Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Trung Đông đổ xô tích trữ hàng hóa

Tại các nước Trung Đông phụ thuộc vào những sản phẩm từ Ukraine và Nga, người dân đổ xô tích trữ hàng hóa khi xung đột leo thang làm giá cả tăng cao và nguồn cung khan hiếm.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine đang gây ra những tác động kinh tế trên khắp Trung Đông.

Nhiều người dân bắt đầu lo lắng khi nguồn cung thiếu hụt và giá cả tăng cao của các mặt hàng thiết yếu như lúa mì, dầu hướng dương và nhiên liệu. Các sản phẩm này thường được nhập khẩu từ hai quốc gia đang có giao tranh.

Người Ai Cập đã bắt đầu phàn nàn về giá thực phẩm tăng cao. Một số người đăng video trên TikTok để bày tỏ sự bất bình.

“Chính phủ nói rằng các thương nhân không thể tăng giá, rằng không có lý do gì để họ tăng giá. Nhưng giá chiếc bánh mì đã tăng 50%, và cả món to’miyah nữa”, người dùng Mahmoud Mosa nói, đề cập đến món ăn falafel (viên bột đậu rán) của Ai Cập.

Mosa nói rằng người bán khẳng định các nguyên liệu đã tăng giá, theo Washington Post.

Trữ bánh mì trong tủ đông

Ai Cập là một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và khoảng 75% nguồn cung đến từ Ukraine và Nga, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Để chống đỡ vấn đề giảm nhập khẩu ngũ cốc, Ai Cập tuần trước đã cấm xuất khẩu bột mì và lúa mì, cũng như mì ống, đậu lăng và đậu fava, để bảo vệ nguồn dự trữ lương thực.

Ai Cập nằm trong số những quốc gia có “hơn 70% dân số không thể tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh và đang rất cần nâng cao khả năng chi trả”, theo báo cáo do FAO công bố tuần trước.

Tại Lebanon, Bộ trưởng Kinh tế Amin Salam tháng trước đã yêu cầu Mỹ, Canada và Ấn Độ viện trợ và giảm giá lúa mì - ba quốc gia sản xuất loại lúa mì mềm được sử dụng để làm ra những túi bánh mì lớn hình tròn, đồ ăn phổ biến trong khu vực.

gia ca sinh hoat tang cao anh 1

Công nhân kiểm kê gạo và dầu ăn bên trong nhà kho ở thành phố cảng Basra, miền Nam Iraq. Ảnh: AFP.

Sau vụ nổ cảng Beirut vào năm 2020, Lebanon thiếu hầm để chứa trữ lượng ngũ cốc. Do đó, các nhà máy đóng vai trò là cơ sở lưu trữ trong những tháng gần đây, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa quốc gia này chỉ đủ lượng dự trữ trong một tháng. Các nhà máy đã tự phân loại lúa mì, trong khi khách hàng đang mua bánh mì với số lượng lớn hơn và tích trữ trong tủ đông.

“Trong 10 ngày, (nguồn cung từ các nhà máy) đã giảm nghiêm trọng. Nếu chúng tôi đặt 10 túi, họ sẽ gửi cho chúng tôi hai túi”, Kevork Momjian - 40 tuổi, chủ một tiệm bánh nhỏ ở Beirut - cho biết.

Một chủ tiệm bánh khác, Hussein Ali Shouman, nói rằng các nhà máy chỉ cung cấp bột mì để nướng bánh mì. Nhưng anh nói mình đang tìm cách để tiếp tục cho ra lò món ăn sáng quen thuộc trong khu vực.

Món ăn này có tên là “manaeesh” - loại bánh ngọt xốp, nhỏ, giống như bánh pizza, thường được phủ một lớp phomai, cỏ xạ hương khô và rau tươi.

Dầu hướng dương thành "hàng nóng" tại chợ đen

Không chỉ vậy, giao tranh cũng làm gián đoạn nguồn cung cấp các sản phẩm hướng dương trên toàn cầu, đặc biệt là với nhiều quốc gia nhận số lượng lớn từ Nga và Ukraine.

Chẳng hạn, các chủ cửa hàng và cư dân ở Damascus, Syria báo cáo dầu hướng dương và các loại dầu thực vật khác đã biến mất khỏi thị trường.

Người Syria, cùng với người Iran, Iraq dựa vào dầu hướng dương khi nấu ăn, cho dù để áp chảo thịt viên nhỏ trước khi thêm chúng vào món hầm, hay để chiên súp lơ ăn kèm với nước sốt tahini.

Chủ cửa hàng Rana Sawwa cho biết cô không thể nhập dầu hướng dương “kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu”. Cô cho biết những chai nhựa màu vàng đã tăng giá gấp đôi trước khi biến mất khỏi thị trường. Thay vào đó, dầu hướng dương đã trở thành mặt hàng nóng trên thị trường chợ đen.

Theo báo chí Syria, dầu hạt bông, một loại dầu thay thế cho dầu hướng dương, cũng không có chỗ bán.

gia ca sinh hoat tang cao anh 2

Xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong đó có thiếu hụt dầu hướng dương. Ảnh: Reuters.

Sawwa cho biết cô đã bắt chồng mua một bình dầu ở Lebanon. Chồng Sawwa trốn đem bình dầu vào Syria. “Tôi đang để dành nó cho tháng Ramadan”, cô nói, ám chỉ tháng mà người Hồi giáo nhịn ăn vào ban ngày.

Syria cũng phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bánh mì trong nhiều năm. Chiến tranh và hạn hán kéo dài đã khiến đất nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lúa mì của Nga. Theo truyền thống, lúa mì là cây trồng lớn nhất của Syria.

Nước này cũng nhập khẩu ngô từ Ukraine. Ngô được sử dụng làm thức ăn cho gia súc và đang thiếu hụt.

Chính phủ Syria đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chống lại suy thoái kinh tế từ khủng hoảng giữa Ukraine và Nga. Họ dự kiến ​​phân bổ các mặt hàng quan trọng bao gồm lúa mì, đường, gạo, khoai tây và dầu thực vật.

Xung đột ở Ukraine cũng thúc đẩy giá nhiên liệu quốc tế tăng mạnh. Trước dự đoán về giá cả tăng, các trạm xăng quanh Lebanon tuần trước đã hạn chế nguồn cung hoặc đóng cửa. Sau khi người dân bày tỏ sự tức giận, chính quyền đã can thiệp để buộc chủ trạm xăng mở cửa trở lại.

Giá cả ở Lebanon đã tăng 50%. Do đó, tình trạng giao thông quanh Beirut đã thưa thớt hẳn khi mọi người ở nhà để tiết kiệm tiền mua nhiên liệu.

Các tài xế Uber đã áp dụng chiến thuật mới. Họ nhận chuyến trên ứng dụng, sau đó nhắn tin cho khách hàng để mặc cả phí. Nếu khách hàng đưa giá “không hợp lý”, họ sẽ hủy chuyến.

Ukraine tuyên bố bắt đầu phản công

Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/3 tuyên bố quân đội Ukraine đang bắt đầu phản công các lực lượng Nga theo một số hướng.

Ông Putin: Nếu phương Tây nghĩ Nga sẽ lùi bước thì họ không hiểu gì

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/3 lưu ý rằng Moscow không có ý định chiếm đóng lãnh thổ của Ukraine, và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang "theo đúng kế hoạch".

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm