Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau tiếp xúc bí mật Mỹ - Triều: ‘Ông Trump có vấn đề gì không?’

Qua kênh liên lạc bí mật giữa 2 nước, chuyên gia Mỹ cho biết người Triều Tiên tò mò và muốn tìm hiểu mọi thứ về vị tổng thống bốc đồng của nước Mỹ.

"Họ muốn biết liệu ông ấy có điên không, hay ông ấy chỉ đang diễn", Suzanne DiMaggio nói.

"Họ" ở đây là các quan chức Triều Tiên và "ông ấy" là Donald Trump. Bốn lần trong năm qua, tại Geneva, Bình Nhưỡng, Oslo và Moscow, DiMaggio đã bí mật gặp một số người Triều Tiên để bàn về chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Global Politico, DiMaggio cho biết những gì họ thực sự quan tâm đến là vị tổng thống bốc đồng của Mỹ.

My bi mat lien lac voi Trieu Tien anh 1
Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn nhậm chức ở Washington DC, Mỹ, ngày 20/1. Ảnh: Getty.

Những người Triều Tiên không chỉ hỏi bà liệu Trump có bị điên hay không. Họ còn muốn biết nhiều chuyện khác, từ việc Ngoại trưởng Rex Tillerson bị ghẻ lạnh cho đến cuộc điều tra đặc biệt của Robert Mueller về khả năng thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử.

“Họ thực sự muốn biết chiêu bài của ông ấy là gì”, DiMaggio, học giả chuyên trách về Triều Tiên tại viện nghiên cứu New America, nói.

Theo dõi sát sao Twitter của Trump

Hai năm qua, DiMaggio đã có những cuộc trao đổi bí mật với người Triều Tiên. Bà tin rằng sau chiến thắng bất ngờ của Trump trong cuộc bầu cử, họ sẵn sàng thảo luận về một vòng đàm phán mới với Mỹ để tháo ngòi căng thẳng từ chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, việc Trump ngày càng lên giọng và những lời lẽ phô trương của ông trên Twitter như lời chế nhạo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “béo và lùn” cuối tuần trước có thể đã khép lại ý định này.

“Họ theo dõi tin tức rất sát sao, họ xem CNN 24/7, họ đọc tweet của ông ấy và những thứ khác”, DiMaggio nói.

Trong các vấn đề người Triều Tiên nêu ra với bà những tháng gần đây, DiMaggio cho biết họ để ý tất cả từ dòng tweet Trump kêu gọi Tillerson từ bỏ ngoại giao với Triều Tiên cho đến quyết định rút xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran do người tiền nhiệm Barack Obama gây dựng.

“Họ nghi ngờ hành vi thất thường của ông ấy và cả những vấn đề ông ấy gặp phải ở quê nhà với cuộc điều tra do Robert Mueller tiến hành. Họ hỏi rằng ‘Tại sao chúng tôi nên bắt đầu các cuộc đàm phán với chính quyền Trump khi Donald Trump có thể không làm tổng thống được bao lâu nữa?’”, DiMaggio nói.

Trong nhiều năm, DiMaggio và Joel Wit, nhà ngoại giao Mỹ giờ là học giả tại Đại học Johns Hopkins, người thành lập trang web 38North về Triều Tiên, đã âm thầm gặp gỡ những người Triều Tiên để nói về chương trình hạt nhân của nước này.

Trước đây, họ hầu như không thừa nhận các cuộc đối thoại vốn là một phần của “Kênh 2”, kênh đối thoại giữ đường dây liên lạc mở với chế độ Bình Nhưỡng ngay cả khi 2 chính phủ không trao đổi trực tiếp. Nhưng đó là trước thời Tổng thống Trump.

Kể từ khi Trump được bầu, DiMaggio và Wit nhận thấy kênh đối thoại mở rộng của họ không còn được như trước. Nỗ lực thử nghiệm các cuộc đàm phán hạt nhân mới rơi vào vòng xoáy cuồng nộ khi hai nhà lãnh đạo chỉ đích danh nhau, cãi qua cãi lại và leo thang quân sự.

Đối phó với tổng thống nóng tính

“Tôi thường không công khai nói về công việc ở ‘Kênh 2’ như thế này. Nhưng giờ là thời kỳ đặc biệt khác thường so với trước”, DiMaggio viết trên Twitter.

Họ chia sẻ công việc của mình vào thời điểm trầm trọng trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trump kết thúc chuyến công du châu Á 12 ngày sau khi gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn và gây nhầm lẫn.

My bi mat lien lac voi Trieu Tien anh 2
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ đón tại Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/11. Ảnh: Getty.

Ban đầu, tổng thống định dùng cách tiếp cận ngoại giao cá nhân trong chuyến đi, vừa cho thấy sự cởi mở với đàm phán để thoát khỏi bế tắc, vừa phát đi lời lẽ cứng rắn từ Seoul về nhân quyền ở Triều Tiên, đồng thời gây áp lực để Trung Quốc cùng Mỹ gia tăng trừng phạt chống lại nước láng giềng.

Tuy nhiên, trước điểm dừng chân cuối cùng ở Manila, Trump đã mở lại cuộc khẩu chiến với Kim. Đáp lại bài phát biểu của Trump ở Seoul, truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi tổng thống Mỹ là “lão già điên rồ” đang muốn châm ngòi chiến tranh hạt nhân. Họ cũng cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt “vực thẳm diệt vong” trừ khi thoát khỏi Trump và từ bỏ “chính sách thù địch” của tổng thống.

Ông Trump, 71 tuổi, dường như mếch lòng vì lời chỉ trích tuổi tác hơn là sức khỏe tâm thần của mình. Bỏ qua lời phát biểu đã được các cố vấn soạn thảo cẩn thận, ông Trump lên Twitter bày tỏ sự giận dữ vì bị chê là già, khẳng định mình đã cố làm bạn với Kim nhưng châm chọc lãnh đạo trẻ rằng ít nhất ông chưa từng gọi Kim là “đồ lùn và béo”.

DiMaggio và Wit nói rằng Trump có xu hướng xúc phạm người Triều Tiên và đặc biệt là cá nhân lãnh đạo của họ. Điều này vi phạm nguyên tắc số 1 mà chính phủ Mỹ học được khi trao đổi với người Triều Tiên: “Dù làm gì cũng không được xúc phạm cá nhân người đàn ông này”.

Trên thực tế, người Triều Tiên đồng ý với Trump rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Obama đã thất bại. “Mối quan hệ với chính quyền từng trở nên chua chát, đặc biệt sau khi Mỹ trừng phạt cá nhân Kim Jong Un”, DiMaggio nói.

Trong khi đó, Wit cho rằng chính quyền Obama đã nhìn nhận sai về Kim Jong Un khi ông kế nhiệm cha mình vào năm 2010 và đã thất bại trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân mới vào thời điểm đó. Wit nhận định chính sách của Obama giờ có vẻ như là “sai lầm lớn”.

Người Triều Tiên trước ẩn số Trump

Lúc này, Triều Tiên đang ở rất gần bước đột phá chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Nhiều nhà quan sát lo lắng rằng nhóm của Trump, với Tillerson suy yếu và lực lượng ngoại giao mất nhuệ khí, có thể cũng không đủ khả năng tiến hành các đàm phán hạt nhân hiệu quả.

My bi mat lien lac voi Trieu Tien anh 3
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kiểm tra Đơn vị 534 thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), ngày 12/1/2014. Ảnh: KCNA.

Mặc dù vậy, DiMaggio vẫn tỏ ra khá lạc quan. Qua những cuộc trò chuyện với người Triều Tiên sau lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, bà tin rằng họ sẵn lòng xem xét ý tưởng đàm phán với Mỹ mà không có điều kiện tiên quyết vào thời điểm đó.

DiMaggio cho biết khi đề nghị này được đưa ra với phái viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Joseph Yun, bà Yun tỏ ý để mở cánh cửa đàm phán với Mỹ dù đây chỉ là khe cửa hẹp.

Thêm vào đó, Triều Tiên đang tiến gần đến vị thế hạt nhân mà nước này khao khát từ lâu: tự trang bị vũ khí hạt nhân có thể trực tiếp nhắm tới Mỹ.

“Câu hỏi đặt ra là họ sẽ đợi đến khi nào thì công bố điều đó, khi họ thực sự đạt được mục tiêu này hay khi họ cảm thấy hài lòng và tự tin sẽ đạt được kết quả khả quan? Liệu lúc đó họ có quay lại bàn đàm phán?”, DiMaggio nói.

Một phần câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào những nghi vấn của họ về Trump. Ông ấy có phải là một nhà thương thuyết đáng tin cậy? Liệu ông ta tại nhiệm được bao lâu? Trump là kẻ điên hay chỉ là một gã thích diễn trên truyền hình?

Sau 11 ngày công du châu Á, Triều Tiên được đề cập tại nhiều điểm dừng của Trump nhưng những câu hỏi này vẫn chưa sáng tỏ thêm chút nào.

TT Trump đăng video 'cảm ơn châu Á' Tổng thống Mỹ đăng tải trên Twitter video chia sẻ những hình ảnh về chuyến công du châu Á vừa kết thúc, trong đó có nhiều cảnh quay ở Việt Nam.

Trump công du châu Á: Thành công nhưng không nhiều đột phá

Chuyến công du châu Á lịch sử, sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của TT Trump kể từ khi bước vào Nhà Trắng, tuy diễn ra "thuận buồm xuôi gió" nhưng không có nhiều đột phá.

Chiến lược mới của Tổng thống Trump: Mới rõ nét ở phần thương mại

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ san sẻ trách nhiệm nhiều hơn cho 3 nước Nhật - Australia - Ấn trong tầm nhìn của Trump về Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.

Tuyết Mai

Theo Politico

Bạn có thể quan tâm