Cuộc đua ở phân khúc smartphone tầm thấp tại Việt Nam trong năm 2015 không quá sôi động với số lượng model ra mắt ít, mức độ đầu tư về thiết kế, trải nghiệm của các hãng di động không cao. Đó là lý do người ta chờ đợi vào những màn ra mắt sản phẩm mới như Neo 7. Model này về cơ bản đem đến sự hài lòng cho người dùng bởi máy đáp ứng tốt các tiêu chí cần có trên một smartphone phổ thông: giá không quá cao (4 triệu đồng), kiểu dáng đẹp và hiệu năng ổn.
Thiết kế 'sang và sáng'
Oppo quảng bá chiếc Neo 7 là một sản phẩm "sang và sáng" (rise and shine) và quả thật, họ có lý do để đưa ra thông điệp này. Neo 7 gây ấn tượng tốt với người dùng từ cái nhìn đầu tiên về một sản phẩm vuông khối, các chi tiết được làm trau chuốt.
Máy sử dụng vỏ sau bằng nhựa giả kính, viền máy cũng làm giả kim loại . Phần viền này khá dày, tạo cảm giác chắc chắn cho chiếc máy. So với những chiếc máy được làm nguyên khối, độ chắc chắn của máy chỉ thua sút đôi chút (Neo 7 có nắp lưng tháo rời). Những đường cắt ở cổng micro USB, jack cắm tai nghe hay phần viền đều được làm cẩn thận, cho thấy sự nghiêm túc trong việc gia công sản phẩm. Một điểm nhỏ nhưng đáng chú ý nữa là Neo 7 được dán sẵn cả màn hình và mặt sau, giúp loại bỏ nỗi lo trầy xước máy.
Cụm camera của máy cũng được làm đẹp mắt với một đường viền kim loại bao quanh, đặt sát ở góc trái. Đây là thiết kế từng nhận được nhiều lời khen ngợi trên các mẫu iPhone trước đây.
Ở mặt trước, các phím điều hướng ảo của máy được đặt ngoài màn hình và nhiều người sẽ thích điều này hơn so với việc đặt bên trong màn hình. Màn hình 5 inch của Neo 7 cũng được xem là kích thước vàng cho một chiếc smartphone hiện nay. Nó không quá lớn, đảm bảo cho việc cầm nắm dễ dàng và đủ cho nhu cầu giải trí đa phương tiện của người dùng.
Giao diện mượt, màn hình ổn
Neo 7 dùng màn hình LCD với độ sáng khá, màu sắc hiển thị trung tính, không quá rực rỡ. Màn hình này khá dịu mắt. Tuy nhiên, góc nhìn của Neo 7 chỉ ở mức trung bình, người dùng sẽ gặp chút khó khăn khi sử dụng máy ở ngoài trời. Ngoài ra, góc nhìn của Neo 7 cũng không quá tốt.
Trong khi đó, hệ điều hành Color OS 2.0 trên Neo 7 (thực chất là tuỳ biến từ Android 5.1) xứng đáng nhận điểm cộng. Qua rồi cái thời các nhà sản xuất tích hợp hàng loạt tính năng "rác" và các tinh chỉnh không cần thiết kế smartphone của họ.
Neo 7, giống với một số smartphone mới nổi hiện nay, không dùng app draw. Thay vào đó, người dùng chỉ việc lật qua lại giữa các trang của màn hình Home để truy cập ứng dụng.
Các icon trên phiên bản Android gốc - vốn bị nhiều người chê là xấu - đã được thay đổi hoàn toàn, thanh mảnh và trực quan hơn. Do không tuỳ biến quá sâu nên Neo 7 tạo cảm giác mượt mà mặc dù cấu hình không quá mạnh. Đây là điểm quan trọng khi trải nghiệm bất cứ sản phẩm nào.
Neo 7 hỗ trợ một số thao tác dạng cử chỉ, chẳng hạn như chạm 2 lần để khoá máy, dùng 2 ngón tay trượt xuống hoặc lên để chỉnh âm lượng, trượt ngón tay từ góc lên trung tâm màn hình để mở chế độ 1 tay hay dùng nhiều ngón zoom màn hình để mở camera.
Hiệu năng, pin và camera
Bản Oppo Neo 7 dành cho thị trường Việt Nam (bản 3G) sử dụng chip MediaTek lõi tứ tốc độ 1,3 GHz, RAM 1 GB, dung lượng lưu trữ trong 8 GB (có thể mở rộng qua khe cắm thẻ nhớ).
Khá đáng tiếc khi hãng sản xuất không mang về nước bản dùng kết nối 4G, trong bối cảnh Việt Nam sắp phổ cập kết nối 4G vào đầu năm sau.
Thử nghiệm với phần mềm chấm điểm hiệu năng Antutu Benchmark, máy ghi được khoảng hơn 21.000 điểm, con số không tồi đối với một smartphone phổ thông. Hiệu năng của máy khá ổn so với các đối thủ ở nhóm trung bình thấp. Các tác vụ cơ bản như lướt web, xem video đều mượt. Chơi các game nặng như Asphalt 8, máy vẫn đáp ứng tốt, đôi khi hơi khựng nhẹ.
Pin của Neo 7 không quá xuất sắc. Nếu chỉ dùng để lướt web, truy cập mạng xã hội, máy có thể trụ được khoảng hơn 1 ngày. Tuy nhiên, khi xem video online, pin sụt khá nhanh. Tình trạng nóng máy ít diễn ra.
Một điểm đáng khen khác của Neo 7 là giao diện chụp ảnh của máy được làm đơn giản, không gây rối mắt cho người dùng. Bạn có thể chỉnh bù trừ sáng ngay trên giao diện chụp, giống với iPhone. Oppo cung cấp một vài chế độ chụp hình cơ bản như panorama, chụp ảnh kèm audio, phơi sáng kép và chup ảnh động (GIF). Ảnh chụp từ camera 8 megapixel của máy khá đẹp trong điều kiện đủ sáng. Tuy nhiên, chất lượng ảnh khá tệ khi chụp thiếu sáng. Đây là nhược điểm chung của các dòng máy phổ thông.
Camera trước 5 megapixel của máy cũng có chế độ làm đẹp gương mặt ở các mức độ mạnh, yếu khác nhau. Camera này chụp khá tốt, góc tương đối rộng.
Đánh giá chung:
Điểm mạnh: +Kiểu dáng bắt mắt
+Giao diện mượt, icon đẹp
+Camera tự sướng chất lượng cao
Điểm yếu: +Độ phân giải màn hình thấp (qHD)
+Loa ngoài không ấn tượng