- Phái đoàn Nga và Ukraine gặp nhau ngày 28/2 tại biên giới Belarus - Ukraine
- Yêu cầu của phía Ukraine là Nga lập tức ngừng bắn và rút quân
- EU bắt đầu thảo luận về việc kết nạp Ukraine
- Mỹ đình chỉ hoạt động tại Đại sứ quán ở Belarus
- Nga đóng cửa không phận với 36 nước, vùng lãnh thổ
- Ông Putin và ông Macron điện đàm 30 phút
Những tiếng nổ lớn xuất hiện vào khoảng 18h40 ngày 28/2, theo giờ địa phương, ở phía đông trung tâm thành phố Kyiv, theo CNN.
Đây được cho là những tiếng nổ lớn nhất trong ngày. Những tiếng nổ này vang lên sau hồi còi cảnh báo trên khắp thành phố.
Trong khi đó, hãng tin Ria dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết buổi đàm phán hôm 28/2 giữa Nga và Ukraine đã khép lại. Hai phái đoàn sẽ quay lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn thêm rồi sẽ tham gia buổi đàm phán thứ hai.
Cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong những ngày tới, hãng thông tấn nhà nước Belarus dẫn lời phái đoàn Nga cho hay.
Phái đoàn Nga nói với Belarus News rằng họ đã "nắm bắt những điểm nhất định và từ đó có thể đoán định được lập trường chung".
Hình ảnh từ cuộc đàm phán Nga - Ukraine ở Belarus. Ảnh: TASS. |
Trước đó khoảng một giờ, cũng từng có tin cuộc đàm phán kết thúc nhưng ngay sau đó kênh truyền hình nhà nước Rossiya 24 của Nga khẳng định quá trình thương lượng vẫn đang diễn ra.
Theo tiết lộ từ ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, cuộc đàm phán diễn ra trong ba vòng.
Cuộc đàm phán của phái đoàn Nga và Ukraine đã diễn ra ở gần biên giới Ukraine - Belarus ngày 28/2 sau gần 2 tiếng trì hoãn so với lịch trình ban đầu.
Phái đoàn Nga gồm có trợ lý tổng thống Nga Vladimir Medinsky và người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky, cùng một số quan chức khác.
Bên phía Ukraine có Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cùng các quan chức chủ chốt khác, trong đó có một cố vấn thân cận của tổng thống và thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trợ lý tổng thống Nga Vladimir Medinsky, trái, và người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky tới cuộc đàm phán. Phía sau là phái đoàn Nga. Ảnh: Sputnik. |
Phía Ukraine cho biết mục tiêu đàm phán là "ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân khỏi Ukraine".
Điện Kremlin từ chối đưa ra bình luận về mục tiêu tại cuộc đàm phán, song ông Vladimir Medinsky khẳng định Moscow muốn đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp lần đầu sau 40 năm
Lần đầu tiên kể từ năm 1982, Hội đồng Bảo An triệu tập Phiên họp Đặc biệt Khẩn cấp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ ngày 28/2.
Chủ tịch Đại hội đồng Abdulla Shahid (Maldives) tiếp tục lời kêu gọi các bên liên quan đến xung đột tại Ukraine ngừng bắn ngay lập tức.
Ông Shahid nói rằng các bên nên sử dụng cơ hội đối thoại "hiếm có" để "giảm leo thang một cách có ý nghĩa và nhanh chóng".
Ông Macron trao đổi với ông Putin
Trao đổi với ông Putin trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút ngày 28/2, theo yêu cầu của Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định Nga cần dừng tấn công Ukraine, cũng như sự cần thiết cần ngừng bắn ngay lập tức.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng về vụ tấn công của Nga tại Ukraine, ở Điện Elysee, Paris hôm 28/2. Ảnh: AP. |
Đồng thời, ông Macron yêu cầu trong thời gian hai bên đàm phán, Nga sẽ dừng tấn công, bảo toàn cơ sở hạ tầng dân sự, và đảm bảo an toàn cho mọi con đường chính, đặc biệt là con đường hướng về phía nam để rời Kyiv.
Tổng thống Putin “xác nhận sẽ sẵn sàng cam kết với 3 điểm trên”, Điện Elysee nói trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Nga hủy dự họp Liên Hợp Quốc
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy tham dự cuộc họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, do Liên minh châu Âu (EU) đã đóng không phận với máy bay Nga, CNN dẫn tuyên bố của phái đoàn Nga tại Geneva.
EU ngày 27/2 đã đóng không phận với máy bay và các hãng hàng không Nga, như một phần của các lệnh trừng phạt để đáp trả việc Moscow tấn công Ukraine.
Nga đóng cửa không phận với 36 nước, vùng lãnh thổ
Nga đã đóng cửa không phận với 36 nước và vũng lãnh thổ, trong số đó có những quốc gia đã đưa ra động thái tương tự với Nga, bao gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Canada.
Thông tin trên do hãng thông tấn TASS công bố ngày 28/2.
Trước đó, hàng loạt nước phương Tây đã đóng cửa không phận với máy bay từ Nga.
Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) hôm 27/2 cho biết sẽ cấm mọi máy bay do một cá nhân hoặc pháp nhân của Nga sở hữu hoặc điều khiển, cũng như máy bay đăng ký tại Nga, sử dụng không phận.
Anh cũng có lệnh cấm tương tự.
Những lệnh cấm này, cùng với hệ quả từ việc Nga tấn công Ukraine, đang tạo ra những vùng cấm bay có diện tích khổng lồ.
Những hãng hàng không đường dài thông thường bay qua Đông Âu để tới châu Á đang buộc phải hủy chuyến hoặc đổi đường bay.
Tới ngày 28/2, Mỹ chưa cấm máy bay Nga khỏi không phận nhưng hãng hàng không Delta của Mỹ đã dừng thỏa thuận liên danh với Aeroflot, hãng hàng không lớn nhất của Nga.
Nga: Đàm phán nên được tổ chức trong lặng lẽ
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối bình luận về triển vọng của cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine và kêu gọi mọi người hãy để đoàn đàm phán làm việc một cách yên lặng, theo trang Interfax ngày 28/2.
"Tôi đề nghị chúng ta nên đợi cuộc đàm phán. Tôi không muốn công bố bất kỳ yêu cầu nào, Sau cùng, cuộc đàm phán nên được tổ chức trong lặng lẽ", ông Peskov trả lời trong một cuộc họp báo ngày 28/2 trước câu hỏi về mục tiêu của Nga tại các cuộc đàm phán.
"Điều đáng tiếc duy nhất là cuộc đàm phán đã không bắt đầu một ngày trước khi chúng tôi có cơ hội. Bạn biết đấy, phái đoàn của chúng tôi đã đợi ở đó, ở Belarus, trong một thời gian dài, và có thể bắt đầu đàm phán chỉ sau một đêm. Phái đoàn của chúng tôi đã sẵn sàng lúc nửa đêm, lúc 1h sáng và lúc 2h sáng, nhưng bên đối diện chỉ mới đến gần đây", ông nói.
Máy bay chở phái đoàn Ukraine hạ cánh đến vùng Gomel của Belarus để tham gia cuộc đàm phán với Nga ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Ukraine đã từ chối đàm phán vì cho rằng Belarus không phải một lãnh thổ trung lập. Belarus đã để cho quân Nga từ đó tiến vào Ukraine.
Mỹ đình chỉ hoạt động tại Đại sứ quán ở Belarus
Mỹ hôm 28/2 đình chỉ các hoạt động tại đại sứ quán của nước này ở Minsk, Belarus.
Trong khi đó, các nhân viên phi khẩn cấp và thành viên trong gia đình được phép tự nguyện rời Đại sứ quán Mỹ ở Moscow.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các quyết định này được đưa ra do vấn đề an ninh và an toàn xuất phát từ cuộc tấn công của lực lượng quân đội Nga ở Ukraine.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo các công dân nước này cân nhắc rời khỏi Nga ngay lập tức.
“Ngày càng nhiều hãng hàng không hủy các chuyến bay đến và rời khỏi Nga, trong khi nhiều quốc gia đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga. Công dân Mỹ nên xem xét rời Nga ngay lập tức thông qua các lựa chọn hiện có”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 27/2.
Tháng trước, Mỹ đã cảnh báo công dân nước này không nên đến Nga vì căng thẳng dọc biên giới với Ukraine cũng như "khả năng gặp rắc rối đối với công dân Mỹ, cũng như sự hạn chế của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ công dân Mỹ ở Nga".
Belarus đảm bảo đại biểu của Ukraine và Nga sẽ "an toàn"
Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei hoan nghênh phái đoàn từ Ukraine và Nga đến hội đàm ngày 28/2, đảm bảo với các đại biểu rằng họ sẽ cảm thấy “hoàn toàn an toàn”, CNN đưa tin.
“Tổng thống Aleksandr Lukashenko chân thành hy vọng rằng, trong cuộc hội đàm hôm nay, có thể tìm ra giải pháp cho tất cả các vấn đề của cuộc khủng hoảng này. Tất cả người dân Belarus đang cầu nguyện cho điều đó", ông Makei nói.
Lực lượng hạt nhân Nga trong trạng thái sẵn sàng
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng lực lượng hạt nhân trên bộ, trên không, tàu ngầm đã được đặt trong trạng thái "cảnh báo", như những gì ông Putin đã ra lệnh ngày 27/2.
Cùng với đó, Sputnik dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nga cho biết Lực lượng tên lửa chiến lược, hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương, Bộ tư lệnh hàng không tầm xa bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cùng lực lượng tăng cường.
Ngày 27/2, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho lực lượng hạt nhận tiến hành "nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt".
Vatican muốn trợ giúp cuộc đàm phán Nga - Ukraine
Ông Pietro Parolin, quan chức cấp cao của Vatican sau Giáo hoàng Francis, nói với tờ Corriere della Sera của Italy rằng ông tin "vẫn còn và luôn có chỗ cho đàm phán. Không bao giờ là quá muộn".
Ông Parolin nói thêm rằng Vatican luôn theo dõi sát các diễn biến ở Ukraine, và "sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại với Nga, luôn sẵn sàng giúp đỡ các bên để nối lại con đường này".
Đồng rúp mất giá ở mức kỷ lục
Đồng rúp của Nga ngày 28/2 đã mất giá gần 30% so với mức đóng cửa hôm 25/2 vì các lệnh trừng phạt "mạnh tay" của phương Tây.
Có thời điểm 119.5 RUB mới đổi được 1 USD, theo CNBC.
Để đối phó với tình hình trên, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%. Bên cạnh đó, bơm 733 tỷ rúp (tương đương 8,78 tỷ USD) trong dự trữ ngân hàng địa phương để tăng tính thanh khoản.
Hơn nửa triệu người rời khỏi Ukraine
Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 28/2 cho biết hơn 500.000 người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch vào tuần trước.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi đã đưa ra con số trên trong một đăng tải trên Twitter.
Xếp hàng rồng rắn bên ngoài siêu thị ở Kyiv
Những hàng dài xuất hiện tại các siêu thị trên khắp Kyiv, sau khi lệnh giới nghiêm kéo dài 36 giờ được dỡ bỏ ở thủ đô Ukraine ngày 28/2.
Người dân xếp hàng dài bên ngoài siêu thị ở Kyiv ngày 28/2. Ảnh: CNN. |
Lệnh giới nghiêm được đưa ra từ 17h chiều 26/2 cho đến 8h giờ sáng 28/2, trong đó tất cả cư dân được yêu cầu ở nhà.
CNN cho biết nhiều người đổ về ba siêu thị ở Kyiv cho biết những hàng người rất dài và các kệ hàng đang nhanh chóng trống trơn.
Kệ hàng trống trơn trong siêu thị ở Kyiv ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Điện Kremlin: Lệnh trừng phạt nghiêm trọng nhưng Nga có thể chống đỡ
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận các lệnh trừng phạt của phương Tây rất nghiêm trọng nhưng khẳng định nước Nga có đủ khả năng để chống đỡ lại thiệt hại.
“Đây là những lệnh trừng phạt nghiêm trọng và rất có vấn đề, nhưng Nga có năng lực để bù đắp lại những thiệt hại mà lệnh trừng phạt ấy gây ra”, ông Peskov nói với phóng viên hôm 28/2, theo Interfax.
Hãng tin nhà nước Nga bị tin tặc tấn công
Trang web của hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã bị tấn công ngày 28/2.
Reuters kiểm tra từ một số thiết bị cho thấy trang web thông thường được thay thế bằng một thông điệp kêu gọi ngăn chặn cuộc tấn công vào Ukraine và ký tên nhóm tin tặc Anonymous.