Các thành viên nữ của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền Thụy Điển kêu gọi nước này tiếp tục duy trì quy chế “không liên kết quân sự", Guardian đưa tin ngày 4/5.
Truyền thông Thụy Điển cho biết Bộ trưởng khí hậu và môi trường Annika Strandhall, người đứng đầu cánh phụ nữ trong đảng Dân chủ Xã hội, nói rằng đảng này đã có “một lịch sử lâu dài và đấu tranh trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, giải trừ quân bị và tự do quân sự”.
“(Do đó, chúng tôi) trong hội đồng liên bang quyết định vẫn tuân theo các quyết định của quốc hội rằng Thụy Điển nên phi liên kết quân sự và đứng ngoài NATO”, bà nói.
Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự chia rẽ trong quyết định xin gia nhập NATO của Thụy Điển đã xuất hiện trong đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền. Ảnh: Reuters. |
Thụy Điển sẽ công bố báo cáo đánh giá chính sách an ninh vào ngày 13/5, sớm hơn hai tuần so với kế hoạch, với sự tham gia của đại diện các bên trong quốc hội.
Bộ ngoại giao cũng sẽ công bố bản trình bày lập trường, trước khi chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định có gia nhập NATO hay không, muộn nhất là vào ngày 24/5.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hôm 4/5 cho biết nước này sẽ được Mỹ hỗ trợ an ninh nếu nộp đơn gia nhập NATO, sau khi bà gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Washington.
“Ý của họ (Mỹ) có nghĩa là nếu Nga có hành động chống lại Thụy Điển - điều Moscow đã từng làm - Mỹ sẽ không cho phép điều đó xảy ra… mà không có phản ứng nào”, bà Linde cho biết.
Theo ngoại trưởng Thụy Điển, Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO, cho rằng điều đó sẽ gia tăng ổn định tại biển Baltic và Bắc Cực.
Vào tháng 4, bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển nói việc nộp đơn gia nhập NATO có thể khiến Nga phản ứng bằng việc tấn công mạng hoặc dùng các biện pháp hỗn hợp nhằm làm suy yếu an ninh của Thụy Điển.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, cho hay nước này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm cả triển khai vũ khí hạt nhân.