Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đằng sau lễ nhậm chức ‘không kèn, không trống’ của tân thủ tướng Đức

Khác với các nước như Mỹ, lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz diễn ra không cờ, không trống. Thay vào đó là những màn trao giấy tờ và các chuyến di chuyển qua lại.

tan thu tuong duc anh 1

Việc ông Scholz lên thay ghế thủ tướng của bà Merkel được Guardian gọi là "mở ra một kỷ nguyên mới cho chính trường Đức và châu Âu, khi thời đại Angela Merkel kết thúc".

Nhưng khi ông Olaf Scholz thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày 8/12, không hề có đoàn xe hộ tống nào đưa ông tới Quốc hội Đức. Trên đường ông đi hôm ấy cũng không hề có cảnh đám đông mừng rỡ vẫy hoa dọc đường.

Có lẽ thứ duy nhất nhắc nhở mọi người về lễ tuyên thệ là những bó hoa tân thủ tướng nhận được từ đại diện các đảng trong Quốc hội nước Đức.

Lễ tuyên thệ không kèn trống

Tuy bà Merkel đã bàn giao giấy tờ liên quan từ cuối tháng 10 và chào từ biệt trong buổi đại quân lễ hồi tuần trước, bà vẫn là thủ tướng Đức cho tới khi ông Scholz nhận giấy bổ nhiệm từ Tổng thống liên bang Frank-Walter Steinmeier.

Quy trình thay thế bà Merkel được khởi xướng vào ngày 8/12 bằng việc Tổng thống Steinmeier đề nghị Quốc hội Đức bỏ phiếu kín chọn ông Scholz làm tân thủ tướng.

Vì đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz cùng hai đảng liên minh khác (gồm đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do) có tổng cộng 416 trên 736 ghế trong Quốc hội, ông nhận được số phiếu tuyệt đối trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, ông Scholz được ôtô chở khoảng một dặm về phía tây, qua công viên Tiergarten của Berlin để tới Điện Bellevue, tư dinh của tổng thống Đức. Tại đây, Tổng thống Steinmeier trao cho ông Scholz giấy bổ nhiệm bọc trong bìa da.

tan thu tuong duc anh 2

Tân thủ tướng Đức nhận hoa từ đại diện các đảng trong Quốc hội. Ảnh: Photothek.

Khi ấy, ông Scholz về mặt pháp lý đã trở thành tân thủ tướng Đức nhưng quá trình chuyển giao quyền lực chưa được coi là hoàn tất cho đến lúc ông quay về phía đông và được Chủ tịch Quốc hội Barbel Bas làm lễ tuyên thệ.

Sau đó, các thành viên trong nội các của ông Scholz cũng trải qua hành trình tương tự qua công viên để lấy giấy tờ trước khi quay lại làm lễ tuyên thệ. Đa số ngồi ôtô nhưng các thành viên đảng Xanh đi xe đạp. Họ trở thành chính quyền mới của Đức sau bài phát biểu của Tổng thống Steinmeier và một lần chụp ảnh chung.

Ngày ông Scholz trở thành tân thủ tướng khép lại với việc bà Merkel bàn giao quyền điều hành văn phòng thủ tướng - nơi bà từng làm việc 16 năm. Tại đây, bà Merkel nói lời cảm ơn với nhân viên rồi trao lại sự vụ hàng ngày cho người kế nhiệm.

Bước ra ngoài sau buổi bàn giao, bà Merkel dặn ông Scholz: “Đến lúc làm việc rồi”.

Toàn bộ quy trình chuyển giao quyền lực nói trên khiến nhiều người Đức cảm thấy tự hào vì quá trình này diễn ra quá đỗi ôn hòa, tương phản với vụ bạo loạn ở Điện Capitol (Mỹ), sự kiện xảy ra sau khi Tổng thống Donald Trump khăng khăng rằng kết quả bầu cử năm 2020 bị “đánh cắp”.

“Tôi có chút tự hào về nền dân chủ của chúng ta”, Christoph Heusgen, người từng là trưởng cố vấn chính sách đối ngoại của bà Merkel, nói. “Cái cách mà nền dân chủ ấy đã làm chủ quá trình chuyển giao này, không có thù hận và ghét bỏ”.

Hệ thống chính trị khác biệt

Sự phô trương và hào nhoáng thường thấy trong lễ nhậm chức chủ yếu xuất hiện ở các nước có hệ thống tổng thống. Trong thể chế này, tổng thống đứng đầu cơ quan hành pháp và cũng thường là nguyên thủ quốc gia, tách biệt với cơ quan lập pháp.

Ở những nước như vậy, diễu hành, duyệt binh và các đám đông phấn khởi là cảnh tượng quen thuộc. Và tại những quốc gia có vũ khí hạt nhân như Pháp, Nga và Mỹ, lễ nhậm chức cũng có sự chuyển giao mã hạt nhân mang tính chất biểu tượng.

tan thu tuong duc anh 3

Lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ là sự kiện được tổ chức hoành tráng với sự tham gia của đông đảo người ủng hộ. Trong ảnh là lễ nhậm chức của ông Trump năm 2017. Ảnh: New York Times.

Trong đó, Mỹ là nước được nhắc đến nhiều nhất khi người ta nghĩ về các buổi lễ tuyên thệ hoành tráng.

Năm nay, lễ tuyên thệ ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ) không còn đông như trước do tác động của đại dịch và lo ngại an ninh sau vụ bạo loạn hồi đầu tháng 1. Dù vậy, Tổng thống Joe Biden vẫn được tuyên thệ trong buổi lễ rút gọn, với màn biểu diễn quốc ca do ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga thực hiện.

Trong khi đó, Đức là nước dân chủ nghị viện. Điều này có nghĩa tổng thống liên bang là đại diện cao nhất cho cả nước, trong khi quyền lực nằm trong tay thủ tướng liên bang.

“Thủ tướng Đức không có vai trò đại diện tương tự tổng thống Mỹ hoặc Pháp”, nhà sử gia Barbara Stollberg-Rilinger, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp Berlin, nói.

Bà Stollberg-Rilinger cho biết Đức có hệ thống đảng phái khác biệt, và cách bầu cử thủ tướng ở đây cũng không giống cách bầu tổng thống Pháp hoặc Mỹ.

Sử gia còn chỉ ra rằng sự kiện tuyên thệ ở những nước như Pháp hoặc Mỹ vẫn còn chút dư âm từ truyền thống quân chủ. “Ở một số phương diện, lễ nhậm chức tổng thống Mỹ khiến tôi nhớ đến lễ đăng quang ngôi vị thời tiền hiện đại. Ở Đức không có điều này”, bà Stollberg-Rilinger nói.

tan thu tuong duc anh 4

Tân thủ tướng Scholz ngồi tại bàn sau khi được tuyên thệ. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân lịch sử

Theo bà Stollberg-Rilinger, lễ tuyên thệ thủ tướng Đức là sự kiện đơn giản và không ồn ào. Đây cũng là đặc điểm của đa số hành động chính trị khác ở nước Đức ngày nay. Nguyên nhân lớn nhất là mối liên hệ tới những buổi lễ nghi quy mô lớn thời Phát xít.

“Là một người Đức, khi tôi nghĩ về các nghi thức, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong trí óc là những buổi diễu hành của Phát xít tại Nuremberg, với hàng nghìn người cầm đuốc đi đều bước”, sử gia này nói.

“Hình ảnh ấy đã chi phối ký ức về lịch sử nước Đức và chúng tôi không muốn có hình ảnh này nữa. Đây là lý do các lễ nghi chính trị ngày nay có chừng mực như vậy”, bà Stollberg-Rilinger nói.

Đặc điểm không phô trương trong nghi thức thành lập chính quyền mới cũng phản ánh thực tế là hiến pháp nước Đức, còn gọi là Luật Cơ bản, được lập ra khá gần đây. Đạo luật này được ban hành năm 1949, đã vạch ra quy trình bầu cử và tuyên thệ thủ tướng.

“Nó bớt đi tính lễ nghi mà mang tính chất quy trình nhiều hơn. Điều quan trọng là quy trình phải được thực hiện đúng và không ai được ngăn cản thông lệ”, bà Stollberg-Rilinger giải thích.

Nền chính trị theo xu hướng thỏa hiệp, với nền tảng là chính phủ liên minh, cũng góp phần giúp quá trình chuyển giao quyền lực ở Đức được hài hòa và không phô trương.

“Xã hội Đức không chia rẽ nghiêm trọng như Mỹ và điều này có liên hệ với hệ thống đảng phái của chúng tôi. Việc hệ thống đảng phái của Đức phức tạp hơn, cùng với việc xã hội cũng ít phân cực hơn, là một trong những lý do chúng tôi không cần các lễ nghi hoành tráng để thể hiện sự đoàn kết”, bà Stollberg-Rilinger nói. “Chúng tôi có thể bỏ qua những lễ nghi như thế”.

Một số người tự hỏi liệu trong tương lai, nước Đức có thay đổi hay không, và liệu những lễ tuyên thệ tương lai có đi kèm bắn pháo hoa hoặc màn chào mừng bằng 21 phát súng hay không.

Điều này rất ít khả năng xảy ra, theo bà Stollberg-Rilinger, đặc biệt là đối với nước có quan niệm pháo hoa là lạc hậu vì làm phát thải khí CO2, trong khi những loạt súng chào mừng bị cho là mang hàm ý quân sự.

“Tôi khá chắc rằng nước Đức, nơi từng có giai đoạn lịch sử rất đặc biệt, sẽ không thay đổi các buổi lễ có chừng mực trong tương lai”, bà nói.

Đức có thủ tướng mới

Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz vào ngày 8/12 được Quốc hội Đức bầu làm thủ tướng tiếp theo, kết thúc 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel.

Đức tổ chức đại quân lễ để chia tay bà Merkel

Thủ tướng Merkel sẽ rời nhiệm sở với đại quân lễ được tổ chức để vinh danh nữ lãnh đạo vào tối 2/12, trước khi bà chính thức chuyển giao quyền lực cho ông Olaf Scholz vào tuần tới.

Quốc Đạt

Theo New York Times, DW, AP

Bạn có thể quan tâm