Lãnh đạo đảng Bhumjaithai Anutin Charnvirakul. Là lực lượng chính trị lớn thứ ba trong Hạ viện, đảng Bhumjaithai có sức ảnh hưởng lớn tới khả năng thành lập chính phủ sau bầu cử. Ảnh: AP. |
“Đảng Bhumjaithai muốn thông báo rằng lập trường của đảng Bhumjaithai là không thành lập chính phủ với bất cứ đảng phái nào có chính sách sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 112 của Bộ luật hình sự”, đảng này ra tuyên bố, theo Reuters.
Theo điều 112 của Bộ luật hình sự Thái Lan, “bất cứ ai bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc quan nhiếp chính sẽ bị phạt tù từ 3 đến 15 năm”.
Chính sách của đảng Tiến bước (Move Forward) của Thái Lan - đảng giành được nhiều phiếu nhất trong tổng tuyển cử - bao gồm đề xuất sửa đổi (nhưng không bác bỏ) điều 112. Đảng Tiến bước cho rằng điều luật này thường được sử dụng sai mục đích.
Tuyên bố của đảng Bhumjaithai được dự báo làm phức tạp thêm nỗ lực thành lập chính phủ của đảng Tiến bước và Pheu Thai - đảng về nhì trong cuộc bầu cử.
Hai đảng này giành được tổng cộng 293 ghế trong tổng số 500 ghế Hạ viện Thái Lan, theo kết quả bầu cử chưa chính thức.
Nhưng để trở thành thủ tướng, một chính trị gia Thái Lan cần giành được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ Quốc hội. Trong khi đó, ngoài Hạ viện, Quốc hội Thái Lan còn có Thượng viện, gồm 250 nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm và được cho là có tư tưởng bảo thủ.
Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước, cho biết sẽ thông báo kết quả đàm phán thành lập chính phủ với 5 đảng khác - bao gồm Pheu Thai, Prachachart, Seri Ruam, Thai Sang Thai và đảng Công bằng - vào ngày 18/5, theo Bangkok Post.
Năm đảng trên giành được tổng cộng 310 ghế ở Hạ viện.
Pheu Thai cũng đã kêu gọi các đảng khác ủng hộ ông Pita trở thành thủ tướng để vượt mốc 375 nghị sĩ ủng hộ. Con số này là điều kiện để liên minh không cần phải quan tâm tới lá phiếu của các thượng nghị sĩ.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.