Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đàn người’ đọc tạp văn

Tạp văn là thể loại đang thu hút sự quan tâm của độc giả trong nước. Và như lời nhà văn Nguyễn Việt Hà, điều này không biết nên lo hay nên mừng.

Với tạp văn, người viết có thể nhanh nhưng người đọc nhất thiết phải chậm. Cầm một cuốn tạp văn, chúng ta có thể và không cần phải ngấu nghiến vội như đang cầm một cuốn tiểu thuyết – dù tạp văn thuộc loại dễ đọc và ngắn hơn rất nhiều. Tạp văn là loại sách để đọc từng chút một, đọc lâu dài, đọc nhảy cóc, đọc ngắn quãng. Đọc tạp văn cũng nên nhã nhặn một chút, pha ấm trà, kiếm dăm ba cái kẹo lạc rồi ngồi thưởng thức.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong những cây viết tạp văn thú vị của Việt Nam đương đại.

Tạp văn có lẽ không dung nạp và kiến tạo được những cảm xúc mãnh liệt cho độc giả. Người đọc khó mà tự đánh vào đùi cái đét khen “hay quá” hay rơm rớm nước mắt theo kiểu tiểu thuyết diễm tình. Tạp văn là tạp nham và gần gũi.

Người viết tạp văn là người tháo lưỡi câu cho mình, cho các vấn đề mà họ nhìn thấy, nghe thấy, đôi khi là "ngửi" thấy. Bằng những dòng chữ ngắn ngắn, ngộ ngộ, độc giả có cảnh ngộ tương tự cũng tự tháo luôn "lưỡi câu" mà mình mắc phải.

Vì thế, tạp văn dù là chuyện xã hội vô thường, tiết hạnh cao quý hay tình yêu vừa bằng miệng chén thì vẫn chỉ đơn giản một mục đích là tháo dỡ. Tạp văn kể gió, tả mưa, cô đơn ngược đời, tình đưa không đến là loại đọc cho vui khi chợt nhận ra bị thiếu “5K cảm xúc”.

Tạp văn là người mà người thì không thể che giấu qua chữ viết. Có người lãng mạn cũng có người gai góc, có kẻ tưng tửng có người nghiêm túc… Đó là một phần trong cái biển cả của người đó. Lẽ thường, đã viết là dụng chữ, nên khó tránh việc người nghĩ một đường, chữ rẽ một nhánh. Nhưng xem ra thì không nhiều người như vậy.

Nói như vậy là để vận vào người đọc, có người thích nhẹ nhàng có người thích nghiêm túc; có người thích chủ đề này có người khoái chủ đề nọ. Có người đọc vì tên tác giả, có người lại đọc vì chủ đề mà cuốn sách bàn luận… lại có người đọc chỉ vì được báo chí "rì viu” như vậy. Đọc tạp văn không phản ánh người đọc rõ nét như thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết. Đọc tạp văn đôi khi là sự khoái chí có người nói hộ.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà viết "Đàn ông viết tạp văn" trong tập tạp văn "Con giai phố cổ" đầy sắc sảo.

Con người ngày càng lười biếng và ranh xảo. Họ khoái chí với những thứ nhờ người khác nói hộ. Mà tạp văn, thường có giọng điệu rất khác, tưng tửng hết mức thì cười tươi tinh ranh; lãng mạn có hạng thì lại tăng gia vị cho đời sống vốn khô khan và thiếu khát tình cảm.

Như nhà văn Nguyễn Việt Hà từng viết trong tập tạp văn Con giai phố cổ:  "Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại "tủi thân" nếu miễn cưỡng phải so sánh với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đàn ông viết ra nó đều là những người có nhân cách, thậm chí còn tử tế. Ngày hôm nay số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết. Điều này chẳng biết nên lo hay nên mừng".

Vì thế, cái chuyện đọc tạp văn đôi khi cũng lắm nhì nhằng cũng chẳng kém người viết ra nó.



N.L

Bạn có thể quan tâm