Là “tín đồ” của cóc bao tử, Ngọc, nhân viên một công ty quảng cáo trên phố Trung Kính cho biết, có ngày, vừa ngồi lướt mạng, cô ăn hết gần 2 kg cóc chấm với muối tôm. Ngọc nói, cóc non có vị chua ngọt đan xen, ăn giòn, và đặc biệt “ton sur ton” với muối tôm, nên ăn mãi không chán. Cô thường mua cóc trên mạng, với giá phổ biến 30.000-40.000 đồng/kg cóc non và khoảng 25.000-30.000 đồng/lạng muối tôm. “Giờ trên mạng bán nhiều lắm, nhấc điện thoại lên là người ta mang đến tận nhà, cả quả và muối luôn, muốn ăn bao nhiêu cũng có”, Ngọc nói.
Mỗi ngày, chị Hà bán được 100-200 kg cóc bao tử, có ngày lên tới 300 kg cho cả mối mua buôn và lẻ. Ảnh: KN. |
Từ khoảng 2 tháng nay, cóc bao tử được rao bán nhiều trên các diễn đàn mua bán và mạng xã hội. Chị Trang, ở Nghi Tàm (Hà Nội) - chủ đầu mối cung cấp loại quả này cho những người kinh doanh online, cho biết giá bán hiện tại là 32.000 đồng/kg cóc chưa gọt vỏ. Mới bỏ mối buôn từ gần 2 tháng nay, song lượng khách hàng của chị đã khá đông. Khách hàng thường là dân văn phòng, học sinh sinh viên. Những mối buôn cũng nhập hàng để bán cho các đối tượng này.
Chị Hà (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) đang bán cóc non trên mạng xã hội, cho biết việc kinh doanh loại quả này đến với chị khá ngẫu nhiên. “Ăn thấy ngon và ‘ghiền’ luôn, mà hỏi đâu cũng cháy hàng, nên mình nảy ý tưởng bán loại quả này. Khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ, dân công sở”, chị Hà tiết lộ.
Chị Hà cho biết, mới bán được khoảng 2 tháng, nhưng lượng khách mua buôn và mua lẻ đã kha khá. Bình quân mỗi ngày, khách lẻ mua chừng trên dưới 10 kg, nhưng khách buôn có khi 200-300 kg. Giá cóc chưa gọt vỏ là 35.000 đồng/kg, đã gọt 40.000 đồng kg. Riêng loại dầm sẵn, chị Hà bán 25.000 đồng/hộp, và cho biết có giá tốt hơn cho các mối lấy buôn. Trang mạng xã hội chuyên bán cóc bao tử của chị Hà mới mở được 15 ngày nhưng đã thu hút hàng trăm lượt thích, bình luận và có một số khách hàng thân thiết nhất định.
Loại đã dầm sẵn được bán theo hộp, với giá 25.000 đồng/hộp. Ảnh: KN. |
Cóc bao tử được chị Hà nhập hàng ngày về Hà Nội từ các tỉnh miền Tây. “Bây giờ đang là mùa cóc ở An Giang, mình nhập cóc tại đây, kèm thêm muối tôm Tây Ninh luôn. Cóc non nên dễ bị dập, hư, nên phải nhập hàng ngày, ngày nào bán hết ngày đó”. Theo chị, khâu đóng gói và vận chuyển là quan trọng nhất khi thu mua cóc non từ các tỉnh miền Tây ra Hà Nội, do quả dễ bị hỏng. Sau khi nhận hàng, chị Hà phải phân loại, lọc bỏ những quả kém chất lượng. Quả cóc bao tử bắt mắt vì có màu xanh non rất đẹp, nên những quả nào không đạt chuẩn rất dễ nhận ra.
“Không rõ các năm trước, cóc non đã có ở Hà Nội hay chưa, nhưng thấy chủ yếu người ta ăn xoài, sấu dầm. Nhưng năm nay, cóc bao tử gần như thành xu hướng kinh doanh của nhiều người bán đồ ăn vặt cho dân văn phòng, sinh viên, học sinh”, chị Hà nói.