Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Dangda và Anh Đức tưởng hết thời mà lại thành biểu tượng

Teerasil Dangda và Anh Đức tưởng như hết thời, nhưng gặp lại nhau ở King’s Cup 2019. Họ là những nhân chứng cuối cùng của đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua.

Anh Duc tuong da het thoi anh 1Anh Duc tuong da het thoi anh 2

Teerasil Dangda và Anh Đức tưởng như hết thời, nhưng gặp lại nhau ở King’s Cup 2019. Họ là những nhân chứng cuối cùng của đội tuyển Việt Nam và Thái Lan suốt thời gian qua.

Sự nghiệp của Anh Đức cả trong lẫn ngoài sân cỏ là quãng thời gian tranh đấu không ngừng. Hơn 10 năm với bóng đá, Anh Đức luôn phải chiến đấu để chứng minh vị trí của mình ở các đội tuyển Việt Nam, tranh đấu để vươn lên thành thủ lĩnh của Bình Dương.

Tại đội tuyển hay ở CLB, Anh Đức luôn đối diện với những cuộc chiến ngầm. Anh phải so kè với các tiền đạo ngoại ở Bình Dương, cạnh tranh với Công Vinh, Văn Quyến ở đội tuyển quốc gia. Anh đối mặt với những định kiến về tiền đạo vô duyên ở đội tuyển và vượt qua nó. Anh đánh bại những nghi ngờ của Toshiya Miura, sự thờ ơ của Hữu Thắng. Anh chứng minh mình không chỉ được Mai Đức Chung o bế, khiến Park Hang-seo phải nhiều lần mời lên tuyển.

Sau việc Phạm Thành Lương được mời lại đội tuyển Việt Nam, người ta tin Anh Đức sẽ là cái tên kế tiếp được quan tâm.

Và đúng là Anh Đức đã trở lại.

Người đến muộn nhưng về sau

Người ta thường nói một ngày bắt đầu khi mặt trời lên. Nhưng với Anh Đức, sự nghiệp của anh có lẽ bắt đầu dưới màn đêm.

Trưởng thành từ lớp năng khiếu Bình Dương, Anh Đức được đội bóng gửi đi thi đấu cho Ngân hàng Đông Á và Bưu điện TP.HCM theo dạng cho mượn trong giai đoạn 2003-2005. Từng ấy thời gian là đủ để cầu thủ trẻ Anh Đức chứng tỏ khả năng của mình. Mùa 2006, Anh Đức trở về Bình Dương đồng thời được triệu tập lên đội tuyển quốc gia.

Tình cờ hay không? Thời điểm Anh Đức có mặt là lúc Bình Dương mở ra chương đẹp nhất trong lịch sử CLB. Nhưng với cá nhân Anh Đức, cuộc tranh đấu đầu tiên đã đến.

Tại đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam trước đó, Anh Đức chỉ là lựa chọn thứ yếu trong dàn sao Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình đang ở đỉnh cao phong độ. Ở tuổi đôi mươi, Anh Đức không cạnh tranh được với bất kỳ ai trong số đó. Anh lên tuyển, nhưng chỉ góp mặt cho đủ quân số. Trong cuộc chiến đầu tiên ấy, Anh Đức là người thua.

Anh Duc tuong da het thoi anh 3

Tại CLB Bình Dương, Anh Đức được sống trọn vẹn cùng kỷ nguyên đẹp nhất của đội bóng. Tuy nhiên, đẹp nhất cũng có nghĩa là mạnh nhất, giàu sức cạnh tranh nhất. Trong giai đoạn được mệnh danh “Chelsea Việt Nam”, Bình Dương không tiếc tiền chiêu mộ ngôi sao. Những cầu thủ tấn công hay nhất Việt Nam và V.League như Huỳnh Kesley Alves, Abass Dieng, Lee Nguyễn, Công Vinh đều từng xuất hiện ở Bình Dương.

Bối cảnh ấy khiến Anh Đức phải bước vào cuộc đấu tranh thứ 2 trong sự nghiệp. Khác với cuộc chiến trên tuyển, cạnh tranh vị trí ở Bình Dương không khốc liệt bằng nhưng kéo dài, dai dẳng và không bao giờ dừng lại. Từ vị trí tiền đạo cắm, Anh Đức nhiều lần phải lùi về đá tiền vệ phải, hỗ trợ cho các ngoại binh.

Đấy là lý do khiến Anh Đức không có thành tích ghi bàn ấn tượng trong nửa đầu sự nghiệp dù các HLV luôn đánh giá cao năng lực của anh. 7 mùa giải đầu tiên dưới màu áo Bình Dương, Anh Đức chưa từng ghi quá 10 bàn.

So với những tiền đạo mà Bình Dương từng sở hữu như Abass Dieng hay Huỳnh Kesley, điểm mạnh nhất của Anh Đức có lẽ là sự kiên trì. Bao nhiêu năm ấy, dù phải liên tục làm kép phụ cho các ngoại binh, Anh Đức chưa từng từ bỏ. Anh lặng lẽ rèn các kỹ năng, chờ đợi cơ hội. Anh tin thời điểm của mình rồi sẽ đến.

Anh Duc tuong da het thoi anh 4
Anh Đức là cầu thủ Việt Nam duy nhất trong lịch sử giành Vua phá lưới V.League. Ảnh: Minh Chiến.

Trò chơi vương quyền ở Bình Dương

Mùa giải 2014, điều Anh Đức chờ đợi cuối cùng đã đến. Sau 5 năm sa sút, đội bóng đất Thủ trở lại mạnh mẽ ở cả V.League lẫn cúp châu Á.

Khác với giai đoạn thăng hoa cuối thập kỷ trước, Anh Đức giờ là đội trưởng, thủ lĩnh của Bình Dương. Bằng sự kiên trì và khát vọng vươn lên, Anh Đức lấy được vị trí đá cắm. Anh ghi 13 bàn trong mùa giải 2013 để cùng CLB mở ra tương lai tươi sáng. Từ năm 2014 đến năm 2016, Bình Dương 2 lần vô địch V.League, 2 lần dự vòng bảng AFC Champions League, đăng quang ở Mekong Cup 2014.

Trên hành trình vinh quang ấy, Anh Đức ghi bàn liên tục, nổ súng ở mọi đấu trường, gây khó khăn cho cả những đội bóng hàng đầu châu Á. 5 mùa liên tiếp kể từ năm 2013, Anh Đức ghi từ 8 bàn trở lên. Đỉnh cao của Anh Đức đến ở mùa giải 2017 khi giành danh hiệu Vua phá lưới với 17 lần lập công. Kể từ năm 2003, Anh Đức là cầu thủ Việt Nam duy nhất làm được điều đó. Trong kỷ nguyên V.League, không có tiền đạo nội nào ổn định, hiệu quả bằng Anh Đức.

Đi cùng với phong độ sân cỏ, Anh Đức bắt đầu chứng minh quyền lực tuyệt đối của mình ở Bình Dương.

Tồn tại được ở Bình Dương đã khó, vươn lên trở thành “ông chủ” lại càng khó hơn.

Người hâm mộ muốn hiểu rõ Anh Đức, cần hiểu được bối cảnh Bình Dương. Trước khi CLB Hà Nội xuất hiện, Bình Dương là thế lực số một V.League cả trên sân cỏ lẫn khía cạnh tài chính. Đội bóng đất Thủ từng là đội tuyển Việt Nam thu nhỏ, điểm tập hợp của những ngôi sao đầy tài năng nhưng không kém phần ngỗ nghịch. Chính tại đây, Lee Nguyễn cũng chỉ trụ được một năm, Lê Công Vinh không có suất đá chính.

Tồn tại được ở Bình Dương đã khó, vươn lên trở thành “ông chủ” lại càng khó hơn. Vậy mà anh Đức vẫn làm được.

Khi đội tuyển Việt Nam hội quân dưới thời Hữu Thắng, Công Vinh từng nói về Anh Đức: “Khi chúng ta không trân trọng màu áo đội tuyển, không khao khát lên đội tuyển, thì không một HLV trưởng nào muốn gọi người không còn động lực”.

Đáp lại, Anh Đức trả lời: “Họ không biết gì về lý do tôi xin rút khỏi đội tuyển lần này, lại đi phát biểu linh tinh, khiến dư luận bàn tán không hay về tôi, như thế là không đúng”.

Đối đầu giữa 2 ngôi sao lớn này là câu chuyện thú vị của bóng đá Việt Nam lúc ấy. Công Vinh chiến thắng ở đội tuyển và giải nghệ với tư cách cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho tuyển Việt Nam. Còn Anh Đức thắng tại Bình Dương và khiến Vinh tiếp tục mài quần trên băng ghế dự bị. Tiền đạo lừng danh của tuyển Việt Nam như Công Vinh về Bình Dương cũng phải xếp dưới Anh Đức vài bậc.

Anh Duc tuong da het thoi anh 5
Sau nhiều năm sống dưới cái bóng của các ngôi sao cùng thời, Anh Đức cuối cùng giành được vị trí xứng đáng, trở thành cái tên không thể thiếu của tuyển Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Từ Lê Thụy Hải tới Mai Đức Chung, từ Nguyễn Thanh Sơn tới Trần Bình Sự, HLV nào ở Bình Dương cũng phải tôn trọng Anh Đức. Nhiều người tin ảnh hưởng của Anh Đức ở Bình Dương đủ sức tác động lên cả ban huấn luyện và hàng ngũ lãnh đạo.

Đầu mùa 2019, Anh Đức bất ngờ vắng mặt trong một số trận đấu và không còn đeo băng đội trưởng. HLV Trần Minh Chiến khi được hỏi về vấn đề này đã từ chối trả lời. Nhiều nguồn tin cho rằng nội bộ Bình Dương có mâu thuẫn trong định hướng xây dựng đội. Anh Đức trong một lần trả lời báo chí cũng nói thẳng: “Cách làm của HLV Trần Minh Chiến đang đi sai hướng mà lãnh đạo CLB mong muốn là trẻ hóa và ưu tiên sử dụng cầu thủ địa phương”.

Những gì diễn ra sau đó chứng minh vị thế của Anh Đức. HLV Trần Minh Chiến từ chức, Anh Đức trở lại đội hình chính, ghi bàn liên tục cả ở V.League và AFC Cup.

Trò chơi vương quyền ở Bình Dương, Anh Đức là người thắng.

2 biểu tượng qua 2 thập kỷ

Lúc tiếp quản đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao hồi năm 2017, HLV Mai Đức Chung khiến tất cả ngỡ ngàng khi gọi Anh Đức trở lại. Không giống như cách một lão tướng được tưởng thưởng vì những năm dài cống hiến, HLV Mai Đức Chung tiết lộ ông mới là người phải “cảm ơn” khi Anh Đức đồng ý tái xuất.

Hơn 10 năm sau ngày sát cánh cùng Văn Quyến và Công Vinh, Anh Đức đã có vị thế khác ở đội tuyển Việt Nam. Anh ghi 5 bàn tại ASIAD 18 và AFF Cup 2018 trong đó có pha lập công mang về chức vô địch cho đội tuyển Việt Nam tại Mỹ Đình.

Nhiều người nói nhờ Văn Quyến không còn, Công Vinh giải nghệ mà Anh Đức có vị trí ngày hôm nay. Tuy nhiên, họ không nhận ra Anh Đức thực ra đang đứng giữa cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt. So với 10 năm trước, đối thủ của Anh Đức hôm nay còn xuất sắc hơn. Họ là những đàn em trẻ trung nhưng đầy tài năng, là thành viên của thế hệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam - những người từng vào tới chung kết U23 châu Á, tứ kết Asian Cup 2019.

Anh Duc tuong da het thoi anh 6

Thế mà, họ không qua được Anh Đức. Tiền đạo 34 tuổi đẩy Đức Chinh về băng ghế dự bị, khiến Tiến Linh không có cơ hội vào sân. Anh chứng minh vai trò của mình ở vị trí đá cắm, làm Công Phượng mờ nhạt suốt Á vận hội và AFF Cup. Tài năng của Anh Đức khiến HLV Park Hang-seo không cần lo lắng vì sự sa sút của Văn Quyết. Trước những đàn em tài năng kém cả chục tuổi, Anh Đức vẫn là người nổi bật hơn cả.

Khi Anh Đức tuyên bố chia tay đội tuyển sau AFF Cup 2018, tiếc nuối là cảm giác chung của mọi người. Ở tuổi 34, Anh Đức vẫn đang chứng minh là tiền đạo cắm số một của bóng đá Việt Nam, là quyền lực tuyệt đối ở CLB Bình Dương.

12 năm xen giữa 2 lần Việt Nam vào tứ kết Asian Cup, Anh Đức là người cuối cùng còn sót lại, người duy nhất góp mặt trong cả 2 chiến tích. Phần lớn thế hệ cùng thời với anh đã giải nghệ. Người hiếm hoi vẫn chơi bóng như Lê Tấn Tài đã chia tay đội tuyển từ lâu. Bền bỉ như Anh Đức, không có người thứ hai.

Tại King’s Cup 2019 này, Anh Đức lẽ ra sẽ vắng mặt. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trên hàng công đã buộc HLV Park Hang-seo phải mời tới Anh Đức. Thủ lĩnh của CLB Bình Dương đã không bỏ lỡ cuộc hò hẹn lịch sử với người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến Teerasil Dangda. Cùng với nhau, họ là nhân chứng cuối cùng của 2 đội tuyển từ Asian Cup 2007 tới tận hôm nay.

Anh Duc tuong da het thoi anh 7
Nếu Thái Lan có Dangda, tuyển Việt Nam có Anh Đức. Ở chặng cuối sự nghiệp, họ vẫn là những niềm hy vọng của 2 đội tuyển. Ảnh: Minh Chiến.

Giống như Dangda, Anh Đức vẫn là con bài số một của tuyển Việt Nam ở tuổi băm. Hai người ấy tưởng như bước tới sườn dốc cuối cùng của sự nghiệp, tưởng hết thời tới nơi rồi mà ngờ đâu, vẫn mang trên mình hy vọng và trọng trách nặng nề.

Thời gian có thể lấy đi của 2 ngôi sao tuổi tác, kéo chậm những bước chạy. Tuy nhiên, nó không lấy được của họ bản năng sát thủ. Ở tuổi 31, Dangda vẫn là tiền đạo số một, niềm hy vọng hàng đầu trên hàng công tuyển Thái. Ở tuyển Việt Nam, Anh Đức cũng có vai trò tương tự.

Khi Dangda và Anh Đức cùng hiện diện trên sân, đối đầu Việt Nam - Thái Lan tại King’s Cup có thể được định đoạt bởi 2 ông già - những kẻ tung hoành suốt hơn 10 năm qua.

Việt Nam vs Thái Lan ở King’s Cup: Vương quyền bị thách thức

Lần thứ ba trong lịch sử, vương quyền của bóng đá Thái Lan ở Đông Nam Á bị thách thức. Sau Singapore và Malaysia, kẻ thách thức lần này có lẽ là kẻ mạnh nhất từng xuất hiện.

Anh Đức - chàng ngự lâm quân cuối cùng trong bộ tứ pháo thủ

Cả một đời chơi bóng, một thập kỷ ở đội tuyển Việt Nam, có lẽ đến lúc này, chàng ngự lâm quân Nguyễn Anh Đức mới cảm thấy mình đang ở nhà.

Minh Chiến - Đồ họa: Minh Phúc
Ảnh: Minh Chiến - Thuận Thắng

Bạn có thể quan tâm