Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Pháp đổ dồn ánh mắt về 'phi cơ tỷ phú' sau mùa hè đổ lửa

Giới chính trị gia đang nghĩ tới đề xuất quy định điều chỉnh hoặc cấm máy bay phản lực tư nhân khi Pháp vừa trải qua một mùa hè nắng nóng khắc nghiệt và giá năng lượng tăng cao.

Khi nước Pháp quay cuồng trong nắng nóng khắc nghiệt và giá năng lượng tăng cao, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thúc đẩy quy định kiềm chế những tác nhân gây nhiễm môi trường. Và người Pháp đã nhắm được một “thủ phạm”: Máy bay phản lực tư nhân.

Trong những ngày gần đây, bộ trưởng Giao thông Pháp kêu gọi hạn chế máy bay phản lực tư nhân bởi phương tiện này gây quá nhiều tác động xấu tới môi trường. Một nhà lập pháp nổi tiếng của đảng Xanh cho biết ông sẽ sớm đưa ra dự luật cấm hoàn toàn loại phương tiện này.

Thông báo này gây được tiếng vang lớn trên khắp nước Pháp khi quốc gia trải qua nhiều tuần hạn hán nghiêm trọng và cháy rừng. Những sự kiện này thổi bùng tranh luận về trách nhiệm của người tiêu dùng trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Những lời kêu gọi dự trữ năng lượng cũng tăng lên ở Pháp, giống như ở phần lớn châu Âu, khi chiến sự Ukraine làm kiệt quệ nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ, theo New York Times.

"Thủ phạm" hàng đầu gây ô nhiễm môi trường

Các cố vấn của Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune cho biết ông đang cân nhắc một số lựa chọn, bao gồm yêu cầu các công ty báo cáo chuyến đi bằng máy bay tư nhân hoặc mở rộng chương trình Hệ thống Thương mại Khí thải của Liên minh châu Âu - trong đó giới hạn lượng carbon các công ty được phép thải ra - cho máy bay phản lực. Ông Beaune cho biết sẽ tham khảo ý kiến ​​của các đối tác trong khối về vấn đề này.

Hàng không được coi là một trong những ngành phát thải carbon hàng đầu thế giới. Theo ước tính, máy bay tư nhân gây ô nhiễm gấp 5-14 lần so với máy bay thương mại trên mỗi hành khách và gấp 50 lần so với tàu hỏa.

Nghiên cứu chỉ ra Pháp có mức phát thải từ máy bay phản lực tư nhân cao thứ hai ở châu Âu, sau Anh. Vào năm 2019, 1/10 tổng số chuyến bay xuất phát từ quốc gia này là bằng máy bay phản lực tư nhân.

Gần đây, một số tài khoản mạng xã hội Pháp bắt đầu theo dõi các chuyến bay của một số tỷ phú Pháp thực hiện bằng máy bay phản lực. Điều này gây ra làn sóng phản đối giữa công chúng Pháp.

cam may bay phan luc anh 1

Bernard Arnault, người đứng đầu tập đoàn xa xỉ LVMH, trên máy bay tư nhân vào năm 2004. Ảnh: New York Times.

Trên Twitter và Instagram, các tài khoản có tên như I Fly Bernard - ám chỉ đến Bernard Arnault, người đứng đầu tập đoàn xa xỉ LVMH và một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới - đã công khai chuyến đi của các tỷ phú và đưa ra ước tính về lượng khí thải carbon.

Tuần trước, I Fly Bernard cho hay máy bay tư nhân thuộc công ty của ông trùm truyền thông Pháp Vincent Bolloré thực hiện ba chuyến bay trong cùng một ngày, thải ra 22 tấn CO2. Con số này tương đương với mức khí thải trung bình 10 năm của một chiếc ôtô ở Pháp.

“Công cụ nhỏ bé đơn giản này có ảnh hưởng cực kỳ lớn vì khiến mọi người đột nhiên hiểu ra có điều gì đó không ổn”, Julien Bayou - thành viên Quốc hội Pháp và lãnh đạo đảng Xanh - đề cập tới các tài khoản trên mạng xã hội.

Ông Bayou cho biết ông đang có kế hoạch đưa ra dự luật mới vào tháng 10, khi Quốc hội Pháp làm việc sau kỳ nghỉ hè, trong đó cấm máy bay phản lực tư nhân. Ông nói thêm lệnh cấm các phương tiện giao thông tư nhân tiêu tốn nhiều năng lượng như du thuyền cũng sẽ được xem xét.

Năm ngoái, Pháp thông qua luật khí hậu cấm chuyến bay nội địa với chặng đi có thể dùng tàu hỏa dưới 2 tiếng rưỡi, trừ khi chặng đi kết nối với chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, lệnh cấm này không đả động tới máy bay tư nhân.

Ông Bayou nói đảng Xanh đã thảo luận về chủ đề cấm máy bay phản lực tư nhân trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này gần đây mới đạt được sự ủng hộ mạnh mẽ vì “có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận thấy biến đổi khí hậu gây bất bình đẳng sâu sắc”.

Bất bình đẳng khí hậu ngày càng rõ

Mùa hè nóng như thiêu đốt đã làm nổi bật thực tế về sự tàn phá của biến đổi khí hậu với nước Pháp, với những trận cháy rừng xé toạc vùng đông nam còn đợt hạn hán nghiêm trọng làm cạn kiệt nguồn dự trữ nước ở hàng chục thành phố.

Khi giới chức áp đặt hạn chế về nước trên hầu hết khu vực, tranh cãi đã nổ ra, khi nhiều người đặt câu hỏi về những gì họ coi là đặc quyền cho nhóm siêu giàu.

Emmanuel Combet - nhà kinh tế học tại Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp - cho biết nước này đang chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt về vai trò của nhóm siêu giàu trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Theo ông Combet, bài báo phát hành năm ngoái ước tính một hộ gia đình thuộc nhóm 10% giàu nhất của Pháp thải ra trung bình nhiều hơn gấp đôi lượng khí cacbonic so với một hộ gia đình ở nhóm 10% nghèo nhất.

Sự chênh lệch thậm chí còn rõ nét hơn khi nói đến lượng khí thải liên quan đến giao thông, trong đó nhóm giàu nhất thải ra nhiều hơn gấp 3 lần so với nhóm nghèo nhất.

cam may bay phan luc anh 2

Máy bay phản lực tư nhân đậu tại sân bay ở Nice (Pháp) năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thực tế một số hộ gia đình giàu có thải ra ít hơn nhóm hộ nghèo nhờ đầu tư vào năng lượng sạch, chẳng hạn như sử dụng hệ thống sưởi điện thay vì dầu.

"Cuộc tranh luận về tính công bằng trong quá trình chuyển đổi môi trường không giới hạn trong phân chia giàu nghèo", ông Combet nói.

Trước đây, Tổng thống Emmanuel Macron từng bị chỉ trích vì đưa ra những biện pháp môi trường được cho là có lợi với giới tinh hoa đô thị, trong khi tầng lớp lao động ở vùng nông thôn phải hứng chịu cái giá đắt.

Vào cuối năm 2018, sau khi chính phủ tuyên bố tăng thuế với xăng và dầu diesel như một phần động thái khuyến khích người lái xe hướng tới năng lượng sạch, các cuộc biểu tình - gọi là Phong trào Áo vàng - đã nổ ra trên khắp nước Pháp, gây chấn động cả nước.

Trong khi một số quan chức chính phủ đang phản đối các đề xuất của ông Beaune, việc ông kêu gọi loại bỏ máy bay phản lực tư nhân dường như báo hiệu nỗ lực môi trường mà ông Macron kêu gọi gần đây sẽ áp dụng cho mọi tầng lớp.

"Máy bay phản lực tư nhân mang giá trị biểu tượng", Olivier Véran - phát ngôn viên chính phủ - nói. "Người Pháp không thể đem lại ấn tượng rằng tầng lớp lao động và trung lưu luôn là nhóm cần và phải nỗ lực".

Phát hiện cá mập thảm đi bộ trên cạn suốt nhiều giờ không cần oxy

Giới nghiên cứu chỉ ra loài cá mập thảm (carpet shark) có thể đi bộ trên cạn trong hai tiếng, giúp nó dễ thay đổi môi trường sống và tránh các tác hại của biến đổi khí hậu.

Cua tuyết Alaska biến mất bí ẩn

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của cua tuyết - nguồn thu nhập trụ cột của các đội thuyền đánh bắt cua Alaska ở Mỹ.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm