"Hôm nay anh em mấy lít nước rồi?"
"3 bình rồi!"
"Tôi ‘quay’ từ sáng đến giờ."
"Đang bê chảo ra ngoài trời để chiên trứng."
"Chỗ tôi đang 37 độ C, cảm nhận 44 độ C."
Dường như đi đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt cũng không quên cái văn hóa chào hỏi.
Thoạt đầu, một người lạ có thể không hiểu đoạn hội thoại lạ lùng với câu hỏi và câu trả lời gần như không liên quan kia, nhưng chỉ cần là người Việt làm trong ngành xây dựng hoặc nông nghiệp ở Nhật Bản, không có câu từ nào có thể thân thương và động viên hơn thế vào những ngày nắng nóng cao độ trong mùa hè này ở đất nước Mặt Trời mọc.
Đối với những lao động Việt làm việc ngoài trời ở Nhật Bản những ngày này, “lít nước” không chỉ đơn giản là đơn vị đo thể tích của chất lỏng, mà còn là thước đo cho sự vất vả và sức chịu đựng của họ.
Họ là những người không thể tránh nóng, nhưng có thể tránh nản lòng và tủi thân bằng những lời hỏi thăm, chia sẻ từ đồng hương xa xứ.
“Nhật Bản độ này đang là thời điểm nóng nhất trong năm. Nhiệt độ có khi lên tới gần 40 độ C, nhưng cảm nhận thực tế của những người lao động ngoài trời như chúng tôi còn hơn vậy. Cùng cảnh khổ, chúng tôi vẫn thường động viên nhau qua mùa hè như thế”, Tuấn Anh (27 tuổi), làm hàn xì tại Tamamura, tỉnh Gunma từ năm 2017, nói với Zing.
Làm việc giữa “lò lửa”
Trên các hội nhóm của người Việt ở Nhật trong khoảng 2-3 tháng nay, không thiếu những bài viết của những người lao động ngoài trời hỏi thăm lẫn nhau về tình hình làm việc trong những ngày đổ lửa.
Cứ mỗi bài đăng như thế, lại có đến hàng chục, hàng trăm “anh em” cùng hoàn cảnh vào trả lời, hỏi thăm, hoặc chia sẻ câu chuyện của riêng mình.
Ngoài đồ bảo hộ, các công nhân hàn xì như Tuấn Anh đôi khi phải mặc thêm một bộ đồ nylon chống bẩn, rất bí bách và khó chịu. Ảnh: NVCC. |
Theo NHK, nhiều vùng của Nhật Bản hồi đầu tháng 8 đã ghi nhận mức nhiệt bất thường lên tới 38 độ C. Nhiệt độ cao nhất vào ban ngày lên tới 39,5 độ C tại thành phố Koshigaya ở tỉnh Saitama, và thành phố Kofu ở tỉnh Yamanashi.
Thành phố Kumagaya và thị trấn Hatoyama ở tỉnh Saitama, cũng như thành phố Ome ở khu vực Tokyo cũng hứng chịu mức nhiệt lên tới 38,9 độ C.
Kể từ đó, nhiệt độ ở nhiều nơi đã dịu hơn nhưng vẫn thường xuyên ghi nhận sức nóng trên 35 độ C.
Ở Kanagawa, Hoàng Minh Thảo (26 tuổi), công nhân làm móng nhà, xác nhận ứng dụng thời tiết trên điện thoại của anh thường xuyên báo những ngày nhiệt độ lên đến trên 35 độ C, có khi 36-37 độ C.
Tuy nhiên, nhiệt độ cảm nhận được ở ngoài trời vào lúc gay gắt nhất, tức khoảng 13-14h trưa, có thể lên tới trên 40 độ, do có sự cộng hưởng nhiệt độ từ bê tông, sắt thép xung quanh.
Ở Gunma, Tuấn Anh mô tả tương tự, nói thêm rằng nhiệt độ đỉnh điểm trong mùa hè năm nay vào khoảng gần 40 độ C. Làm trong ngành hàn xì, Tuấn Anh thậm chí cảm nhận mức nhiệt cao hơn.
Mô tả việc thường xuyên tiếp xúc với các dụng cụ tạo nhiệt, cộng với nhiệt hắt ra từ kim loại, anh cho biết sức nóng cảm nhận được ở công trường nơi anh làm việc có thể lên tới 45-50 độ C.
Bên cạnh đó, những công nhân làm hàn xì ở công trường như anh luôn phải mặc đồ bảo hộ rất dày, đôi khi phải mặc thêm một lớp áo nylon trùm từ đầu đến chân bên ngoài để chống bẩn, nên cảm giác nóng bức, khó chịu càng rõ rệt hơn.
“Người tôi những ngày này lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi”, anh nói, thừa nhận năm nay nắng nóng có bất thường hơn so với mọi năm và cho biết có khi 17h nắng vẫn còn rất gắt.
“Có những ngày 18h30-19h nắng mới tắt”, anh nói.
Các lao động cho biết thêm họ cũng chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị ngất xỉu do sốc nhiệt vì nắng nóng. “Đài báo đưa tin không ít vì chuyện này. Trộm vía, chúng tôi chưa kiệt sức hoặc sốc nhiệt đến mức ngất”, họ nói.
Dẫu vậy, cả Tuấn Anh và Minh Thảo đều thừa nhận rằng đợt nắng nóng năm nay tuy khắc nghiệt, nhưng chưa bằng năm 2018, khi đài báo đưa tin có nhiều người chết vì nhiệt độ cao kỷ lục.
Công trường nơi Tuấn Anh làm việc trong một chiều hè vẫn nắng gắt dù đã 17h. Ảnh: NVCC. |
Theo Kyodo News, trong khoảng 2 tuần giữa tháng 7/2018, có ít nhất 44 người chết vì nóng. Nhiệt độ năm đó có ngày đã đạt đỉnh 41 độ C tại một số nơi.
“Mùa hè năm nay nóng bất thường và khó chịu hơn mọi năm. Dù có mưa xen kẽ những ngày nắng nóng, nhiệt độ cũng không dịu đi là bao, mà ngược lại còn gây cảm giác hầm hập, khó chịu hơn vì vừa mưa vừa nắng. Dẫu vậy, vẫn may mắn vì năm nay không có người chết như năm 2018”, Minh Thảo chia sẻ.
Từng phải làm việc ngoài trời và chỉ mới được chuyển vào làm trong nhà xưởng gần đây, anh Nguyễn Trọng Lâm (31 tuổi), thực tập sinh ngành thép tại tỉnh Ishikawa từ cuối năm 2015, có mô tả rõ hơn.
“Chúng tôi thường được nghỉ trưa vào 12h-13h, mọi người khi đó thường tranh thủ vào trong xe hơi bật điều hòa để nghỉ ngơi. Đến lúc ra khỏi xe, không ít người ngất xỉu tại chỗ hoặc chảy máu mũi vì sốc nhiệt do nhiệt độ vào khoảng 13h-14h thường tăng mạnh”, anh Lâm nói.
Cắn răng chịu đựng
Dù nắng nóng nguy hiểm và dễ gây mệt mỏi, nhiều người lao động cho biết họ không thể, hoặc không dám tạm ngừng công việc để nghỉ ngơi.
“Đôi lúc dù có nắng gắt, chúng tôi cũng phải cố làm chứ không dám nghỉ giữa giờ vì sẽ làm chậm tiến độ và sẽ phải kết thúc công việc trong ngày muộn hơn. Trừ những lúc kiệt sức đến mức không thể cố thêm, hoặc chủ người Nhật thấy nắng nóng quá cho phép cả đội nghỉ, chúng tôi thường vẫn cố chịu, vì nếu ai cũng làm mà chỉ 1-2 người ngồi nghỉ thì sẽ bị dị nghị”, Tuấn Anh giải thích.
“Nhiều người cố quá nên ngất ở công trường là chuyện thường. Người Nhật làm việc rất nguyên tắc, tính chất công việc cũng đặc thù nên chúng tôi cũng chỉ biết cắn răng chịu được đến đâu thì hay đến đó”, anh nói thêm.
Với công việc làm móng nhà, Minh Thảo cũng trong tình cảnh tương tự. Tuy nhiên anh cho biết vào những ngày nóng quá độ, đội của anh cứ một giờ lại được cho nghỉ khoảng 3-5 phút để hồi sức, tránh để mọi người gục vì mất sức, mất nước.
Anh Lâm kể lại cùng trải nghiệm, đồng thời nói thêm rằng chuyện ăn uống cũng trở thành vấn đề nan giải trong mùa hè ở Nhật.
Tuấn Anh đang hàn đường ống tại một công trình. Ảnh: NVCC. |
“Đôi khi chúng tôi mang cơm theo nhưng không ăn nổi vì quá mệt, chỉ dành thời gian nghỉ trưa nằm trong xe bật điều hòa để hồi sức, hồi nước. Đôi khi tôi và các đồng nghiệp phải mua nước khoáng chan cơm rồi trệu trạo nuốt cho có sức”, anh Lâm nói.
Anh còn chia sẻ thêm rằng nhiều trường hợp mọi người nấu ăn mang theo nhưng trời quá nóng nên thức ăn để đến trưa đều bị thiu.
Tuấn Anh cũng gặp cùng tình huống, và cho biết anh đã được nhiều đàn anh chỉ cách ủ lạnh nhằm tránh tình trạng cơm hỏng.
“Buổi tối, tôi sẽ để một cái túi chườm lạnh to bằng lòng bàn tay vào tủ đông. Đến sáng sau khi chuẩn bị cơm xong thì cho túi đó vào cùng hộp cơm. Nếu không làm vậy thì cơm rất dễ thiu”, anh cho biết.
Dù cách này giúp tránh được tình trạng cơm hỏng, Tuấn Anh chia sẻ rằng cơm lạnh như vậy rất khó nuốt, đặc biệt là khi cả người anh mệt rũ sau 4 tiếng làm việc dưới trời nắng.
“Dẫu thế, tôi cũng chỉ biết cố nuốt cho lại sức”, anh cười nhạt.
“Cái giá” để giải nhiệt
Trong tiết trời oi bức, các lao động cho biết cách tốt nhất để họ giải nhiệt là uống nước đá. Đôi khi họ còn khoe nhau “thành tích” trong các bình luận sôi nổi trên mạng xã hội, và dường như hiếm ai uống ít hơn 4 lít nước trong những ngày nóng cao độ.
“Lúc nào mệt quá, tôi thường tìm chỗ có bóng râm đi lại nhẹ nhàng một chút cho đỡ rực người, uống khoảng 4 lít nước đá mỗi ngày và lúc nào cũng ngậm kẹo chanh chua chua cho tỉnh táo”, Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Lâm, với “thành tích khủng”, cho biết có ngày anh tiêu thụ khoảng 8 lít nước, hôm nào ít cũng ngót nghét 5-6 lít. “Cứ mỗi 5 phút tôi lại phải uống nước một lần”.
Trong khi đó, Minh Thảo chia sẻ có nhiều hôm anh mang theo 4 lít nước đá để uống nhưng không đủ.
Tuy nhiên, “cái giá” mà họ phải trả cho cách giải nhiệt này là thường xuyên bị đau họng, cả ba cho biết.
“Trộm vía, làm việc dưới trời nắng gắt tôi chưa bị ốm buổi nào, nhưng có bị viêm họng vì uống quá nhiều nước đá. Cứ mỗi lần có dấu hiệu đau họng, tôi phải ngưng uống nước đá, nhưng vẫn không thể không uống nước để lạnh”, Minh Thảo nói rõ.
“Trong tiết trời nắng như thế này, đến cái cổ họng của chúng tôi cũng khổ”, anh than thở.
Anh Trường Lại tại công trường vào một ngày nắng 35 độ C ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Ngoài việc uống nước đá, các lao động cũng chia sẻ một số “bí kíp” giải nhiệt khác.
Anh Trường Lại, đã làm 5 năm trong ngành mộc xây dựng ở Nhật Bản, giới thiệu "combo bất tử để anh em dựng nhà trong thời tiết này gồm một chiếc kính râm tốt, áo quạt gió loại tốt có pin tầm 15.000 mAh + 60 w trở lên; quần quạt nếu có kinh tế; mũ 'ninja' che kín hở mỗi mắt; và chai nước luôn bên cạnh".
Anh Lâm đồng ý nhưng cho biết đối với những ngày nóng trên 37 độ C, áo quạt gió gần như vô dụng hoặc tác dụng ngược, vì gió thổi vào người họ qua chiếc quạt toàn là gió nóng.
Việc che chắn kín cơ thể cũng khiến họ khó chịu và vướng víu trong khi làm việc, thậm chí có thể dẫn đến khó thở. Vì vậy, nếu công việc không đòi hỏi mặc quần áo bảo hộ đúng tiêu chuẩn, "tôi thường mặc áo rộng có tay ngắn, cùng quần mỏng, ống rộng cho thoáng”, anh Lâm nói.
Với những tình huống trên, các lao động đều cho biết một chiếc khăn mặt có thể là “trợ thủ đắc lực” cho họ. “Chúng tôi có thể lấy khăn thấm nước rồi lau người hoặc quấn lên đầu cho bớt nóng”, anh Lâm mô tả.
Bên cạnh giải nhiệt “vật lý”, các anh cũng tìm tới “giải nhiệt tinh thần” bằng những lời hỏi thăm, động viên lẫn nhau.
“Cố lên anh em, vài tiếng nữa là được về nhà uống bia rồi!”, hay "Anh em đừng gục ngã, cố gắng tối là có mồi mực một nắng với cá khô uống bia rồi!" là những lời nói giải nhiệt như vậy.