Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đảng Dân chủ có lợi thế trước bầu cử giữa kỳ, TT Trump thêm lo ngại

Hai tháng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, với sự sụt giảm niềm tin của cử tri Mỹ dành cho Tổng thống Trump, đảng Dân chủ đang nhận được sự ủng hộ lớn so với đối thủ Cộng hòa.

Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Washington Post - ABC News cuối tháng 8 cho thấy các ứng cử viên Dân chủ nhận được sự ủng hộ lớn hơn những đồng nghiệp thuộc đảng Cộng hòa tại các khu vực bầu quốc hội với tỷ lệ lần lượt là 52% và 38%.

Các nhà phân tích chính trường Mỹ cho rằng đảng Dân chủ cần duy trì lợi thế này trong vòng 2 tháng tới nếu muốn "đảo ngược tình hình" tại Hạ viện, giành thêm tối thiểu 23 ghế để tái chiếm thế đa số, theo Washington Post.

Ngoài ra, các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ cũng có tỷ lệ sẵn sàng đi bầu vào tháng 11 nhiều hơn đôi chút so với những người ủng hộ đảng Cộng hòa (tỷ lệ khảo sát lần lượt là 80% so với 74%).

Khi các ứng viên Cộng hòa giành được đa số ghế tại Hạ viện Mỹ vào năm 2014, họ nhận được mức ủng hộ nhiều hơn phía Dân chủ khoảng 10% trong khảo sát của Washington Post - ABC News năm đó.

bau cu giua nhiem ky My anh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, cử tri Mỹ nhìn chung cũng không mấy hài lòng với các chính trị gia ở cả hai đảng. Gần 60% người tham gia khảo sát cho rằng Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa quá xa cách với cuộc sống của người dân. Con số này dành cho đảng Dân chủ là 51%.

Mặc dù vậy, sự sụt giảm niềm tin của cử tri Mỹ dành cho Tổng thống Donald Trump là một chỉ dấu đáng để đảng Dân chủ cảm thấy lạc quan trước thềm cuộc bầu cử.

Theo kết quả khảo sát, cứ 10 người phản đối Tổng thống Trump thì có đến 8 người sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên hạ viện của đảng Dân chủ.

Điểm nghịch lý là đảng Cộng hòa bị "thất sủng" giữa lúc nền kinh tế Mỹ được 58% cử tri đánh giá là đang thể hiện rất tốt. Đây là tỷ lệ lạc quan về kinh tế cao nhất trong vòng 17 năm trở lại đây.

Có đến 60% cử tri cho rằng họ cần đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện để tăng khả năng giám sát tổng thống, mặc dù phần lớn vẫn ủng hộ các chính sách mà ông đề ra.

bau cu giua nhiem ky My anh 2
Cựu luật sư thân tín của Trump, Michael Cohen, rời trụ sở tòa án liên bang tại New York ngày 21/8. Ảnh: AP.

Theo các nhà phân tích, những con số nêu trên cho thấy các vụ bê bối của Tổng thống Trump thời gian qua đang tác động tiêu cực rõ rệt đến vị thế của đảng Cộng hòa tại lưỡng viện.

"Ông chủ" của Nhà Trắng đang đối diện với hàng loạt rắc rối pháp lý từ những vụ bê bối trong quá khứ. 

Ngày 21/8, cựu luật sư Michael Cohen của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận tội trước tòa án Manhattan ở New York, nói ông trả tiền cho hai người phụ nữ trong thời gian diễn ra kỳ bầu cử năm 2016 dưới sự chỉ đạo của ông Trump nhằm bưng bít quan hệ tình ái của ông. Điều này đặt tổng thống Mỹ trước khả năng bị kết luận vi phạm tài chính tranh cử và tác động đến kết quả cuộc bầu cử.

Trong khi đó, cuộc điều tra nghi án chiến dịch tranh cử của Trump thông đồng với Nga can thiệp bầu cử 2016 tiếp tục xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới. Dù phe Dân chủ hạn chế đề cập đến viễn cảnh luận tội tổng thống, ông Trump vẫn chịu rủi ro không nhỏ nếu như Hạ viện - cơ quan có quyền yêu cầu luận tội - rơi vào kiểm soát của đảng đối lập.

90s: TT Trump nguy nan khi cộng sự cũ 'trở mặt' Cựu luật sư Michael Cohen "trở mặt" ám chỉ ông Trump vi phạm quy định tài chính tranh cử hồi năm 2016 là rắc rối pháp lý lớn, đẩy ông Trump vào tình thế dễ bị luận tội.

'Kẻ chỉ điểm' Cohen khởi đầu cho sự sụp đổ domino của TT Trump?

Việc luật sư thân tín hơn 10 năm trở mặt có thể là quân cờ domino đầu tiên trong số những người sẵn sàng thỏa hiệp với công tố viên để phản bội Tổng thống Donald Trump.

Trump và 'tháng 8 tồi tệ': Lựa chọn sống còn của 2 phe tại Mỹ

Tương lai chính trị của ông Trump đang bị đe dọa bởi nhiều bê bối liên tiếp, buộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải tính toán chiến lược mới cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm