Vào cuối thế kỷ 21, 183 trong số 195 quốc gia sẽ có dân số dưới ngưỡng thay thế để duy trì sự ổn định, theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia quốc tế được đăng trên tạp chí The Lancet.
Đáng chú ý, hơn 20 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Ba Lan, sẽ có dân số giảm còn một nửa.
Trong khi đó, dân số tại khu vực hạ Sahara thuộc châu Phi sẽ tăng gấp 3 lần, đạt mức 3 tỷ người. Riêng dân số tại Nigeria có thể lên đến 800 triệu người vào năm 2100, trở thành quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ với 1,1 tỷ người.
Dân số tại khu vực hạ Sahara thuộc châu Phi sẽ tăng gấp 3 lần. Ảnh: National Geographic. |
“Những dự báo này là tin tốt đối với môi trường, đồng thời mang lại nhiều cơ hội kinh tế quan trọng cho vùng hạ Sahara”, ông Christopher Murray, người đứng đầu nghiên cứu kiêm giám đốc Viện Y tế và Đo lường Sức khoẻ của Đại học Washington (Mỹ), cho biết.
“Ngoài châu Phi, phần lớn các quốc gia sẽ chứng kiến lực lượng lao động giảm mạnh, tháp dân số bị đảo ngược, kéo theo nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế”, ông Murray nhận xét.
Trong bối cảnh dân số giảm và già hoá, nghiên cứu cho rằng các quốc gia cần ưu tiên phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, có quyền tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế.
Dự báo đến năm 2100, thế giới sẽ có 2,37 tỷ người trên 65 tuổi, tương đương với 1/4 tổng dân số trên toàn cầu. Trong đó, số người trên 80 tuổi tuổi đạt mức 866 triệu người so với 140 triệu người trong thời điểm hiện tại.
Nghiên cứu cũng cho rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2050 rồi lại tụt xuống vị trí thấp hơn vào năm 2100. Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc lớn thứ 3 thế giới trong khi Nhật, Đức, Pháp và Anh lọt top 10 nền kinh tế hàng đầu.
Nghiên cứu này đưa ra số liệu khác biệt so với dự báo trước đó của Liên Hợp Quốc. Đến nay, Liên Hợp Quốc vẫn ước tính thế giới có khoảng 10,9 tỷ người vào năm 2100.