Chuyến bay số hiệu ET302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn ngày 10/3, khiến toàn bộ 149 hành khách và phi hành đoàn tám người có mặt trên chiếc Boeing 737 Max 8 thiệt mạng.
Ngay ngày hôm sau, Cơ quan Hàng không Dân sự Trung Quốc (CAAC) phát thông báo cấm mọi hãng hàng không nước này sử dụng mẫu máy bay thương mại mới của Boeing.
Mảnh vỡ chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 trong thảm họa hàng không ở Ethiopia ngày 10/3. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc ra quyết định "chớp nhoáng"
CAAC ra quyết định chưa đầy 24 tiếng sau khi xuất hiện thông tin về vụ rơi máy bay ở Ethiopia.
Đó là tai nạn hàng không thứ hai trong vòng 6 tháng qua liên quan đến Boeing 737 Max. Mẫu máy bay mới được trình làng và đưa vào sử dụng từ năm 2017.
Tháng 10/2018, máy bay hãng Lion Air của Indonesia rơi không lâu sau khi cất cánh, tương tự bi kịch của chuyến bay ET302 ngày 10/3.
Trong khi các cơ quan hữu trách còn đang điều tra sự việc, CAAC nhanh chóng thông báo quyết định với lý giải đơn giản: "Vì hai vụ tai nạn đều liên quan đến máy bay Boeing 737 Max mới tiếp nhận và đều xảy ra trong giai đoạn cất cánh, có sự tương đồng ở mức độ nhất định trong các vụ việc".
Dựa trên cơ sở này, cơ quan hàng không Trung Quốc nhấn mạnh cần đặt yếu tố an toàn lên trến hết và tạm cấm bay Boeing 737 Max.
Ngay sau đó, hàng loạt nước tiếp bước Trung Quốc và cấm các chuyến bay sử dụng Boeing 737 Max hoạt động trong không phận. Nhiều hãng hàng không cũng ra quyết định tương tự.
Trong khi đó, Cơ quan Hành không Liên bang (FAA) của Mỹ và nhiều hãng hàng không nước này không phản ứng quá quyết liệt, tiếp tục khẳng định mẫu máy bay của Boeing vận hành an toàn. Các hãng American Airlines và Southwest đều bày tỏ "niềm tin tưởng hoàn toàn" và tuyên bố sẵn sàng tiếp tục sử dụng mẫu Boeing 737 Max.
Mẫu máy bay được đưa ra thị trường vào năm 2017 được xem là "bò sữa vắt ra tiền" cho Boeing. Tập đoàn đã giao khoảng 350 chiếc máy bay mẫu này trên toàn thế giới, với tổng số máy bay còn phải giao là hơn 4.600 chiếc.
Boeing 737 Max 9 được giới thiệu cho truyền thông quốc tế tại nhà máy ở Renton, bang Washington, ngày 7/5/2017. Ảnh: AFP. |
Sự bất tiện đầy tốn kém
Quyết định của CAAC, dừng ngay lập tức việc sử dụng mẫu Boeing 737 Max, gây thiệt hại không nhỏ về mặt tài chính cho nhiều hãng hàng không Trung Quốc.
Hàng không đất nước đông dân nhất thế giới đã tiến bộ đáng kể trong những năm qua, cải thiện tốc độ lưu thông, khắc phục một phần tình trạng trễ chuyến và siết chặt các tiêu chuẩn an toàn trong cất cánh/ hạ cánh.
Những hãng hàng không sở hữu Boeing 737 Max phải tạm dừng sử dụng - điển hình là Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Hainan Airlines - đều có lịch trình chuyến bay luôn trong tình trạng chật kín. Các hãng này thường xuyên phải sử dụng toàn bộ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Sau thông báo của CAAC, riêng trong ngày 11/3, có đến 29 chuyến bay quốc tế lẫn quốc nội của các hãng hàng không Trung Quốc bị hủy.
Hàng trăm chuyến khác bị hủy lịch trong tuần này, mặc dù các hãng đã cố sắp xếp đổi máy bay để tránh xáo trộn lịch trình hoạt động và kế hoạch của hành khách. Thay đổi đột xuất có thể khiến những hãng bay Trung Quốc tốn hàng triệu USD cho việc hoàn tiền vé hoặc đổi lịch bay.
Mẫu máy bay thân hẹp hai động cơ C919 của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC). Ảnh: CGTN. |
Máy bay Trung Quốc chen chân?
Biện pháp cấm bay Boeing 737 Max được CAAC đưa ra trùng vào thời điểm Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hàng không quốc gia. Nước này đang tiến đến giai đoạn quảng bá và chào bán mẫu máy bay thương mại hai động cơ C919 cho các hãng hàng không quốc tế.
Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) - nhà thiết kế, phát triển và sản xuất C919 - đã bắt đầu xây dựng cơ sở đào tạo nghiệp vụ chăm sóc khách hàng tại Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Trung tâm được hoạch định là nơi đào tạo tiếp viên hàng không, kỹ thuật viên bảo dưỡng, nhân viên lên kế hoạch và giám sát chuyến bay, ....
Cơ sở tại Gia Hưng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới khi C919 và mẫu máu bay thân rộng C929 của COMAC bắt đầu bay thương mại.
Việc chào bán C919 ra thị trường bị trì hoãn trong gần hai năm qua, sau khi mẫu máy bay được cho ra mắt vào tháng 5/2017. Quá trình thử nghiệm và kiểm tra máy bay cũng diễn ra khá dài. Việc mở cửa trung tâm huấn luyện ở Gia Hưng có thể tạo động lực mới cho nỗ lực "quốc tế hóa" C919 của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, cơ sở rộng hơn 40.000 m2 sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9/2020. Trung Quốc cũng vừa ký kết một thỏa thuận phối hợp cùng Nga phát triển mẫu máy bay C929. Dù vậy, kế hoạch mở rộng kinh doanh của COMAC còn gặp nhiều vật cản. FAA đến nay vẫn chưa cấp chứng chỉ và chấp thuận cho các chuyến bay hoặc thử nghiệm bay C919 trên lãnh thổ Mỹ.