Kể từ khi lập quốc, Israel đã tự coi mình là xứ Sparta thời hiện đại. Với vị thế đơn độc trên trường quốc tế, người Israel thường cho rằng sự tồn tại của họ phụ thuộc vào khả năng gắn kết nội tại và sức mạnh quân sự tuyệt đối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Bahrain. Ảnh: New York Times. |
Song tình hình đã thay đổi sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain ký kết hai thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel hôm 15/9. Đây là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài giữa các bên trong khi Mỹ đóng vai trò trung gian.
Không chỉ đánh dấu sự dịch chuyển trong quan hệ địa chính trị ở Trung Đông, hai thỏa thuận hòa bình cũng thắp lên tia hy vọng cho người dân Israel. Giờ đây, họ tự hỏi liệu Israel trong tương lai có được công nhận như một thành viên hợp pháp của khu vực hay không?
Thay đổi lớn
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác là sự kiện mang ý nghĩa to lớn đối với Israel. Trong thời gian bị cô lập, Israel gần như không thể trao đổi đại sứ hay thiết lập đường bay quốc tế. Từ trước đến nay, mọi hoạt động trao đổi thương mại, kinh tế và du lịch đều diễn ra trong bóng tối.
Ông Yitshak Kreiss, Giám đốc Trung tâm Y tế Sheba kiêm cựu tướng quân y, nhận xét các thỏa thuận hòa bình có tác động mạnh mẽ lên quan điểm của người Israel.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Kreiss lấy ví dụ về sự kiện thành lập bệnh viện dã chiến ở Haiti sau một trận động đất vào năm 2010. Dù không chữa trị được cho nhiều bệnh nhân, bệnh viện vẫn có ý nghĩa to lớn. “Đối với những quốc gia đang gặp khủng hoảng, điều quan trọng là có hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Kreiss nói.
Quay lại với trường hợp của Israel, ông Kreiss nhận định: “Sau khi UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ, những nước khác trong khu vực như Oman hay Arab Saudi sẽ tiếp bước để làm hòa với Israel”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: The Hill. |
“Giờ đây, người Israel cảm thấy mọi thứ có thể tốt đẹp hơn và họ không cần chấp nhận hiện thực. Đó là cảm xúc mạnh mẽ nhất sau các thỏa thuận hòa bình”, ông Kreiss cho biết. “Đây là sự thay đổi to lớn đối với thế hệ của tôi. Chúng tôi nhận ra sự tồn tại của Israel không còn xoay quanh vấn đề quân sự. Israel có thể đạt được nhiều hiệp định hòa bình khác với các nước láng giềng”.
Israel còn cả chặng đường dài
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về khu vực Trung Đông đều tỏ ra thận trọng trước sự thay đổi này. Với cách nhìn nhận thực tế, họ cho rằng Israel vẫn phải trải qua một chặng đường dài để được công nhận rộng rãi.
Dù vậy, họ vẫn ghi nhận các tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây, bao gồm phản ứng từ giới lãnh đạo Arab khi bàn về vấn đề Israel.
Năm 2018, Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, từng trả lời phỏng vấn rằng: “Người Israel có quyền sở hữu đất đai riêng”. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Đất nước của chúng tôi không có vấn đề gì với người Do Thái”.
Cũng trong năm 2018, Ngoại trưởng Bahrain, Khalid bin Ahmed al-Khalifa, còn ủng hộ chiến dịch không kích của Israel nhắm vào các mục tiêu Iran tại Syria. Bài đăng trên Twitter của ông đã chỉ trích việc Iran phát triển tên lửa, đồng thời khẳng định “Israel có quyền tự vệ bằng cách loại bỏ mối nguy hiểm”.
Hồi năm ngoái, Bahrain và chính quyền Trump đã phối hợp tổ chức một hội nghị nhằm thúc đẩy quá trình giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Tại đây, ngoại trưởng Bahrain chia sẻ với một phóng viên: “Về mặt lịch sử, Israel là một phần di sản của khu vực này. Người Do Thái có vị trí nhất định trong cộng đồng của chúng ta”.
Gần đây nhất vào ngày 4/9, một nhà thuyết giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Mecca, Arab Saudi, cũng kể về lòng tốt của Nhà tiên tri Muhammad đối với người hàng xóm Do Thái. Bài thuyết giảng nhận về nhiều lời ca ngợi, song cũng bị chỉ trích vì ủng hộ xu hướng bình thường hóa quan hệ với người Do Thái.
Einat Wilf, một cựu nghị sĩ Israel, cho biết: “Câu chuyện đang dần thay đổi. Người ta không còn ghét bỏ và chỉ trích người Do Thái nữa. Giờ đây, Israel không phải là công cụ để chiến đấu với Iran, Israel là một phần của khu vực...”.
Người Palestine biểu tình chống lại quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel. Ảnh: Getty. |
Theo các chuyên gia, những nỗ lực của Israel và chính quyền Trump trong thời gian gần đây là “lật đổ dãy cờ domino” tại Trung Đông. Khi “anh cả” UAE và Bahrain đã ký kết hiệp định hòa bình với Israel, việc các nước khác tiếp bước chỉ là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, người Palestine vẫn chưa thích ứng được với sự thay đổi này, Shimrit Meir, nhà phân tích khu vực Trung Đông, cho biết. “Người Palestine không thích chính quyền Trump vì ông ấy ưu ái người Do Thái. Song họ vẫn phải chịu đựng dù không thể hiểu được hiện tượng Trung Đông làm hòa với Israel”.