Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nên đọc các cuốn sách chứa đựng lời nhắc về việc làm người'

Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, thay vì chăm chăm đi tìm giải pháp tình thế tạm thời và nhiều khi là giả dối, mỗi người nên đọc các cuốn sách chứa đựng lời nhắc về việc làm người.

Học viện Ngoại giao vừa tổ chức buổi tọa đàm “Trò chuyện với họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ: Việc đọc, việc dịch, việc làm nghề và làm người” thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ.

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ đã đem đến cho gần 400 sinh viên những kiến giải giản dị mà sâu sắc về các vấn đề xoay quanh nghệ thuật, cuộc đời và đặc biệt là việc đọc sách.

Dich gia Trinh Lu anh 1

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ (trái) trong buổi tọa đàm. Ảnh: BTC.

Sản phẩm lao động đặc biệt nhất

Chia sẻ với VietNamNet, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ tin rằng việc sáng tạo nghệ thuật là cách con người “giao đãi” với cuộc đời. Ông nói: “Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm lao động đặc biệt nhất của loài người, nó là một vật thể bên ngoài nhưng lại chứa đựng toàn bộ nội tâm của người làm ra nó. Đấy là một sản phẩm đặc biệt, giúp con người tìm thấy vẻ đẹp cả ở ngoài kia và trong này. Tôi gọi nó là bản năng sinh tồn của loài người”.

Do vậy, khi đọc một cuốn sách, một tập thơ hay ngắm một bức tranh, người đọc tìm thấy tâm tình của tác giả, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu của mình với thế giới.

Bên cạnh đó, việc sáng tạo nghệ thuật giúp đào luyện tâm thức con người, hướng người ta đến những vẻ đẹp giản dị thay vì “tham, sân, si”. Là một họa sĩ theo trường phái hiện thực, Trịnh Lữ tin rằng việc “mắt nhìn tay vẽ” sẽ rèn đức tính chân thực và khả năng quan sát nhạy bén.

Cách đọc sách hiệu quả

“Đọc sách như thế nào cho đúng?” là câu hỏi nhiều bạn trẻ quan tâm. Theo dịch giả Trịnh Lữ, không cần đặt nặng vấn đề hay - dở, phù hợp - không phù hợp. Thay vào đó, mỗi người nên tự hỏi: “Cuốn sách này có trả lời cho câu hỏi mà mình đang tìm kiếm hay không?”. Khi ấy, việc đọc xuất phát từ nhu cầu thiết thân là được biết, được học hỏi thêm và như thế nó có ý nghĩa hơn rất nhiều việc đọc chỉ để giải trí.

“Đọc khi cảm thấy cần phải hiểu một vấn đề gì đó cho mình thì việc đọc sẽ khác hẳn”, diễn giả nhấn mạnh.

Để tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, dịch giả Trịnh Lữ cũng chia sẻ với sinh viên hai cách đọc mà ông sử dụng. Đầu tiên, muốn ghi nhớ thông tin quan trọng, ông tích cực ghi chép, phân loại những kiến thức, câu văn mà mình thấy cần thiết. Thứ hai, với những cuốn sách chuyên ngành khô khan, “khó nhằn”, cần tập trung vào vấn đề chính mà người viết giải quyết và khía cạnh phục vụ cho việc học thay vì sa đà vào tiểu tiết.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều người trẻ cũng quan tâm đến ý kiến của dịch giả Trịnh Lữ xoay quanh các hình thức hiện đại của sách như: sách nói, sách điện tử…

Dich gia Trinh Lu anh 2

Ảnh: BTC.

Diễn giả cho rằng bên trong mỗi con người đã ngầm chứa rất nhiều tri thức được truyền lại từ đời này qua đời khác. Do đó, việc tiếp thu tri thức theo cách nào cũng là đúng đắn và có hiệu quả. Đặc biệt thời nay, những hình thức đọc mới sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu hơn. Tuy nhiên, việc tìm một chốn yên tĩnh hay ở giữa thiên nhiên, cầm trên tay cuốn sách vẫn mang lại một niềm vui, sự hưởng thụ khác. Lúc này sự giao đãi giữa sách và con người bên trong chúng ta được sâu lắng hơn.

Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, thay vì chăm chăm đi tìm giải pháp tình thế mang tính tạm thời và nhiều khi là giả dối, mỗi người nên đọc các cuốn sách chứa đựng lời nhắc về việc làm người có giá trị hàng trăm, hàng nghìn năm. Thậm chí, đến tận bây giờ ông vẫn “nhẩm đi nhẩm lại” nhiều câu thơ, cuốn sách đã cũ để không quên những bài học giá trị, một trong số đó là lời dạy về chủ nghĩa khắc kỷ của triết gia Seneca và bài thơ Nếu của Kipling.

Cuối cùng, nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người hơn thì không có cách nào khác ngoài việc tự mình phải đọc mà theo dịch giả Trịnh Lữ là: “Đọc rồi mê mải vào đấy, đến mức không quan tâm người xung quanh có đọc không, đọc cái gì, đọc được bao nhiêu sách”. Ông tin rằng khi mỗi cá nhân tự thu xếp thời gian đọc sách như một sự ưu tiên thì đam mê ấy tự khắc lan tỏa đến nhiều người xung quanh.

Thay vì tổ chức phong trào, hội thi đọc sách thì chúng ta nên đọc với tâm thế đọc cho mình trước tiên, bởi: “Phong trào quan trọng nhất ở trong lòng mỗi người”.

Dịch sách cũng là đồng sáng tạo

Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, dịch giả Trịnh Lữ tin rằng việc dịch không đơn giản là nhắc lại những lời tác giả nói bởi nguyên tác chỉ có một nhưng mỗi người khi chuyển ngữ lại mang đến một phiên bản riêng mang đậm dấu ấn cá nhân.

Dich gia Trinh Lu anh 3

Ảnh: BTC.

Ông cho rằng có 2 tiêu chí để đánh giá một bản dịch hay. Dịch không phải chỉ chăm chăm chuyển tải vỏ con chữ mà phải “làm sao cho độc giả có những cảm xúc y như khi người bản xứ đọc sách bằng tiếng mẹ đẻ của họ”. Đặc biệt là phải “nghe ra cái giọng của tác giả, đảm bảo chất văn”.

Dịch giả kể lại kỷ niệm được làm việc trực tiếp cùng nhà văn Paul Auster khi dịch cuốn Người trong bóng tối. Nhờ mối duyên tại New York mà ông có dịp giới thiệu bản dịch tiếng Việt 2 cuốn sách trước của Paul Auster khiến tác giả vô cùng thích thú và đề nghị Trịnh Lữ dịch song song với quá trình sáng tác của mình.

Khi cuốn sách xuất bản ở Mỹ thì cũng có mặt ở Việt Nam. Trong quá trình dịch, hai người trao đổi thoải mái, góp ý cho nhau và theo một cách nào đấy, dịch giả Trịnh Lữ đã trở thành “đồng tác giả” cho phiên bản tiếng Việt của Người trong bóng tối.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

https://vietnamnet.vn/dich-gia-trinh-lu-nen-doc-cac-cuon-sach-chua-dung-loi-nhac-ve-viec-lam-nguoi-2279511.html

Minh Châu/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm