Lolita từng là một cuốn sách gây nhiều tranh cãi vì chi tiết 18+. Ảnh: Beyond. |
Nhiều độc giả cho rằng dán nhãn cho các tác phẩm chứa chi tiết nhạy cảm là một biện pháp cần phải được thực hiện để đảm bảo an toàn khi các độc giả thuộc những lứa tuổi khác nhau tiếp xúc với sách. Trên thực tế, nhãn dán là một lời cảnh báo chứ không phải một bàn tay hữu hình ngăn cản đứa trẻ 15 tuổi đọc một tác phẩm 18+.
Quá trình chọn sách hay đọc sách của người chưa trưởng thành sẽ tốt hơn nếu có sự hướng dẫn của thầy cô, phụ huynh.
Những chi tiết nhạy cảm không đáng sợ
Chi tiết nhạy cảm trong văn học không giống các phương tiện nghe nhìn, dán nhãn chúng vô hình trung có thể khu biệt một điều bình thường trở thành bất bình thường.
Trong kho tàng tác phẩm kinh điển, có thể kể đến như Chiến tranh và Hòa bình, Những người khốn khổ, Đồi gió hú… có nhiều đoạn lãng mạn. Trong đó, các chi tiết nhạy cảm về bạo lực, tình dục được mô tả. Tuy nhiên, khi đặt trong ngữ cảnh cụ thể, chúng vẫn thể hiện giá trị nhất định cho thấy vị trí con người. Các chi tiết dù chỉ là sản phẩm của sự hư cấu nhưng chúng không nằm ngoài sự phát triển của xã hội. Bởi văn học phản ánh nhận thức của con người về thời đại cùng những tư tưởng, giá trị nhân văn lớn và tạo ra ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau.
“Văn chương không nằm ngoài sự phát triển của xã hội. Thời điểm này của 10, 20 năm về trước, con người như nào và hiện nay con người đã thay đổi ra sao. Chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của trước đó vào bọn trẻ. Hãy thử hỏi xem văn chương đã bị người ta ngoảnh mặt lại ra sao vì mạng xã hội. Nhưng chúng ta có cấm đoán được nó không, không thể”, nhà văn Y Ban chia sẻ.
Nhà văn Y Ban. Ảnh: FBNV. |
Vì vậy theo nhà văn Y Ban, việc gắn mác cho các cuốn sách có chi tiết nhạy cảm đòi hỏi sự suy xét kỹ lưỡng. Văn chương không giống các bộ phim, chúng thông qua con chữ để hình thành những cảnh huống cụ thể trong thế giới tưởng tượng. Cùng là một cảnh nóng nhưng không phải ai cũng nghĩ giống nhau.
Đồng tình với ý kiến trên, nhà văn Yang Phan (tác giả Vụn ký ức) cho rằng thông thường các tác phẩm văn học, điện ảnh, nghệ thuật,... thường dán nhãn về độ tuổi. Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi cá thể khác nhau, nên nhãn dán chỉ mang tính chất tương đối. Nhất là hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ, độc giả dưới 18 tuổi thường đã tiếp cận và có nhận thức nhiều hơn về các vấn đề nhạy cảm.
“Tôi nghĩ khi dán nhãn 18+, khâu xét duyệt cũng cần cởi mở hơn với chính tác phẩm đó. Nghĩa là chúng ta phải chấp nhận những chi tiết táo bạo hơn nếu nó được sử dụng tốt để phục vụ nội dung và vẫn đảm bảo tính chân, thiện, mỹ”, tác giả Yang Phan cho biết.
Cả hai cây bút trên đều nhấn mạnh rằng thay vì sợ hãi khi con cái đọc được cuốn sách có chi tiết nhạy cảm, phụ huynh cần trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn. Bố mẹ có thể tham gia với con trong các hoạt động đọc để cùng thảo luận. Việc dán nhãn có lẽ không thể thiết thực bằng việc có định hướng đọc từ phía người lớn.
Khi tác giả tả cảnh nóng, họ đang ngụ ý điều khác
Theo nhà văn Y Ban, khi một tác giả mô tả các chi tiết nhạy cảm một cách trần trụi họ có thể dùng nhiều cách khác nhau và bằng các thái độ riêng biệt. Đôi khi đó là sự giễu nhại, cũng có khi là bạo lực, phẫn nộ. Người đọc cần phải gắn các chi tiết vào trong một ngữ cảnh cụ thể để hiểu được toàn bộ điều nhà văn muốn nói.
Trong cuốn sách Đọc văn sành như giáo sư văn của GS Thomas C. Foster cũng đặt ra những câu hỏi tương tự, phải chăng nhà văn viết về tình dục có phải họ đang thực sự có ý khác.
Tác giả đã lấy trường hợp cảnh nóng nổi tiếng trong cuốn Người tình của viên Trung úy Pháp (John Fowles) làm ví dụ. Đấy là cảnh nóng duy nhất trong cuốn tiểu thuyết được mô tả lại. Tác phẩm ghi rằng “chính xác là 90 giây” đã trôi qua khi hai nhân vật chính ân ái với nhau. GS Foster cho rằng có nhiều cách giải thích đối với khung cảnh Fowles mở ra. Ông muốn chế nhạo nhân vật chính, nêu lên sự kém cỏi của đàn ông thời kỳ Victoria hoặc châm biếm sự ngắn ngủi.
Cuốn sách Đọc văn sành như giáo sư văn của GS. Thomas C. Foster. Ảnh: Nhã Nam. |
Thomas C. Foster cũng đề cập đến tác phẩm Lolita đình đám từng bị cấm ở nhiều nước. Từ góc nhìn của một người nghiên cứu văn học ông cho rằng: “Chúng ta cảm thấy ghê tởm Humbert (người cha dượng), nhưng đủ bị mê hoặc để đọc mê mải. Tình dục ở đây, do đó, giống như câu chuyện kể, là một kiểu trò chơi triết học-ngôn ngữ gài bẫy chúng ta, làm chúng ta liên đới trong các tội ác mà chúng ta chính thức lên án”.
Quả thực, văn chương sẽ làm trí tưởng tượng của con người bay bổng. Đồng thời, nó sẽ làm cho con người ta sống tích cực. Thông qua các tác phẩm, độc giả sẽ rút được bài học về cách ứng xử và làm cho cuộc sống phong phú hơn.
Bản chất các chi tiết nhạy cảm không hề gây hại. Nhưng khi bị tách ra khỏi ngữ cảnh, chúng có thể trở thành một nội dung “không an toàn” với tuổi chưa trưởng thành. Vì vậy, việc dán nhãn chưa phải là một biện pháp triệt để bởi đọc là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu sự đọc đủ sâu, các chi tiết có thể cho thấy những mặt nghĩa khác.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng