"Vũ nữ chân dài" giúp người Bảy Núi thu tiền triệu
Làng làm khô nhái ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên - An Giang có hơn 50 hộ chuyên sống bằng nghề soi nhái làm khô. Mỗi tối, với chiếc vợt lưới dài 2m, người dân có thể kiếm từ 5-12kg nhái, cho thu nhập khoảng 200.000 đồng.
Nhái cơm con nhỏ bắt về được lột da, rửa sạch, ướp gia vị từ 1,5 đến 2 tiếng rồi đem phơi bằng cách xếp tay trên giàn tre đan phủ lưới. Sau 8-9 tiếng phơi, 4kg nhái tươi cho 1 kg nhái khô, giá bán tới 540.000 đồng/kg, thậm chí đến Tết còn tăng 30% mà không có hàng để bán. Đây là món ăn nổi tiếng miền Tây, được dân nhậu ưa thích, gọi với nhưng cái tên mỹ miều là "vũ nữ chân dài", "kiều nữ đại gia".
Dưa hấu ùn ứ tại Tân Thanh, giá chỉ 1.000 đồng/kg
Một tuần trở lại đây, dưa hấu tại miền Trung và Tây Nam Bộ đang vào vụ thu hoạch chính. Mỗi ngày, có hàng trăm xe tải chở dưa hấu kéo lên cửa khẩu Tân Thanh chờ thông quan để bán sang Trung Quốc. Lượng xe tăng đột biến trong khi khả năng thông quan hạn chế khiến hàng ngàn xe dưa ùn ứ tại đây, dưa hấu bị phơi nắng giảm chất lượng, giá hạ mạnh.
Không bán được dưa qua biên giới, nhiều xe đã quay lại đổ dưa bán tại một số khu vực giáp Hà Nội với giá chưa đến 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, dưa mua tại ruộng có nơi chỉ còn 600 đồng/kg, khiến nông dân đối mặt với khoản lỗ lớn.
Tuy nhiên, tại Hà Nội và một số thành phố lớn, giá dưa đến tay người tiêu dùng vẫn đang duy trì ở mức 8.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Phải mua dưa qua nhiều khâu trung gian, chi phí chuyên chở lớn... là những nguyên nhân làm dưa đội giá, trong khi phần chênh lệch này người dân không được hưởng.
"Đại gia" rút lại 10,5 tỷ đồng chuộc nhà Chánh Tín
Sau khi nhận đủ số tiền của nhóm doanh nhân góp chuộc nhà cho nghệ sĩ Chánh Tín, phía ngân hàng và nhóm này lại không thống nhất được những cam kết về việc để cho gia đình nghệ sĩ này sử dụng ngôi nhà và mục đích mua lại... Vì vậy, chỉ 4 ngày sau đó, nhóm doanh nhân đã rút hết số tiền 10,5 tỷ đồng ra khỏi tài khoản dự tính để chuộc lại căn nhà.
Theo đại diện Ngân hàng Phương Nam, ngân hàng này sẽ tạo điều kiện tối đa cho nghệ sĩ Chánh Tín được ở lại căn nhà đến hết thàng 9/2014 theo yêu cầu. Tuy nhiên, lý do mà gia đình nghệ sĩ này đưa ra để xin hoãn thi hành án chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý. Do đó, luật sư của ngân hàng Phương Nam cho rằng, nếu Chánh Tín bị bệnh nặng, ông phải đưa ra hồ sơ bệnh án hoặc bất cứ giấy tờ hợp pháp để chứng minh hoàn cảnh của mình. Mới đây có thông tin cho biết chiều 28/3, nghệ sĩ Chánh Tín đã phải vào viện cấp cứu vì sốc nặng.
"Sườn bò thơm cay" không sản xuất từ thịt bòGần đây, nhiều bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng khi món ăn khoái khẩu "Sườn bò thơm cay" của con em mình được bày bán tràn lan tại các quán ăn vặt trước cổng trường tiểu học, trung học cơ sở. Mỗi gói "sườn bò thơm cay" giá 3.000 đồng này là sản phẩm được sản xuất bởi công ty TNHH Sa Sa tại Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội - đơn vị đã nhiều lần bị xử lý vi phạm và từng bị đình chỉ sản xuất vào tháng 9/2012.
Theo mẫu phân tích, sản phẩm có màu đỏ khá giống thịt bò và ép miếng to, có thớ dọc. Kéo miếng “sườn bò” theo chiều dọc thì rất dai, khi xé thì tạo thành sợi dài theo từng thớ tròn nhỏ. Tuy nhiên, trong thành phần lại không có thịt bò, chỉ gồm bột mỳ, nước, dầu thực vật, đường, muối, ớt, bột gia vị, mỳ chính và phụ gia hương liệu. Trước đó, thông tin về việc sản phẩm này được sản xuất từ xốp đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại cho sức khỏe của trẻ.
Kinh doanh cóc bao tử miền Tây ở Hà Nội
Tại Hà Nội, từ khoảng 2 tháng nay, cóc bao tử được bán nhiều cả ở cửa hàng và trên các diễn đàn mua bán, mạng xã hội. Giá bán của loại quả này khi chưa gọt vỏ là 32.000 đến 35.000 đồng/kg, đã gọt là 40.000 đồng. Muối tôm ăn kèm được bán với giá 25.000-30.000 đồng/lạng, tuy đắt nhưng vẫn cháy hàng vì được rất nhiều người ưa thích.
Mỗi ngày, đầu mối có thể bán được 100-200 kg cóc bao tử, có ngày lên tới 300 kg cho cả mối mua buôn và lẻ. Cóc được nhập từ An Giang, muối tôm lấy từ Tây Ninh, với đối tượng mua chủ yếu là sinh viên, học sinh, dân văn phòng.