Hành trình công du "marathon" 11 ngày 5 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tổng thể được đánh giá tương đối êm đẹp so với những gì người ta dự đoán.
Vị tổng thống vốn không mặn mà với các chuyến công tác nước ngoài cuối cùng đã hoàn thành khá trơn tru vai trò của mình mà không gặp phải biến cố lớn nào, Washington Post nhận định.
"Đó quả là chuyến đi hết sức thành công đối với chúng tôi, chân thành mà nói là với rất nhiều quốc gia khác nữa", ông Trump phát biểu hôm 13/11 tại Manila, Philippines, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình châu Á.
Hình ảnh cá nhân tổng thống được cải thiện
Donald Trump vốn luôn là nhân vật có sức hút khó cưỡng đối với giới truyền thông, đặc biệt sau khi ông tuyên bố tranh cử tổng thống rồi chiến thắng ngoạn mục. Những ngày vừa qua, thế giới đổ dồn mọi sự chú ý vào chuyến thăm châu Á của ông Trump một phần cũng vì sức hút từ cá nhân tổng thống.
Trước khi ông lên đường, giới quan sát xem đây là phép thử cho phong cách ngoại giao của vị tổng thống "phi truyền thống" nhất trong lịch sử nước Mỹ. Báo chí thì chờ đợi xem ông có mắc sai sót nào không.
Tổng thống Trump đã có màn thể hiện khá chu toàn trong chuyến công du này. Thông qua các cuộc gặp, đón tiếp nồng hậu với những nghi thức hoành tráng ở mọi nơi, tổng thống Mỹ đã phần nào tăng cường mối liên hệ với lãnh đạo các nước.
Ông Trump được đón tiếp tại Bắc Kinh trong chuyến công du Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Quan hệ giữa nước Mỹ và Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines giờ đây "tốt đẹp hơn bao giờ hết", ông Trump tuyên bố.
Sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump cho biết cả hai đã xây dựng "ấn tượng vô cùng tốt đẹp về nhau", bất chấp cái mà ông gọi là nỗ lực chia rẽ hai lãnh đạo của "những kẻ thù ghét và ngu ngốc". Ông Putin thì mô tả tổng thống Mỹ là người "văn minh, có học thức và rất dễ chịu".
Tại Bắc Kinh, ông Tập tiếp đãi người đồng cấp Mỹ bằng nghi lễ long trọng dành cho "chuyến thăm cấp nhà nước đặc biệt", điều chưa từng có tiền lệ trong gần 70 năm. Ông Trump trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc hiện đại có vinh dự dùng bữa tại Tử Cấm Thành.
"Tôi nghĩ chưa có bất kỳ ai được (Trung Quốc) trải thảm đỏ tiếp đón như vậy", ông chủ Nhà Trắng bày tỏ. Trong chuyến thăm, ông còn khen ngợi Chủ tịch Tập là "một người đàn ông rất đặc biệt". Hai nhà lãnh đạo liên tục nhấn mạnh về tình bạn ngày càng tốt đẹp. Tổng thống Trump nói hai ông rất “tâm đầu ý hợp”.
Hình ảnh Tổng thống Trump nhìn chung được thể hiện khá tích cực trên các mặt báo, kể cả các tờ báo lớn của Mỹ, điều khá hiếm thấy.
Khi được hỏi về thành tích lớn nhất đạt được trong chuyến công du, ngồi trên chuyên cơ Air Force One trở về thủ đô Washington, ông Trump nói với các phóng viên: "Tôi nghĩ chỉ xét riêng về (việc xây dựng) quan hệ, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ".
"(Chúng ta) đã có thêm nhiều bạn bè tốt", ông viết trên Twitter hôm 14/11.
Chuyến đi không nhiều đột phá
Mặc dù vậy, bỏ qua những màn tiếp đón phô trương và loạt lời khen "có cánh" giữa các nhà lãnh đạo, giới chuyên gia đánh giá chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump hầu như không mang lại thành tựu đột phá nào.
Từ Tokyo đến Manila, qua Seoul, Bắc Kinh, Đà Nẵng, Hà Nội, vị tổng thống 71 tuổi liên tục nhấn mạnh vào hai ưu tiên của chính sách Mỹ là: Gia tăng sức ép với Triều Tiên và thúc đẩy thị trường châu Á mở cửa hơn nữa cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, ở cả hai vấn đề ông Trump đều chưa đạt được đột phá nào đáng kể.
Về vấn đề Triều Tiên, "so sánh trước và sau khi Trump công du châu Á, không có gì thực sự thay đổi", Go Myong Hyun, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở ở Seoul, nói với AFP.
Theo chuyên gia này, Trump kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình gây thêm sức ép để Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, nhưng Bắc Kinh vẫn "giữ nguyên lập trường hiện tại" về các biện pháp trừng phạt hạn chế.
Quan chức Nhà Trắng thì thừa nhận rằng Bắc Kinh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu số 1 của Washington là chấm dứt toàn bộ việc cung cấp dầu cho Triều Tiên. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, vẫn chỉ là những tuyên bố vỗ về khẳng định lại quyết tâm bảo vệ các đồng minh, cảnh cáo Bình Nhưỡng.
Về thương mại, Tổng thống Trump tuyên bố chuyến thăm thành công và ông đã đạt bước tiến gần hơn đến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tổng thống Mỹ chưa "bỏ túi" thành tựu nào lớn.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: New York Times. |
Bắc Kinh tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế về sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, nhưng hàng loạt trở ngại vẫn còn đó. Ông Trump tuyên bố các chuyến thăm Trung Quốc mang lại các thỏa thuận trị giá hơn 250 tỷ USD, song phần lớn đó là những bản ghi nhớ.
"Các hợp đồng này chỉ như là thuốc giảm đau, tạm thời làm dịu những tranh chấp thương mại Mỹ - Trung", Cheng Xiaohe, chuyên gia tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết.
Trước chuyến đi, giới phân tích và quan sát kỳ vọng tổng thống Mỹ sẽ làm rõ thông điệp về “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà ông và chính quyền Washington đề cập nhiều lần trước đó. Ý tưởng có cội rễ từ Nhật Bản được đội ngũ của Trump vay mượn, vốn hàm ý xây dựng một liên minh "tứ trụ" trong khu vực gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, nội dung này hầu như bị lấn át bởi chủ đề thương mại. Thay vì làm rõ tầm nhìn của Mỹ về "Ấn Độ - Thái Bình Dương", bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng tập trung nói về bất công thương mại giữa Mỹ với khu vực.
Bài phát biểu hơn 20 phút gợi nhớ về những phát ngôn hùng hồn của Trump khi còn tranh cử tổng thống, với tâm điểm là học thuyết "nước Mỹ trên hết". Mô tả Mỹ là nạn nhân của nạn bất công lâu dài về thương mại, ông Trump chỉ trích các thỏa thuận đa phương đã khiến quốc gia này bị thiệt hại.
Và thực tế, trong khi ông Trump nói về bất công thương mại và chỉ trích thương mại đa phương, thì 11 nước còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã đạt được tiến bộ quan trọng với một thỏa thuận khung cho hiệp định mà không có Mỹ. Họ thậm chí còn đặt cho nó cái tên mới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo cựu Cố vấn về châu Á của Tổng thống Obama Ryan Hass, đây là nỗ lực rất đáng kinh ngạc của các nước trong khu vực. Chuyến công du của ông Trump càng cho thấy rõ một điều: "Trong khi khu vực tăng tốc về phía trước, thì nước Mỹ thụt lùi phía sau", ông nói.