Các ga tàu điện ngầm ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đã giảm độ sáng đèn để tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh Trung Quốc vật lộn với cuộc khủng hoảng điện giữa đợt nắng nóng kỷ lục.
Hệ thống đường sắt của thành phố Thành Đô, nơi có khoảng 21 triệu dân, bắt đầu hoạt động ở chế độ "tiết kiệm điện" hôm 17/8, sử dụng bóng đèn công suất thấp, đồng thời điều chỉnh nhiệt độ trong nhà ga và khoang tàu, theo thông báo của nhà điều hành.
Các bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người đi làm đứng đợi tàu ở sân ga thiếu ánh sáng và di chuyển trong bóng tối, tương phản rõ rệt với ánh đèn huỳnh quang và màn hình quảng cáo ở các trạm giao thông công cộng của Trung Quốc.
Đây chỉ là một trong các biện pháp tiết kiệm năng lượng được Bắc Kinh triển khai khi đứng trước nguy cơ khủng hoảng điện, giữa lúc hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập kỷ. Nhiệt độ nhiều nơi tại miền Trung và Tây Nam đất nước này đã lên tới hơn 43 độ C.
Mức nhiệt tăng cao xảy ra đồng thời với tình trạng thiếu mưa. Trong tháng 7, lượng mưa tại Trung Quốc giảm 40% so với một năm trước đó, thấp nhất kể từ năm 1961.
Điều này dẫn đến mực nước ở các đoạn trên của sông Trường Giang - nguồn thủy điện quan trọng - xuống mức thấp nhất kể từ khi nhà chức trách bắt đầu ghi chép dữ liệu, theo dữ liệu do Bộ Thủy lợi Trung Quốc công bố hôm 15/8.
Trong bối cảnh đó, hôm 17/8, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc đã tìm cách tạo mưa, thông qua triển khai máy bay bắn thanh i-ốt bạc vào đám mây.
Một số khu vực thuộc lưu vực sông Trường Giang đã diễn ra hoạt động can thiệp thời tiết nhân tạo này, song do mật độ mây quá thưa nên việc triển khai tại một số khu vực hạn hán bị gián đoạn.
Một đứa trẻ tắm trong xô để giải nhiệt giữa cảnh báo đợt nắng nóng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Loay hoay tìm biện pháp
Đầu tuần này, tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc - nơi phụ thuộc nhiều vào thủy điện - đã yêu cầu nhiều nhà máy ở 19 thành phố đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất trong 6 ngày để ưu tiên cấp điện cho các hộ gia đình, theo Wall Street Journal.
Theo bước Tứ Xuyên, Trùng Khánh cũng kiểm soát việc sử dụng điện ở Lương Giang và nhiều khu vực khác. Chính quyền thành phố đã yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động cho đến ngày 24/8 để tiết kiệm năng lượng, sau khi nhu cầu điện tăng vọt trong đợt nắng nóng
Việc cắt giảm, dù cho đến nay chỉ ở mức giới hạn, đang ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất toàn cầu. Foxconn Technology Group - nhà sản xuất iPhone lớn nhất thế giới - đã phải ngừng sản xuất một phần tại nhà máy.
Hãng sản xuất Volkswagen AG và Toyota Motor cũng thông báo các nhà máy của họ ở Tứ Xuyên tạm ngừng hoạt động. Volkswagen cho biết họ dự kiến có một chút chậm trễ trong việc giao hàng nhưng tin rằng điều này có thể được bù đắp trong tương lai gần.
Tương tự, nhà sản xuất nhôm Henan Zhongfu Industrial nói rằng các công ty con của họ có trụ sở tại Tứ Xuyên sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong một tuần và một số công ty phân bón đã báo cáo sản lượng của họ bị ảnh hưởng.
Zhang Yiping, chuyên gia kinh tế của China Merchants Securities, cho biết tác động từ việc cắt điện đối với sản xuất công nghiệp nói chung của Trung Quốc trong tháng 8 sẽ ở mức hạn chế, nếu chúng chỉ kéo dài trong 6 ngày theo yêu cầu ban đầu của giới chức Tứ Xuyên.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã và đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn do các biện pháp hạn chế Covid-19 và vấn đề cung cấp điện.
Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 6 thập kỷ. Ảnh: Reuters. |
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Hôm 17/8, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính cho biết chính phủ sẽ đảm bảo cung cấp điện và năng lượng cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế đất nước và ổn định giá tiêu dùng. Ông cam kết sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nhà máy điện than và ngăn chặn tình trạng mất điện.
Tứ Xuyên có dân số 84 triệu người và một nền kinh tế gần với quy mô của Thụy Sĩ. Vào năm 2021, 80% sản lượng điện tại đây phụ thuộc vào thủy điện.
Tuy nhiên, lượng nước dành cho thủy điện ở Tứ Xuyên đã giảm 50% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Tại Hán Khẩu, một địa điểm quan trắc trên sông Trường Giang ở thành phố Vũ Hán, mực nước giảm xuống tương đương khoảng 170 cm vào ngày 13/8 - mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1865, theo Sở Thủy lợi thành phố.
Hôm 17/8, giới chức tỉnh Tứ Xuyên cho biết họ sẽ phân bổ nguồn cung cấp điện cho các gia đình, văn phòng và trung tâm mua sắm.
Nhật báo Tứ Xuyên cho biết chính phủ đã kêu gọi các khu văn phòng chỉ mở điều hòa từ 26 độ C trở lên và sử dụng thang bộ thay vì thang máy. Các đài phun nước, chương trình biểu diễn ánh sáng và hoạt động thương mại cũng sẽ tạm ngưng vào ban đêm.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết họ sẽ xả 500 triệu m3 nước từ đập Tam Hiệp để bổ sung cho vùng hạ lưu sông Trường Giang.
Các mặt hàng tăng giá
Ngoài vấn đề gián đoạn điện, một số nhà phân tích lo ngại rằng hạn hán và nắng nóng ở Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho sản lượng các loại cây trồng như lúa và ngô ở khu vực miền Trung và dọc theo lưu vực sông Trường Giang.
Darin Friedrichs, đồng sáng lập của Sitonia Consulting, công ty nghiên cứu nông nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết vụ ngô đang trong giai đoạn quan trọng. Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ cao hoặc tình trạng thiếu nước có thể ảnh hưởng đến năng suất .
Tại thị trấn Yaodu, cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên khoảng 321 km về phía bắc, ngô vụ xuân được trồng vào tháng 5 và dự kiến thu hoạch vào tháng 8, nhưng đã héo từ tháng 7,
Hạn hán và nắng nóng ở Trung Quốc đe dọa sẽ gây thiệt hại cho sản lượng ngô. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, ngô vụ thu trồng vào giữa tháng 7 hầu như không phát triển vì thiếu nước và nhiệt độ cao, theo truyền thông địa phương.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 5 tỉnh và một thành phố bị ảnh hưởng bởi hạn hán là những nơi đã sản xuất ra khoảng 1/4 tổng sản lượng ngũ cốc của nước này vào năm 2021.
Ông Friedrichs nói tác động của đợt hạn hán và nắng nóng có thể khiến Bắc Kinh nhập khẩu nhiều ngô hơn từ Brazil hoặc Mỹ. Mỹ là nước bán ngô nhiều nhất cho Trung Quốc, nhưng nước này cũng đang phải đối phó với việc cắt giảm xuất khẩu từ Ukraine - một nhà cung cấp lớn khác.
Xing Zhaopeng, nhà kinh tế của ANZ, cho biết đợt nắng nóng và hạn hán xảy ra ở Tứ Xuyên cùng các tỉnh khác dọc theo sông Trường Giang đã đẩy giá rau của Trung Quốc tăng 12,9% trong tháng 7 so với một năm trước đó.
Dù vậy, ông nói rằng cú sốc về nguồn cung và giá rau sẽ chỉ ngắn hạn.
Vào ngày 12/8, truyền thông địa phương Trung Quốc đưa tin rằng giá trứng ở Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, đã tăng khoảng 30% so với tháng 6, sau khi gà mái ở đây đẻ ít trứng hơn trong bối cảnh nắng nóng.
Các báo cáo cho biết ngay cả sau khi một số nông dân lắp đặt điều hòa trong chuồng nuôi, gà mái vẫn đẻ ít trứng hơn 2-3% so với khi thời tiết mát mẻ.
Guotai Junan Securities, một công ty môi giới của Trung Quốc, hôm 16/8 lưu ý với khách hàng rằng việc cúp điện 6 ngày ở Tứ Xuyên có thể khiến giá lithium tăng hơn nữa.
Tứ Xuyên sản xuất gần 1/3 lượng lithium của Trung Quốc và 20% tổng sản lượng thế giới. Lithium rất quan trọng để sản xuất pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và xe điện.