Zing lược dịch bài viết đánh giá MacBook Air chạy chip M1 của tác giả Dieter Bohn, The Verge.
Ngoại hình của MacBook Air chạy chip M1 tương tự phiên bản chip Intel ra mắt vào tháng 3. Các thông số gồm màn hình Retina 13,3 inch, độ phân giải 2.560 x 1.600 pixel, độ sáng 400 nits, Touch ID, 2 cổng Thunderbolt 3, bàn phím cắt kéo và trackpad lớn vẫn được Apple giữ lại. |
Chỉ duy nhất một điểm khác biệt về ngoại hình giữa hai phiên bản chạy chip Intel và M1 là các phím chức năng được tinh chỉnh. Dãy phím Fn trên bản chạy chip M1 được bổ sung một số tiện ích như tìm kiếm Spotlight, Do Not Disturb và đọc chính tả Dictation. |
Giá khởi điểm của MacBook Air dùng chip M1 không đổi so với bản dùng chip Intel, 999 USD cho RAM 8 GB và bộ nhớ trong 256 GB. GPU trên phiên bản này bị cắt giảm một nhân so với các tùy chọn đắt tiền hơn nhưng sự khác biệt giữa chúng là không nhiều. Đa phần những thay đổi đều đến từ phần cứng khi bản chạy chip M1 bị loại bỏ quạt, thay vào đó là một bộ tản nhiệt bằng nhôm. Dù vậy, ngay cả khi hoạt động hết công suất thiết bị chỉ ấm lên đôi chút do được kiểm soát tốt lượng nhiệt tỏa ra. |
Theo Apple, việc chuyển sang bộ nhớ RAM theo kiến trúc mới và loại bỏ bộ nhớ riêng cho GPU là giúp hiệu suất máy được tốt hơn. Không rõ với bộ nhớ RAM 8 GB thì máy có thể xử lý tốt các tác vụ về CPU và GPU hay không, nhưng với tùy chọn 16 GB giá 1.649 USD, tôi không gặp bất cứ vấn đề nào về hiệu năng trên MacBook Air. |
Với hơn mười ứng dụng được mở cùng lúc, thiết bị có thể hoạt động êm ả mà không cần đến quạt tản nhiệt. Hiệu năng của chip M1 có thể xử lý tốt các tác vụ chuyên sâu trong Photoshop hay xuất video từ Adobe Premiere. Tuy nhiên, do vừa mới ra mắt nên một số phần mềm chưa được hỗ trợ, cũng như cần thêm thời gian để tương thích tốt hơn. |
macOS và các ứng dụng của riêng Apple hoạt động rất nhanh trên con chip M1, nhiều trong số đó đã được mã hóa và tùy chỉnh để có thể tương thích với bộ vi xử lý này. Điều khiến tôi bất ngờ là mọi ứng dụng được tối ưu cho chip Intel đều có thể chạy tốt trên M1 thông qua một giải pháp có tên Rosetta 2. |
Rosetta 2 là chương trình biên dịch để chạy các ứng dụng Intel trên chip M1. Khi khởi động ứng dụng, thiết bị sẽ mất đôi chút thời gian, song đến khi hoàn tất, mọi thứ diễn ra mượt mà và không gặp phải bất kỳ lỗi nào. |
Kết quả đo Geekbench trên MacBook Air dùng chip ARM thật sự ấn tượng với 1.730 điểm đơn nhân và 7.510 điểm đa nhân, cao hơn cả mẫu MacBook Pro 16 inch về hiệu năng đa nhân (6.870 điểm). Trước đó, tôi đã dùng qua một số mẫu laptop Windows chạy chip ARM của Qualcomm nhưng đa phần đều giật lag, ồn ào và phức tạp hơn so với MacBook chạy chip M1. |
Theo như Apple tuyên bố, MacBook Air mới có thể phát video liên tục trong 18 giờ và lướt web 15 giờ. Nhưng khi trải nghiệm thực tế, máy có thể trụ được 8-10 giờ, tùy thuộc vào các tác vụ và mức độ làm việc. Mặt khác, nếu thường xuyên chạy các ứng dụng Intel bằng Rosetta 2, pin của MacBook Air sẽ bị sụt đi đáng kể. Hy vọng khi các ứng dụng dần tương thích tốt với chip M1, thời lượng pin của máy sẽ tốt hơn. |
MacBook Air có thể chạy được các ứng dụng di động nhờ việc dùng chip M1 có cùng kiến trúc ARM với trên iPhone, iPad. Tuy nhiên, các ứng dụng hỗ trợ vẫn chưa nhiều và trải nghiệm không mấy hoàn thiện. Apple đã tích hợp sẵn một bảng công cụ các cử chỉ chạm để sử dụng với các ứng dụng iOS, nhưng sẽ thật tốt nếu hãng trang bị màn hình cảm ứng cho máy Mac dùng chip ARM tương tự các sản phẩm Surface của Microsoft. |
MacBook Air mới được xem như một món hời khi vừa có thời lượng sử dụng pin tốt và vừa có hiệu năng cao. Tất nhiên, không gì là hoàn hảo khi Apple vẫn sử dụng chiếc webcam cũ kỹ 720p cùng việc chạy các ứng dụng của iPhone, iPad chưa được tốt. |