối quan hệ quan trọng đối với ta trở nên sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn và mang đến cho ta nhiều giá trị hơn.

Điều quan trọng nhất khi trở thành người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân là ta vẫn giữ được sự kết nối sâu sắc với chính mình, cho dù xung quanh đang xảy ra chuyện gì đi chăng nữa.

Bên cạnh đó, ta cũng nhanh chóng nhận thức được rằng khi nào thì hành động của ta đang không mang lại giá trị cho ta hay cho người khác, đồng thời ta còn có thể nhận ra những tình huống nào mà ta đang nuôi dưỡng cái tôi hoặc đang nhận thức sai lầm về chính mình, thay vì thực sự sống hòa hợp và kết nối với bản thân.

Khi ý thức được những điều này, ta có thể giải phóng bản thân khỏi mọi khổ đau do ta tự chuốc lấy và những thị phi do người khác tạo ra. Còn nếu ta không ý thức được việc cùng với người khác hiện thực hóa ý tưởng về một thế giới mà ta muốn sống, thì ta sẽ dễ dàng nhầm lẫn rằng những sự việc xảy ra xung quanh ta là một phần của con người ta hoặc quên mất rằng tất cả chỉ là một giấc mộng của cuộc đời.

Kết quả là sự bám chấp của ta mạnh mẽ đến mức khiến ta hoàn toàn đắm chìm vào các vở kịch cuộc đời. Cho nên, quá trình thấu hiểu và làm chủ bản thân chính là quá trình hướng đến trạng thái cân bằng của mình trong lúc tương tác với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, giữ cho bản thân thường xuyên ở trong trạng thái cân bằng là một điều không hề dễ dàng.

Trước khi tiến hành việc phá vỡ và tái tạo lại thế giới xung quanh, ta cần bắt đầu với chính mình trước. Ta cần hiểu sâu hơn về các bám chấp, hệ tư tưởng đang kìm hãm ta và sự khác biệt giữa tình yêu có điều kiện với tình yêu vô điều kiện. Chỉ khi đó, ta mới có thể kiến tạo lại cuộc đời mà ta muốn sống với năng lượng bình yên và hòa hợp.

Don Miguel Ruiz Jr/Saigon Books & NXB Thế Giới

SÁCH HAY