Sở hữu một cửa hàng gội đầu và làm đẹp tại TP Thủ Đức (TP.HCM), chị Thùy Linh (32 tuổi) cho biết khi lượng khách tăng dần trở lại, khối lượng công việc rất lớn nhưng không có người hỗ trợ.
Chị cho biết nhân viên cũ đã về quê từ tháng 5 và mới đây xin nghỉ hẳn. Khách tăng nhiều kể từ khi hết giãn cách nhưng chị phải đảm đương công việc một mình.
"Cả tháng nay, tôi đã cố tìm một người có tay nghề tương đương hoặc chấp nhận đào tạo lại từ đầu nhưng vẫn không có", chị Thùy Linh chia sẻ.
Nhà hàng, quán cà phê thiếu nhân viên
Không chỉ các cơ sở dịch vụ làm đẹp, sau thời gian đóng cửa do giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nhà hàng tại TP.HCM cũng mất đi nguồn lao động phổ thông lớn.
Chuyên phục vụ các món ăn cao cấp với phong cách sang trọng, nhà hàng Gordon nằm trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) đang rao tin tuyển dụng hơn 30 nhân viên bao gồm phục vụ, nhân viên ghi đơn, bảo vệ với mức thu nhập 8-15 triệu đồng/tháng và có thêm thưởng.
Các công việc chủ yếu chú trọng đến năng lực giao tiếp và ngoại hình tốt. Ngoài ra, nhà hàng cũng cung cấp các ưu đãi và các bữa ăn trong ngày cho nhân viên.
Các doanh nghiệp F&B đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn lao động phổ thông trong giai đoạn hậu giãn cách xã hội. Ảnh: Phương Lâm. |
Tương tự, nhà hàng Kobe Teppanyaki trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM đang cần tuyển 5 vị trí nhân sự bao gồm đầu bếp, bếp phụ, thu ngân, nhân viên làm bánh và nhân viên làm sushi.
Các vị trí này được đề nghị với mức lương đến 12 triệu/tháng. Riêng nhân viên thu ngân được yêu cầu biết tiếng Anh hoặc tiếng Nhật do đặc thù phục vụ nhiều khách hàng nước ngoài.
Chuỗi cửa hàng đồ uống The Coffee House trong thời gian gần đây cũng đăng thông báo tuyển dụng nhân viên toàn thời gian và bán thời gian số lượng lớn trên toàn hệ thống với khả năng đi làm ngay. Các vị trí tuyển dụng bao gồm thu ngân, phục vụ, pha chế, nhân viên bảo vệ...
Theo đó, các ứng viên được nhận sẽ được bố trí làm việc tại các chi nhánh gần nhà và thuận tiện đi lại cho người lao động. Do nhu cầu nguồn lao động gấp rút, các vị trí này không đòi hỏi bằng cấp và kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ hướng dẫn và đào tạo trong quá trình làm việc.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 17,8% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động. Khi dịch qua đi thì nhu cầu tuyển dụng sẽ quay lại mạnh mẽ do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 diễn ra nghiêm trọng hơn rất nhiều so với 3 đợt trước đó.
Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng
Số liệu của Việc Làm Tốt, nền tảng tuyển dụng lao động phổ thông tại Việt Nam, cho thấy trong thời gian "bình thường mới" hậu giãn cách, số lượng việc làm đăng tuyển dụng tăng 3 lần, số lượng truy cập tìm việc tăng 10 lần so với thời gian áp dụng giãn cách.
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt cho biết trong tương lai gần, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì chi phí tăng cao khi phải dành cho việc tuyển dụng mới và gia tăng quỹ lương hoặc các phúc lợi để thu hút người lao động hậu giãn cách.
"Kỳ vọng về môi trường làm việc an toàn và được tiêm vaccine từ người lao động cũng giảm đáng kể trong hậu giãn cách. Điều này phản ánh được nỗ lực của Chính phủ trong việc phủ vaccine cho người dân ở các tỉnh thành lớn tập trung nhiều cụm công nghiệp và dịch vụ", bà Ngọc nói với Zing.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi cả nước chỉ đang là 31,4%. Mục tiêu 70% dân số có thể sẽ kéo dài tới quý II/2022 mới hoàn thành. Từ giờ tới lúc đó, bên cạnh hoạt động tuyển dụng, bà Ngọc khuyến nghị doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều kịch bản cho các làn sóng Covid-19 mới có thể xảy ra.
Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giai đoạn cuối năm sẽ tăng mạnh đòi hòi nguồn nhân lực lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ. Ảnh: Phương Lâm. |
Đồng thời doanh nghiệp cần chủ động trong các chiến lược đảm bảo môi trường làm việc an toàn hay cung cấp vaccine và phúc lợi liên quan để giữ chân người lao động cũng như đảm bảo được nguồn lực ổn định cho sản xuất không gián đoạn.
Dự báo thị trường lao động giai đoạn cuối năm của Adecco Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn lao động phổ thông tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó gám đốc bộ phận Tuyển dụng, Adecco TP.HCM cho biết các lĩnh vực như bán lẻ và tiêu dùng cần nguồn nhân sự lớn cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Các doanh nghiệp ngành dịch vụ cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lớn do thiếu hụt một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa.
Tuy nhiên, ông Chương khẳng định các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ ăn uống, du lịch, văn phòng dịch vụ và các lĩnh vực yêu cầu tiếp xúc trực tiếp (biểu diễn nghệ thuật, sự kiện cộng đồng, bán hàng tại chỗ, thẩm mỹ,...), sẽ tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức.
Ở góc độ người lao động, khảo sát người tìm việc trên Việc Làm Tốt cho thấy hiện tại 86% người được hỏi mong muốn quay lại làm việc ngay. Người lao động phổ thông cũng cởi mở về nơi làm việc, 68% chỉ mong có việc, công ty mới hay cũ không quan trọng.