Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến lược mới của Tổng thống Trump: Mới rõ nét ở phần thương mại

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ san sẻ trách nhiệm nhiều hơn cho 3 nước Nhật - Australia - Ấn trong tầm nhìn của Trump về Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.

- Quan điểm của ông về khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở được Tổng thống Trump đề cập nhiều lần trong bài phát biểu ngày 10/11?

- Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ): Trên thực tế, đây là khái niệm từng được nhiều học giả không chỉ tại Mỹ mà còn những nước như Singapore, Ấn Độ, Australia… đề cập trong những năm qua. 

Tầm nhìn này có thể xem là sự tiếp nối của Trump so với chính quyền Obama. Dưới thời ông Obama, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng từng đưa ra khái niệm Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương (Indo - Asia - Pacific). Điều này thể hiện Mỹ rất coi trọng tính kết nối của 2 đại dương cũng như vai trò của Ấn Độ trong cấu trúc khu vực tương lai.

Tuy nhiên, chính quyền Obama khi đó chưa thúc đẩy mạnh mẽ tầm nhìn này do lo ngại phản ứng của một số bên (Trung Quốc).

Bây giờ, chính quyền Trump cho thấy là họ không e ngại bên nào cả, nên sẵn sàng thúc đẩy xu hướng vốn đã manh nha hình thành. Đây có thể coi là sự tiếp nối từ chính quyền Obama và nâng tầm cao hơn.

trat tu chau A - Thai Binh Duong moi anh 1
Tổng thống Trump nhắc đến khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn 10 lần trong bài phát biểu 30 phút tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) ngày 10/11. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu, tầm nhìn của ông Trump về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn chưa thể hiện nhiều và rõ nét ở tất cả các khía cạnh, ngoài nội dung được làm nổi bật nhất là thương mại. 

Sở dĩ như vậy vì bài phát biểu này đặt trong khuôn khổ một sự kiện của APEC và thiên về kinh tế. Do vậy, chúng ta vẫn cần phải theo dõi thêm những việc làm cụ thể của chính quyền Trump sau khi ông kết thúc chuyến đi châu Á này.

- TS. Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore): Theo tôi, hàm ý sâu xa hơn về khái niệm này đối với chính quyền Trump là ý muốn nhấn mạnh các thách thức trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng vượt ra ngoài châu Á - Thái Bình Dương. 

Như trong thời gian qua, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động hải quân vươn ra phạm vi Ấn Độ Dương, như việc các tàu ngầm của nước này ghé thăm các cảng biển khu vực Nam Á; hay Trung Quốc cũng thiết lập cơ sở hậu cần quân sự ở nước ngoài đầu tiên đặt tại Djibouti. 

Do vậy, khái niệm mới thể hiện cách chính quyền Trump ứng phó với những diễn biến mới, trong bối cảnh địa chiến lược khu vực có những thay đổi.

Trong phạm vi bài phát biểu tại APEC thiên về kinh tế, ông không đề cập sâu và chi tiết đến những vấn đề chiến lược và an ninh. Tuy nhiên, có thể thấy chính quyền Trump đã định hình rõ ràng hơn về chiến lược với châu Á, Thái Bình Dương liên thông với Ấn Độ Dương tạo nên một phạm vi địa lý lớn hơn.

- TS. Nguyễn Thành Trung (Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM): Không còn sử dụng cụm từ châu Á - Thái Bình Dương, qua khái niệm mới, Tổng thống Trump muốn đẩy mạnh sự tham gia của Ấn Độ. Ông Trump nói về Ấn Độ là “thể chế dân chủ lớn nhất thế giới với dân số hơn 1 tỷ người".

Tôi luôn đánh giá cao vai trò của Ấn Độ và cho rằng nước này cần nắm vai trò nhiều hơn, khi nền kinh tế Ấn Độ đang lớn dần với tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm. Trong tương lai, Ấn Độ có thể trở thành một nước mạnh trong khu vực, thậm chí đối trọng với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cùng với Ấn Độ, tổng thống Mỹ cho rằng Australia và Nhật Bản cũng là những nước có vai trò nên được đẩy mạnh trong khu vực, trở thành những trụ cột chính trong tầm nhìn khu vực mới mà ông nhắm tới.

Tuy nhiên, hiện tại tôi chưa thấy mô hình, thiết chế nào để kết nối 4 nước này với nhau, để hình thành một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở như ý muốn của Trump.

trat tu chau A - Thai Binh Duong moi anh 2

Thay đổi cấu trúc trật tự Thái Bình Dương

- Cấu trúc trật tự châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai có sự thay đổi như thế nào?

- Giáo sư Alexander Vuving: Trật tự này sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian tới, trong bối cảnh Trung Quốc đang đề xuất nhiều cơ chế mới như Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến "Vành đai, Con đường" (OBOR) được xem như “công trình thế kỷ” để mời gọi các nước, từ đó khiến Bắc Kinh giữ vai trò trung tâm.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Trump lại rút Mỹ khỏi những cơ chế kinh tế đa phương trong khu vực.

Tuy nhiên, tôi rất quan tâm cuộc họp quan trọng sẽ diễn ra khi Tổng thống Trump đến Philippines chính là cuộc gặp mặt của “Bộ Tứ” gồm Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Australia.

Hoạt động của nhóm này đã manh nha từ trước và đã có một số hoạt động như tập trận quân sự chung, cuôc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao. Tuy nhiên, chính quyền Obama khi đó chưa thúc đẩy nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân là nước Mỹ khi đó ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Dưới thời Trump, bên cạnh ASEAN, Mỹ mạnh mẽ thúc đẩy cơ chế “Bộ Tứ” giữa những nước vai trò đi đầu khu vực, đủ khả năng tập hợp lực lượng để tạo thế cân bằng chiến lược. 

Ngoài ra, không chỉ trong các hoạt động quân sự, “Bộ Tứ” này mong muốn tạo ra cân bằng ảnh hưởng về kinh tế đối với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.

Thúc đẩy cơ chế "Bộ Tứ" cũng không hoàn toàn là ý của chính quyền Trump mà còn có sự thúc đẩy từ Nhật Bản và gần đây là Australia. Do vậy, Mỹ cũng sẽ giữ một sự trung tâm nhất định, nhưng phải san sẻ sáng kiến và ảnh hưởng với các nước như Nhật Bản.

Tuy nhiên, đây là một trong những thông điệp quan trọng nhất trong chuyến thăm lần này của ông Trump đến châu Á. Hy vọng rằng trong thời gian tới, như tại Đối thoại Shangri-La năm sau, Mỹ có thể đưa ra cơ chế hoạt động, phối hợp giữa nhóm “Bộ Tứ” này với các nước trong khu vực.

trat tu chau A - Thai Binh Duong moi anh 3
Khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản quyết tâm thúc đẩy đạt được TPP với 11 nước còn lại. Trong ảnh là buổi họp báo của Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi công bố đạt được thoả thuận TPP-11 tại Đà Nẵng ngày 11/11. Ảnh: Tiến Tuấn.

TS. Nguyễn Thành Trung: Khi chúng ta thấy 11 nước trong khu vực đã quyết tiến tới thúc đẩy TPP-11 với tên mới là CPTPP (Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) mà không còn sự tham gia của Mỹ đã đánh dấu sự chủ động hơn của các nước. Các nước đang chủ động trong một kịch bản là Mỹ không còn nắm vai trò dẫn đầu.

Đối với tôi, vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy đạt được CPTPP cũng rất quan trọng.

Trong quá trình này, nước tạo ra sự dẫn dắt, kết nối giữa các bên để đạt được đồng thuận chính là Nhật Bản. Tokyo đã chủ động hơn trong vai trò này, trong bối cảnh có thể dự đoán là Mỹ sẽ giảm dần sự ảnh hưởng trong các thể chế đa phương trong thời gian tới.

- TS. Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ sẽ không có sự thay đổi lớn về an ninh, chiến lược. Trong thời gian qua, chúng ta bàn nhiều về sự rút lui dần hay sự biệt lập của Mỹ, nhưng chủ yếu trên khía cạnh kinh tế, như khi Mỹ rút ra khỏi TPP.

Còn trên lĩnh vực an ninh và chiến lược thì Mỹ vẫn tiếp tục và thậm chí có thể mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, với sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ và sự tăng cường chiến lược an ninh, quốc phòng giữa Mỹ với các đối tác chủ chốt trong khu vực. 

Trong quan hệ giữa Mỹ với các đối tác an ninh trong khu vực có 2 nhóm chủ chốt. Đó là các đồng minh hiệp ước truyền thống (Nhật, Hàn, Australia) tiếp tục là trụ cột trong việc hợp tác giữa Mỹ với khu vực. Khi vấn đề Triều Tiên leo thang, Mỹ đã phối hợp rất chặt chẽ với Nhật và Hàn để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao. 

Bên cạnh đó là những đối tác an ninh mới nổi. Đây cũng là biểu hiện của sự tiếp nối trong chính sách. Chính quyền Obama trước đây đã nỗ lực thúc đẩy những mối quan hệ này và chính quyền Trump nhiều khả năng duy trì, tiếp tục.

Những vấn đề trọng tâm khu vực

- Các vấn đề an ninh khu vực quan trọng được Tổng thống Trump thể hiện quan điểm như thế nào, với “liều lượng” ra sao trong bài phát biểu?

- Giáo sư Alexander Vuving: Tổng thống Mỹ đã khẳng định rõ quan điểm “an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia”. Do vậy, trọng tâm hàng đầu trong an ninh quốc gia đối với Trump chính là cân bằng lại cán cân thương mại với một loạt nước trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… Đây cũng được xem là lời cảnh báo đến các nước bị Mỹ xem là xuất siêu sang nước này.

Nói về giao thương, Tổng thống Trump vẫn đề cập đến thương mại tự do, cởi mở ở hai vùng đại dương nhưng dựa trên nguyên tắc cân bằng, công bằng giữa các bên, có đi có lại. Ông nhấn mạnh các nước không được lợi dụng Mỹ để tăng trưởng nữa, mà phải mở cửa ở mức độ tương đồng như Mỹ. Tôi không biết các nước có chia sẻ tầm nhìn này của Trump về Ấn Độ - Thái Bình Dương tới mức nào.

Bên cạnh đó, những vấn đề an ninh khu vực quan trọng khác đối với Trump, được thể hiện qua bài phát biểu, là tình hình Triều Tiên. 

Ông Trump cũng đề cập đến vấn đề đi lại tự do trên biển và các mưu đồ bành trướng là thách thức lớn trong khu vực. Biển Đông sẽ tiếp tục là mối quan tâm lâu dài của chính quyền Mỹ, nhưng về nhất thời thì đây chưa phải là điều quan trọng hàng đầu với cá nhân ông Trump.

Bài phát biểu cũng thể hiện sự khác biệt lớn nhất giữa Trump so với nhiều chính quyền tiền nhiệm là ông nhấn mạnh quan hệ song phương và không theo đuổi các thoả thuận đa phương; và ủng hộ sự mở cửa tương đồng, “có đi có lại”. 

trat tu chau A - Thai Binh Duong moi anh 4
Tổng thống Trump gặp Tổng thống Philippines Duterte tại Manila đêm 12/11. Ông Trump thay đổi quyết định và nói sẽ tham gia hội nghị EAS vào sát ngày bắt đầu chuyến công du châu Á. Ảnh: AFP.

- Bài phát biểu của Tổng thống Trump ở Đà Nẵng điểm lại nhiều về lịch sử quan hệ của Mỹ với các nước Đông Nam Á. Cùng với việc ông Trump quyết định giờ chót sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), điều này thể hiện thế nào về sự quan tâm của Trump với Đông Nam Á?

TS Nguyễn Thành Trung: Điều chắc chắn là người soạn thảo bài phát biểu này của ông Trump chắc chắn là có hiểu biết về văn hoá khu vực Đông Nam Á. Những cố vấn đối ngoại của tổng thống Mỹ dường như đã tư vấn để ông hiểu rõ vai trò quan trọng của khu vực Đông Nam Á nên ông quyết định tham gia EAS vào giờ cuối. 

Điều tôi quan tâm tiếp theo là những hành động cụ thể của chính quyền Trump sau khi về nước. Liệu sẽ có hành động thực chất nào hay chuyến công du chỉ là hình thức để phát biểu và trấn an Đông Nam Á, rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi khu vực này?

TS Lê Hồng Hiệp: Việc Tổng thống Trump quyết định tham gia EAS là thay đổi tích cực. Vì nếu ông đã dành hơn 10 ngày công du châu Á mà lại bỏ qua sự kiện quan trọng này trong vài giờ cuối cùng thì sẽ làm giảm đi rất nhiều toàn bộ ý nghĩa chuyến đi. Nên việc ông nán lại để tham dự EAS gửi đi tín hiệu tích cực hơn về tiếp tục can dự, tiếp tục quan tâm của Mỹ với châu Á, trái với những lo ngai rằng Mỹ sẽ thoái lui khỏi khu vực. 

- Việc Trump cổ vũ tầm quan trọng của giữ vững độc lập, tự do và chủ quyền trong bài phát biểu thể hiện quan điểm và sự khác biệt của ông so với những người tiền nhiệm như thế nào?

- Giáo sư Alexander Vuving: Điều này cho thấy sự khác biệt về ý thức hệ giữa ông Trump và những tổng thống trước đây. Những người tiền nhiệm của ông ủng hộ chủ nghĩa quốc tế tự do (liberal internationalism), coi trọng việc mở cửa, toàn cầu hoá, tự do kinh doanh, giao thương, tự do hàng hải…

Còn ông Trump là đại diện của một bộ phận cử tri Mỹ theo chủ nghĩa dân tộc. Đối với Trump, ông cho rằng Mỹ bị các nước lợi dụng trong thương mại, nhập siêu của Mỹ từ các nước quá lớn và quá lâu thì có thể đe doạ đến chủ quyền của nước Mỹ. Do vậy, ông không muốn những bất lợi này tiếp tục xảy ra. 

Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ là một nước lớn nên việc Mỹ nhập siêu từ các nước nhỏ hơn sẽ không gây ra đe doạ với chủ quyền của Mỹ; mà ngược lại điều này thể hiện trách nhiệm gánh vác của vai trò lãnh đạo để Mỹ có được ảnh hưởng trên trường quốc tế, xứng đáng vai trò anh cả trong việc chia sẻ và dẫn dắt. 

50 giờ của Tổng thống Trump ở Việt Nam Trong hơn 2 ngày, tổng thống Mỹ có hàng loạt cuộc gặp gỡ, nói chuyện tại APEC ở Đà Nẵng cũng như ra Hà Nội thăm chính thức Việt Nam.

TT Trump tới VN: 'Quan hệ Việt - Mỹ phát triển quá nhanh, vượt bậc'

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng chia sẻ rằng trong tiệc chiêu đãi ở Hà Nội, ông Trump đi từng bàn chúc rượu, hoàn toàn không khách sáo.

Ông Trump tới Philippines để khép lại chuyến công du châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Philippines để dự các hội nghị thượng đỉnh quốc tế và khép lại chuyến công du qua 5 nước châu Á.

Cảnh Toàn (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm