Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đảng Cộng hòa chia rẽ về cuộc gọi của ông Trump

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích cuộc gọi của ông Trump để lật ngược kết quả bầu cử ở Georgia. Họ khẳng định không chung trận tuyến cùng những đồng nghiệp tận trung với tổng thống.

Giữa lúc các nghị sĩ Dân chủ đang soạn thảo nghị quyết khiển trách Tổng thống Trump về cuộc gọi, một số hạ nghị sĩ Cộng hòa lại ủng hộ ông.

Hạ nghị sĩ Paul Gosar (đảng Cộng hòa, bang Arizona) nói cuộc gọi của ông Trump chỉ thể hiện “sự bực bội mạnh mẽ”.

Hạ nghị sĩ Jim Jordan (đảng Cộng hòa, bang Ohio) lập luận rằng cuộc gọi trên cũng tương tự cuộc gọi trong vụ Ukraine hồi 2019, khi ông Trump yêu cầu tổng thống Ukraine điều tra gia đình nhà Biden.

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã luận tội ông Trump vì bê bối Ukraine, nhưng Thượng viện sau đó xử trắng án.

lat keo ket qua bau cu my anh 1

Quan chức bầu cử bang Georgia Gabriel Sterling phản bác lại cáo buộc gian lận của ông Trump: “Đó đều là những cáo buộc dễ chứng minh là sai, nhưng tổng thống vẫn nói đi nói lại”. Ảnh: New York Times.

Các nghị sĩ Cộng hòa “lật kèo” bị chỉ trích

Hai nghị sĩ Cộng hòa Gosar và ông Jordan đều sẽ tham gia nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử trong phiên họp ngày 6/1 của Quốc hội Mỹ. Một số nghị sĩ Cộng hòa khác, khi được hỏi về cuộc gọi dọa nạt đòi lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump, thì lại chuyển sang chỉ trích báo chí.

Theo CNN, ít nhất 140 hạ nghị sĩ và một số thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ bỏ phiếu chống lại kết quả chiến thắng của ông Biden, dù không có bằng chứng nào về gian lận bầu cử.

Trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 vừa qua, ông Trump thua ở hàng loạt bang chiến trường với cách biệt đáng kể. Khoảng 60 vụ kiện gian lận bầu cử từ phe của ông bị tòa án các cấp, bao gồm Tòa án Tối cao liên bang, bác bỏ.

Các quan chức bầu cử ở các bang và liên bang tuyên bố đây là cuộc bầu cử đảm bảo an ninh nhất trong lịch sử Mỹ. Các quan chức an ninh quốc gia dưới quyền ông Trump cũng khẳng định không có gian lận.

Đại cử tri đoàn đầu tháng 12/2020 bỏ phiếu chứng nhận ông Biden đoạt được 306 phiếu đại cử tri so với 232 của ông Trump.

Ông Trump thua ông Biden khoảng 7 triệu phiếu phổ thông.

Nhưng cho tới nay, ông Trump vẫn liên tục phủ nhận kết quả bầu cử dù không đưa ra được bằng chứng về gian lận. Ông đang vấp phải phản đối gay gắt khi cuộc gọi cho Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger được tiết lộ cho báo chí.

Trong đó, ông Trump gây áp lực, yêu cầu ông Raffensperger "tìm hơn 11.780 phiếu” để mình chiến thắng ở Georgia - tương đương với việc đảo ngược ý nguyện thực sự của người dân bang này.

Ông Trump còn đe dọa sẽ truy tố ông Raffensperger. Ông Raffensperger phản bác rằng các cáo buộc gian lận đều không có bằng chứng, bị tòa án bác bỏ.

Bang Georgia đã kiểm phiếu ba lần, bao gồm một lần kiểm phiếu bằng tay. Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr trong cuộc họp báo cuối cùng trước khi từ chức cũng khẳng định bầu cử 2020 không có gian lận.

Một số nghị sĩ Cộng hòa đang công khai chỉ trích các đồng nghiệp cùng đảng về nỗ lực mà họ cho là nguy hiểm với nền dân chủ.

“Tôi nghĩ cuộc gọi đó rất đáng lo ngại. Mọi người nên nghe trọn vẹn 1 tiếng”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney của bang Wyoming nói với CNN.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey của bang Pennsylvania cho rằng cuộc gọi của ông Trump là một “nỗi xấu hổ mới”.

“Cuộc gọi của ông Trump với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger như một nỗi xấu hổ mới trong cả giai đoạn đáng buồn và vô tác dụng này”, ông cho biết.

“Tôi khen ngợi các quan chức bầu cử Cộng hòa trên khắp đất nước hoàn thành nhiệm vụ với sự liêm chính trong hai tháng gần đây, dù liên tục phải chịu sức ép, tin giả và lời công kích từ tổng thống”, nghị sĩ Toomey nói thêm.

lat keo ket qua bau cu my anh 2

Tổng thống Trump gần như không tiếp xúc với báo chí trong nhiều tuần gần đây để trả lời về các cáo buộc gian lận bầu cử. Ảnh: New York Times.

Băng ghi âm “còn tệ hơn Watergate”

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rob Portman khẳng định ông sẽ bỏ phiếu chứng nhận kết quả bầu cử, và chống lại nỗ lực của nhiều đồng nghiệp trong đảng.

“Tôi sẽ tôn trọng lời thề nhậm chức của mình và ủng hộ ý nguyện của người dân. Tôi sẽ bỏ phiếu xác nhận kết quả, theo đúng nghĩa vụ của tôi theo hiến pháp”, ông Portman nói.

“Tôi không thể ủng hộ việc Quốc hội đi ngược ý nguyện của cử tri”, vị nghị sĩ từ Ohio khẳng định.

Carl Bernstein, nhà báo của Washington Post từng phanh phui bê bối Watergate khiến cựu Tổng thống Richard Nixon phải từ chức, nói với CNN rằng ông Trump "ngày càng mất kiểm soát, bất ổn, đang cố gắng tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

“Nếu cuộc gọi trên được tiết lộ ở bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử, sẽ đồng loạt có những lời yêu cầu tổng thống từ chức ngay lập tức”, ông Bernstein nói thêm, và cho rằng cuộc gọi của ông Trump còn trắng trợn hơn đoạn băng ghi âm cho thấy chính ông Nixon can dự vụ Watergate.

“Một ngày buồn cho lịch sử nước Mỹ, khi đảng Cộng hòa không dám chỉ thẳng ra sự vô pháp về bản chất trong cuộc gọi này”, Anthony Scaramucci, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời Trump, nói với CNN.

Ông Scaramucci nói các nghị sĩ đi theo âm mưu “lật kèo” của tổng thống là “hoàn toàn mang tính cơ hội để lợi dụng về chính trị”.
“Họ nhìn ra cơ hội, vì cho rằng tung hô chủ nghĩa Trump, gieo rắc thuyết âm mưu QAnon... là con đường thắng lợi của riêng họ, giành thêm quyền lực (với cử tri Cộng hòa)”, ông Scaramucci nói.

Ông còn phỏng đoán Tổng thống Trump không thực sự tin rằng bầu cử có gian lận, mà hoàn toàn chỉ là chiến lược chính trị.

“Ông ta chắc chắn không tin. Hãy nhớ lại ông Trump từng cáo buộc Ted Cruz đánh cắp chiến thắng từ cuộc tranh cử sơ bộ bang Iowa năm 2016. Bầu cử 2016 ông cũng chơi lá bài gian lận, và nói nếu ông thua thì bầu cử phải có gian lận”, ông Scaramucci bình luận.

“Ông ta đang dùng lại chiêu bài năm 2016 cho năm 2020”, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng khẳng định.

'Vào năm 2020, vợ chồng cãi nhau không biết bỏ đi đâu'

Người Việt trên thế giới nhìn lại năm 2020 không chỉ là sự gián đoạn, lo sợ, mà còn nhiều kỷ niệm lạ, những bài học bất ngờ, vì “không sách vở nào dạy cho thời đại dịch cả”.

'Giao thừa New York năm nay sẽ không còn những buổi tiệc say xỉn'

Giao thừa năm 2021 của người Việt trên thế giới sẽ không còn các buổi tiệc đếm ngược đông vui, nhưng thay vào đó là trải nghiệm trò chuyện ấm cúng, nấu ăn cùng nhau.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm