Gần đây, số lượng máy bay tại Việt Nam liên tục hao hụt do các hãng tái cơ cấu đội bay hoặc động cơ cần bảo trì, sửa chữa. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng, thu hẹp mạng bay đến các đường bay ngách và khiến giá máy bay luôn neo ở mức cao.
Theo CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, so với đỉnh điểm năm 2023 khi các hãng hàng không cả nước có 223 máy bay, thì đến nay, số lượng máy bay đã giảm 25%, quý I/2024 chỉ còn 173 máy bay.
Thiếu trước hụt sau
Tình hình tài chính khó khăn, áp lực dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán đã khiến Pacific Airlines và Bamboo Airways phải trả máy bay.
Pacific Airlines thậm chí phải trả hết máy bay để xoá đi khoản nợ 220 triệu USD. Do vậy, hãng cho biết sẽ phải điều chỉnh hoặc tạm dừng một số đường bay.
Tương tự, Bamboo Airways đã trả hết máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner và sẽ tiếp tục trả 3 chiếc máy bay Embrea ERJ 190 vào đầu tháng 4 trong quá trình tái cơ cấu.
Như vậy, đội máy bay hành khách của Bamboo Airways từ tháng 4 sẽ chỉ còn 8 chiếc A320/321. Trong quá khứ, có thời điểm đội bay của Bamboo Airways lên đến 44 chiếc, theo số liệu từ Plane Spotter.
Số lượng máy bay đang hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam | |||||||
Nguồn: Planspotter.net. | |||||||
Nhãn | Vietnam Airlines | Vietjet Air | Bamboo Airways | Vietravel Airlines | Pacific Airlines | Vasco | |
Tổng số lượng máy bay đầu năm nay | 94 | 85 | 10 | 3 | 5 | 6 | |
Số máy bay đang khai thác | 73 | 75 | 8 | 3 | 0 | 5 |
Sau khi tái cơ cấu đội bay, hãng sẽ ngừng các đường bay khai thác toàn bộ hoặc một phần bằng loại máy bay Embraer E190, bao gồm từ Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới. Hãng tập trung khai thác các đường bay trục Bắc - Nam giữa Hà Nội và TP.HCM, từ Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng và các địa phương trong nước có dung lượng thị trường lớn.
Trong khi đó, nỗi "ám ảnh" thiếu máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet đến từ việc máy bay cần phải kiểm tra, bảo trì. Thông tin từ Cục Hàng không cho biết có 44 máy bay Airbus A321 NEO, tương ứng với 88 động cơ PW 1100 G của Vietjet (24 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) thuộc diện kiểm tra theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Số liệu của Plane Spotter chỉ ra Vietnam Airlines hiện có 73 máy bay đang hoạt động và 21 chiếc ở trạng thái "nằm sân" hoặc bảo trì. Về phía Vietjet, hãng đang khai thác 75 máy bay trong khi 10 chiếc khác tạm ngừng hoạt động.
Hãng gặp thách thức, hành khách chịu thiệt
Theo CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, việc thiếu hụt máy bay gây ra thách thức rất lớn cho các hãng hàng không. Các doanh nghiệp đều phải phải tập trung khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết do đứt gãy chuỗi cung ứng, trước đây thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100-120 ngày, nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày.
Dễ thấy, việc thiếu hụt máy bay, cắt giảm đường bay đã khiến giá vé máy bay bị đẩy lên cao, khách hàng cũng không còn nhiều lựa chọn về hãng bay, giờ bay với các đường bay ngách.
Đơn cử, sau khi Bamboo Airways thông báo đóng cửa các đường bay đi và đến Côn Đảo, Vietnam Airlines Group trở thành đơn vị duy nhất khai thác đường bay TP.HCM - Côn Đảo. Hành khách từ miền Bắc cũng không thể bay thẳng đường bay Hà Nội - Côn Đảo mà phải bay nối chuyến ở TP.HCM với chi phí tăng cao và thời gian chờ đợi kéo dài.
Việc thiếu máy bay khiến các đường bay ngách bị "ngó lơ", giá vé máy bay tăng cao cùng nguy cơ các chuyến bay bị delay lâu hơn. Ảnh: Sân bay Côn Đảo. |
Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, một chuyên gia hàng không phân tích việc có ít chuyến bay hơn giúp các chuyến bay dễ kín chỗ hơn, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa khó có giá vé thấp cho khách hàng. Mặt khác, sự thiếu hụt máy bay còn làm tăng nguy cơ chuyến bay bị delay trong giai đoạn cao điểm.
"Không có tàu bay dôi dư sẽ khiến các hãng không kịp xử lý tình thế khi tàu bay đang khai thác gặp sự cố kỹ thuật hoặc lý do thời tiết khiến chuyến bay bị chậm, hủy", vị này nói.
Không dễ thuê thêm máy bay
Việc thuê thêm tàu bay sắp tới cũng sẽ không dễ dàng bởi tình trạng thiếu máy bay đang leo thang toàn cầu. Không chỉ tại Việt Nam, nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng khốn đốn vì không có đủ máy bay.
Loạt sự cố nghiêm trọng liên tục xảy ra trong những tháng đầu năm buộc Boeing chịu sự theo dõi sát sao của các cơ quan quản lý hàng không. Trong khi đó, Airbus vẫn chưa thể giải quyết triệt để các nút thắt trong chuỗi cung ứng và việc thiếu lao động.
Kết quả là các hãng phải "cân não" với 2 bài toán cùng một lúc. Họ vừa phải tìm lựa chọn thay thế cho những chiếc 737 đã đặt hàng Boeing nhưng bị giao chậm, vừa mang những chiếc máy bay thân hẹp của Airbus đi sửa chữa.
Theo công ty chuyên cho thuê máy bay Avolon, ngành dịch vụ hàng không thực tế đang thiếu khoảng 3.000 máy bay so với kế hoạch đề ra trước khi Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu.
Tình trạng thiếu máy bay đang leo thang trên toàn cầu. Ảnh: CNN. |
Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không sẽ đạt kỷ lục phục vụ 4,7 tỷ lượt hành khách trong năm nay. Theo Reuters, các hãng hàng không đang tranh nhau trả giá cao hơn để đảm bảo có một đội bay đủ lớn theo kịp nhu cầu khổng lồ này.
Hiện nay, hơn một nửa đội tàu bay chở khách trên toàn cầu thuộc sở hữu của các bên cho thuê. Giá thuê máy bay đã tăng mạnh kể từ khi Boeing 737 MAX vướng phải chuỗi bê bối.
Giá thuê điển hình cho một chiếc Boeing 737-800 10 năm tuổi hiện vào khoảng 220.000 USD/tháng, tăng mạnh từ con số 183.000 USD của tháng 1/2023 và 156.000 USD hồi tháng 1/2022.
Thậm chí, một số hãng hàng không chấp nhận mua luôn máy bay mà họ đang thuê thay vì đàm phán gia hạn hợp đồng thuê.
"Đó là dấu hiệu cho thấy các hãng hàng không biết rõ vấn đề thiếu hụt máy bay sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều", Giám đốc Công ty cho thuê máy bay Mỹ AerCap Aengus Kelly nhận định.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.