(Kết thúc phần Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị).
1. Kết quả đạt được
Những nhiệm kỳ qua, Đảng ta luôn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đảng đã thông qua Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 cùng với các nghị quyết đại hội Đảng; nghị quyết, chủ trương, chiến lược, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp; ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế quan trọng liên quan đến phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đạt được những kết quả quan trọng; tăng cường lãnh đạo tổ chức đảng, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, chấp hành, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân.
Tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Khắc phục tốt hơn tình trạng bao biện, làm thay hoặc khoán trắng, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chú trọng việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Quan tâm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Đồng thời, có nhiều quy định, cơ chế để phát huy dân chủ, vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị, tăng cường nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đồng bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
2. Hạn chế, bất cập
Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị chưa sâu sắc, đầy đủ; chưa tạo được sự thống nhất trong thực hiện một số chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương mới; việc đổi mới phương thức chưa thật đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng.
Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ, tính khả thi chưa cao. Chưa khắc phục được tình trạng ban hành nhiều văn bản của Đảng; nội dung một số văn bản còn chung chung, dàn trải; một số văn bản chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế. Các quy định liên quan đến việc sơ kết, tổng kết, ban hành văn bản mới của Đảng chưa đầy đủ. Năng lực cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế, chưa sát với thực tiễn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan, tổ chức; mô hình tổng thể của hệ thống chính trị; trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu chưa hoàn thiện. Công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đầy đủ, thực chất năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ để bảo đảm việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao trách nhiệm nêu gương; năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín còn hạn chế; một bộ phận cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chưa tích cực phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, phân cấp, phân quyền chưa được đẩy mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa tuân thủ nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; vẫn còn tình trạng vi phạm quy định, quy chế của Đảng, cục bộ, mất đoàn kết, bao biện, làm thay, áp đặt, lạm dụng quyền lực hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nguyên nhân của những hạn chế, đó là:
- Quá trình xây dựng và tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đặt ra nhiều vấn đề mới liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện.
- Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương thức, tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu.
- Các quy định, quy chế, quy trình cụ thể để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phân cấp, phân quyền; cá thể hóa trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu chưa được hoàn thiện; đổi mới phong cách, lề lối làm việc, cải cách hành chính trong Đảng chưa mạnh mẽ.
- Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới chưa đầy đủ.
3. Bài học kinh nghiệm
Một là, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chủ trương, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; sự đồng thuận trong Nhân dân.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải gắn với nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nỗ lực, quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, thực tiễn của tình hình mới.
Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo phải đồng bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đường lối đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy; chất lượng đội ngũ cán bộ; nêu gương của cán bộ, đảng viên; cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc.
Năm là, coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời hạn chế, khuyết điểm; tổ chức thí điểm mô hình mới; biểu dương, nhân rộng cách làm hay.