90 năm trước, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, đồng thời tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Ở chiều ngược lại, lo sợ trước sự xuất hiện của Đảng và sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng, bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp đã có những phản ứng rất quyết liệt.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Tranh Phan Kế An. |
Theo sách Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1920-1930), Phạm Xuân Mỹ chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia, 2014, năm 1929, ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lần lượt được thành lập. Các tổ chức này nhanh chóng gây dựng cơ sở ở nhiều địa phương và trực tiếp tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng.
Cuối năm 1929, nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một đảng cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước đoàn kết đấu tranh, sử dụng các hình thức đấu tranh chủ yếu là đấu tranh chính trị của quần chúng như mít tinh, biểu tình, bãi công, biểu tình có vũ trang…
Lo sợ trước sự xuất hiện của Đảng và sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng, bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp đã có những phản ứng quyết liệt. Chúng tiến hành theo dõi gắt gao mọi hoạt động của Đảng và thực hiện nhiều biện pháp trấn áp, thậm chí khủng bố nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng... Một số tài liệu lưu trữ là các truyền đơn cách mạng do mật thám Pháp thu thập được, hay những công điện trao đổi giữa các cơ quan của chính quyền thuộc địa trong thời kỳ này hiện lưu tại các Trung tâm Lưu trữ ở Việt Nam và Lưu trữ Hải ngoại Pháp đã cho biết điều đó.
Có thể kể đến như, Công văn số 1999M ngày 11/7/1930 của Chánh cẩm thành phố Hà Nội gửi Chánh đốc lý thành phố kèm theo Lời tuyên cáo của Đảng Cộng sản, Công văn số 690/SG ngày 13-02-1931 của Toàn quyền Đông Dương về việc An Nam Cộng sản Đảng đổi tên thành Đông Dương Cộng sản Đảng.
Công điện ngày 24/4/1930 của Thống đốc Nam Kỳ. Nguồn: TTLTQGII. |
Đặc biệt tại Công điện ngày 24/4/1930 của Thống đốc Nam kỳ gửi toàn bộ thủ trưởng cơ quan địa phương phản ánh tương đối khái quát phản ứng của chính quyền thực dân Pháp trước sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và các hoạt động do Đảng tổ chức trong những ngày đầu thành lập. Văn bản này viết:
Tình báo Bắc kỳ vừa mới xác định các hiệp hội, tổ chức chống Pháp mới đây đã liên kết với nhau để ủng hộ “Việt Nam Cộng sản đảng”.
Cơ quan an ninh tại các địa phương đều đã nhận được thông tin từ Hà Nội về việc Đảng Cộng sản phát truyền đơn mời công nhân tham gia biểu tình công khai chống lại đế quốc Pháp vào ngày 01/5 đồng thời liên minh với nước Nga Xô Viết và Cách mạng thế giới.
Nhân dịp này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tuyên truyền, tiến hành tổng đình công, phát truyền đơn, tổ chức tuần hành và treo băng rôn, cờ đỏ và huy hiệu cách mạng.
Các ông nên nhớ rằng chúng ta sẽ không tha thứ [dung túng] cho bất kỳ cuộc biểu tình nào vào ngày này. Hơn nữa, tôi cũng tin chắc rằng mỗi người trong các ông đều đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh âm mưu nổi loạn và được phép tiến hành trấn áp nếu thấy cần thiết.
Công điện số 31c của Thống đốc Nam kỳ. Nguồn: TTLTQGII. |
Cũng liên quan đến việc ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, biểu tình, đình công của cộng sản nhân ngày 1/5, cùng ngày, Thống đốc Nam kỳ tiếp tục gửi Công điện số 31c tới các Chánh Tham biện ở Nam kỳ với nội dung:
Truyền đơn chống phá chính quyền được rải tại Sài Gòn vào đêm 23 rạng sáng ngày 24, theo đó đề nghị những tên nổi loạn người An Nam tiếp tục rải truyền đơn của cộng sản, chủ yếu trong tầng lớp quân nhân và công nhân, mục đích kêu gọi biểu tình nhân ngày 1/5. Các Chánh Tham biện phải lưu ý đưa ra những biện pháp cản trở việc rải truyền đơn này và giải những tên rải truyền đơn đến Tòa Biện lý và báo cáo bằng điện tín cho tôi biết. Phần chữ viết tay ghi: và các ông phải có mặt tại nơi làm việc vào ngày 30/4 và 1/5 để đảm bảo không có cuộc biểu tình nào được diễn ra.
Như vậy, qua một số tài liệu lưu trữ của Pháp, có thể thấy, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Song với việc đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, như cương lĩnh chính trị đầu tiên đã nêu, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết chung quanh mình tất cả các giai cấp, các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.