Theo SCMP, phim truyền hình thường bị đánh giá thấp vì "tính phổ biến và dễ tiếp cận". Tuy nhiên, nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Duk Hyun - được biết đến là người xem nhiều phim truyền hình hơn bất kỳ ai khác ở Hàn Quốc - tin khả năng gợi lên cảm xúc mạnh mẽ của thể loại này để lại ấn tượng lâu dài cho người xem.
"Phim truyền hình lột tả suy nghĩ và cảm xúc của con người tốt hơn bất kỳ hình thức truyền thông nào khác. Chúng kết nối với chúng ta - những khán giả - ở cấp độ đặc biệt, sâu sắc", ông nói.
"Chuyến tàu lượn cảm xúc"
Theo Jung Duk Hyun, một phần tạo nên khác biệt của phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) so với phim truyền hình các nước khác là cách thu hút người xem ở cấp độ cảm xúc. Vì người Hàn vốn nổi tiếng rất biểu cảm nên K-drama phản ánh rõ điều đó, khám phá toàn bộ cung bậc cảm xúc, đưa người xem vào "chuyến tàu lượn cảm xúc", khiến khán giả cười, khóc, tức giận... cùng nhân vật.
Điều này giải thích tại sao K-drama thường khai thác các lát cắt đời thường qua lăng kính gần gũi. Ví dụ, Reply 1988 - bộ phim lấy bối cảnh Hàn Quốc năm 1988, đề cập tình cảm gia đình và tình bạn trong sáng qua những câu thoại đắt giá - có thể kết nối người xem ở các quốc gia khác nhau, mặc dù có thể họ không hiểu hết hoàn cảnh xã hội trong phim.
Jung Duk Hyun cũng khen ngợi hình ảnh ẩn dụ về con bọ ở phim My Mister (2018). Trong một cảnh phim, khi con bọ bay vào văn phòng, nhân vật Park Dong Hoon (Lee Sun Kyun) ngăn mọi người giết nó vì đây là sinh vật sống. Nhưng Lee Ji An (IU) lập tức đập và giết con bọ, ném nó đi.
Nhà phê bình Duk Hyun phân tích rằng qua hình ảnh con bọ, có thể thấy được cuộc đụng độ giữa 2 kiểu người khác nhau trong xã hội. Mặc dù vậy, khi tìm thấy điểm chạm cảm xúc giống nhau, 2 nhân vật bắt đầu thoải mái khi ở bên nhau và giúp nhau hàn gắn những vết sẹo trong quá khứ.
So với phim truyền hình Mỹ thường thể hiện cảm xúc trực tiếp hơn, K-drama xây dựng cảm xúc dần dần. Người xem chứng kiến các nhân vật phát triển và đấu tranh với những cảm xúc phức tạp, dồn nén rồi bùng nổ.
“Không chỉ theo dõi một câu chuyện hay, khán giả như thể đang sống cùng nhân vật. Những cung bậc cảm xúc của nhân vật tác động rất lớn đến người xem. Giống như họ 'thả một mỏ neo cảm xúc' vào trái tim bạn vậy. Đó là sức mạnh thực sự của phim truyền hình Hàn Quốc, tôi tin vậy", ông Jung nói.
Nhấn mạnh khác biệt giữa K-drama và phim truyền hình Nhật Bản, ông Jung chỉ ra loạt Alice in Borderland (2020) của Nhật mặc dù sở hữu nhiều điểm tương đồng với Squid Game của Hàn, lại không tạo ra mối liên hệ tình cảm giữa các nhân vật vì tập trung nhấn vào sự sinh tồn và khắc nghiệt của trò chơi.
Tác động của Squid Game
Theo nhà phê bình Jung, sức lan tỏa toàn cầu của Squid Game định hình lại ngành công nghiệp phim truyền hình Hàn Quốc theo chiều hướng không được mong đợi.
Ông giải thích: "Những nhà sáng tạo và đạo diễn làm việc trong ngành đã nhảy vào cuộc chơi, không phải vì niềm đam mê kể chuyện mà là vì lợi nhuận tiềm năng. Thực trạng đó gây chấn động trong ngành, làm lung lay tinh thần và giá trị của những người đã cống hiến cả cuộc đời để tạo nên những thước phim chất lượng".
Ngoài ra, việc Netflix đẩy mạnh tài trợ nội dung hành động ly kỳ như Squid Game đã làm lu mờ các thể loại khác - những thể loại được xem là nền tảng của phim truyền hình Hàn Quốc, chẳng hạn "tình cảm lãng mạn".
Trong một khoảng thời gian, quá trình sản xuất phim tình cảm Hàn khá im ắng. Nhưng sau đó, các nền tảng OTT địa phương như Tving bắt đầu mua lại loạt phim tình cảm đã giúp thể loại này được "hồi sinh" cả trong nước lẫn quốc tế.
Theo SCMP, kể từ sau hiện tượng toàn cầu Squid Game và K-drama ngày càng phổ biến, chi phí sản xuất phim truyền hình cũng tăng đáng kể. Sự thay đổi này, kết hợp với việc Netflix tăng cường rót tiền vào thị trường Nhật Bản, đã thúc đẩy xu hướng hợp tác giữa các công ty sản xuất Hàn và Nhật.
“Những nhà sáng tạo xứ hoa anh đào đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác với các đạo diễn, diễn viên xứ Hàn. Kết quả là, những khác biệt truyền thống giữa nội dung Hàn và Nhật đang dần tan biến", ông Jung cho biết.
Với việc phim Hàn ngày càng vươn tầm, khẳng định vị thế ở thị trường quốc tế, ông Jung mong đợi nhiều cú bắt tay đa dạng hơn về quốc tịch, từ đạo diễn Hàn và diễn viên Mỹ đến biên kịch của nhiều nền tảng khác nhau. Tác phẩm The Sympathizer của đạo diễn Park Chan Wook là ví dụ điển hình cho xu hướng này.
“Nguồn tài trợ của HBO, quá trình sản xuất do công ty Mỹ A24 phụ trách và tài liệu nguồn được chấp bút bởi người Mỹ gốc Việt từng đoạt giải Pulitzer (Viet Thanh Nguyen), The Sympathizer có sự tham gia của dàn diễn viên người Việt, người Mỹ và người Mỹ gốc Hàn. Sự lu mờ ranh giới quốc gia đã khiến việc khẳng định The Sympathizer thuộc về đất nước cụ thể nào là không thể, và sắp tới, chúng ta sẽ thấy nhiều dự án như vậy nữa", nhà phê bình kết luận.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.