Ngày 30/12, bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng gửi một tin chấn động vào nhóm bạn học cũ trường y trên WeChat - ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc: bảy bệnh nhân, từ một chợ hải sản địa phương, đã được chẩn đoán mắc bệnh giống SARS và đang bị cách ly trong bệnh viện.
Bác sĩ Lý cho biết theo một xét nghiệm mà anh nhìn thấy, tác nhân gây bệnh là một chủng virus corona - họ virus lớn bao gồm virus gây ra Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS).
Ký ức về SARS lan rộng ở Trung Quốc, nơi đại dịch đã giết chết hàng trăm người vào năm 2003. "Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn cùng lớp đại học của mình cẩn thận", anh từng nói, theo CNN.
Bác sĩ Lý, sống tại Vũ Hán, là một trong những người đầu tiên hé lộ về dịch bệnh xuất phát từ thành phố của anh. Tin nhắn của anh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi được gửi đi - với kết quả là anh bị công an triệu tập giữa đêm và bị cáo buộc "phao tin đồn nhảm".
Đến nay, "tin đồn" đó đã được chứng minh là sự thật, một thực tế gây lo lắng trên toàn cầu khi ít nhất 636 người tại Trung Quốc đã tử vong vì virus corona chủng mới, còn được gọi là virus Vũ Hán.
Bác sĩ Lý, đến rạng sáng 7/2, cũng đã trở thành một trong những người ra đi.
Bác sĩ Lỹ Văn Lượng trước và sau khi nhập viện. Ảnh: Weibo. |
Không bao giờ quên
Bác sĩ Lý "không may bị nhiễm bệnh trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra và những nỗ lực cứu chữa anh đã thất bại", Bệnh viện Trung ương Vũ Hán nói trên mạng xã hội Weibo. "Chúng tôi bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc và xin được gửi lời chia buồn".
Ngay cả trước khi qua đời, bác sĩ Lý đã trở thành anh hùng đối với nhiều người Trung Quốc, sau khi có tin anh cùng 7 người khác bị công an triệu tập vì nói về "căn bệnh bí ẩn" ở Vũ Hán. Tin tức về cái chết của anh đã dẫn đến những phản ứng thậm chí dữ dội hơn.
"Chúng tôi sẽ không quên vị bác sĩ đã lên tiếng về một căn bệnh bị cho là tin đồn", một người bình luận dưới thông báo của bệnh viện. "Chúng tôi có thể làm gì khác nữa chứ? Điều duy nhất (có thể làm) là không được quên".
Bác sĩ Lý, 34 tuổi, đang chờ đón đứa con thứ hai, là bác sĩ nhãn khoa không mấy tên tuổi ở Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc và là tâm điểm của dịch virus corona. Song trong những tuần qua, anh đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ đối với những người Trung Quốc tức giận vì ổ dịch tại Vũ Hán đã bùng phát một cách không kiểm soát thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, và những tiếng nói cảnh báo đầu tiên đã bị ngăn chặn.
Rạng sáng 31/12, cơ quan y tế Vũ Hán đã tổ chức họp khẩn cấp để thảo luận về dịch bệnh. Sau đó, bác sĩ Lý bị lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi anh đang làm việc, gọi lên để giải thích làm thế nào anh biết về các ca nhiễm, theo báo Beijing Youth Daily.
Trong ngày hôm đó, cơ quan chức năng Vũ Hán công bố dịch và thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới. Song rắc rối của bác sĩ Lý không dừng ở đó.
Ngày 3/1, anh bị công an địa phương triệu tập và cảnh cáo vì "phao tin đồn nhảm trên mạng", "gây rối trật tự xã hội" vì tin nhắn anh gửi trên WeChat. Anh bị bắt ký vào một văn bản trong đó nói anh sẽ không bao giờ "tái phạm", và được rời đồn công an sau một tiếng.
Anh quay về làm việc tại bệnh viện. Đến ngày 10/1, sau khi điều trị cho một bệnh nhân đã nhiễm virus, anh Lý bắt đầu ho và phát sốt trong ngày hôm sau. Anh nhập viện ngày 12/1 và được đưa vào khu chăm sóc tích cực (ICU). Anh được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với chủng virus corona mới vào ngày 1/2.
Một trung tâm triển lãm ở Vũ Hán được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona có triệu chứng nhẹ. Ảnh: AFP. |
Phép màu không xuất hiện
Sự ra đi của bác sĩ Lý được bệnh viện xác nhận sau một đêm xuất hiện nhiều suy đoán về số phận của anh. Mạng xã hội ngập tràn những lời tiếc thương sau khi các báo chính thống Trung Quốc, bao gồm Global Times, cũng như các hãng thông tấn quốc tế loan tin anh đã qua đời trước nửa đêm.
Chỉ vài giờ trước khi xác nhận rằng anh không qua khỏi, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán nói trên Weibo rằng họ vẫn đang chiến đấu để cứu anh.
"Không ngủ!!! Lên mạng chờ đợi một phép màu", một người bình luận dưới bài đăng của bệnh viện trên Weibo. "Chúng tôi không cần ngủ đêm nay, nhưng Lý Văn Lượng phải tỉnh dậy".
Ngay sau khi cái chết của bác sĩ Lý được công bố, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đã gửi lời chia buồn ngắn gọn, và các cơ quan y tế của thành phố Vũ Hán cũng làm tương tự. Global Times, trang tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời báo, phụ san của Nhân Dân Nhật báo, kêu gọi độc giả ủng hộ cuộc chiến của chính phủ chống lại dịch bệnh.
"Việc anh Lý Văn Lượng không thể giữ được mạng sống cho thấy đây là một trận chiến gian khổ và phức tạp", một bài viết trên Global Times nói. "Tại thời điểm quan trọng này, tất cả chúng ta phải đoàn kết".
Bênh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán, được xây dựng trong 10 ngày, đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân hôm 4/2. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Dù vậy, cái chết của vị bác sĩ đặt ra một vấn đề cực kỳ tế nhị đối với chính phủ Trung Quốc. Ngay cả khi các quan chức đang chiến đấu với dịch bệnh, họ cũng cố gắng dập tắt những chỉ trích rộng rãi rằng họ đã phản ứng sai trước tình hình ban đầu ở Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân, theo New York Times.
Cái chết của bác sĩ Lý cũng phơi bày một khía cạnh đáng lo ngại của dịch bệnh không được đề cập trong thống kê chính thức: số lượng bác sĩ, y tá và nhân viên y tế bị nhiễm virus. Một số hình ảnh chưa được xác minh về những gì dường như là dữ liệu của chính phủ đã chỉ ra rằng hàng trăm nhân viên bệnh viện có thể đã bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán.
Trong thời gian điều trị, bác sĩ Lý vẫn tiếp tục lên tiếng. "Tôi nghĩ rằng một xã hội lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói", anh từng nói với tạp chí Caixin.
Anh cũng tỏ ra hy vọng về việc vượt qua bệnh tình và trở lại làm việc. "Sau khi tôi bình phục, tôi vẫn muốn quay trở lại tiền tuyến", anh nói với báo Southern Metropolis Daily. "Dịch bệnh vẫn đang lan rộng và tôi không muốn trở thành kẻ đào ngũ".