Ngay giữa sảnh chính Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại TP Điện Biên là gian trưng bày “Tình yêu trong chiến tranh”. Trong số nhiều hình ảnh và hiện vật về chủ đề này, nổi bật là tấm ảnh cưới của chú rể Cao Văn Khánh và cô dâu Nguyễn Phước Ngọc Toản được tổ chức vào tháng 5/1954.
Ca khúc tân hôn
Chú rể - Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Đại đoàn phó Đại đoàn 308, sau này là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đã mất cách đây hơn hai thập niên. Cô dâu ngày nào nguyên là y tá, giờ là GS-BS Nguyễn Phước Ngọc Toản, đang nghỉ hưu tại nhà riêng ở phố Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ngoài bức ảnh đám cưới đang trưng bày tại bảo tàng, một số ảnh về đám cưới như ảnh hai người trên tháp pháo xe tăng trên đồi A1, trên nóc hầm Đờ Cát hiện vẫn được treo trang trọng tại nhà bà.
Đám cưới diễn ra vào ngày 22/5/1954 tại hầm Đờ Cát và trên đồi A1. Trong bức ảnh chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu mặc đồ bình thường. Hội trường đám cưới được chọn là khoang lớn nhất trong hầm Đờ Cát, tại đó đồng đội treo khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Sau màn tuyên bố, chú rể hát bài Bộ đội về làng, cô dâu hát bài Em bé Mường La để cảm ơn đồng đội và mừng chiến thắng.
Buổi sáng 5/5/2014, trong dòng người về tham quan bảo tàng có nhiều thân nhân liệt sĩ và cựu binh đã tham gia chiến dịch, không ít người bật lời khen: Quân đội và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật nhân văn khi cho tổ chức đám cưới ngay trong hầm Đờ Cát.
Tình riêng - tình chung
Bà Nguyễn Phước Ngọc Toản vốn là nữ sinh con nhà hoàng tộc ở Huế, cha là một trong bốn vị thượng thư đầu tiên của triều Nguyễn, mẹ sinh ra trong một gia đình quý tộc có con gái lấy vua Thiệu Trị. Bà Toản gặp và yêu ông Khánh từ khi còn là nữ sinh trường ĐH Y khoa Việt Bắc. Họ chuẩn bị làm đám cưới thì cuối năm 1953 Đại đoàn 308 của ông Khánh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước ngày ra trận, ông đã tìm gặp bà và cùng hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm đám cưới tại quê hương.
Ông bà Khánh - Toản chụp trên xe tăng ở đồi A1 (tháng 5-1954). Ảnh: Tư liệu. |
Trong hồi ký còn lưu giữ, Đại tá - Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh viết trong ngày sinh nhật lần thứ 37 của ông (1/5/1954) là thời điểm “Vòng vây đã sát địch, cách 60 m, có chỗ 20-30 m, tình hình rất khẩn trương”. Dù đã chín lần đón sinh nhật tại chiến trường nhưng lần này với ông Khánh lại khác: Ông đã có bà. Ông viết: “Trước giờ phút quyết liệt, anh nghĩ đến bộ đội, đến em. Anh hy vọng rằng những chiến sĩ bị thương do sơ suất, những khuyết điểm của anh trong chỉ huy chiến đấu sẽ được bổ khuyết bằng sự chăm sóc dịu dàng của em”.
Và đến khi chiến dịch kết thúc với việc bắt sống toàn bộ tướng lĩnh quân đội Pháp, ông Khánh đã gửi thư ngay cho bà. Lá thư đề ngày 7/5/1954, Đại tá Khánh nghẹn ngào: “Em thân yêu! Ngày hôm nay là một ngày vui lớn của toàn quân, toàn thể nhân dân chúng ta. Ta đã đánh gục kẻ thù ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ, bắt tù binh hơn một vạn quân với toàn bộ đại bác, xe tăng của chúng... Toàn quân, toàn dân phấn khởi trước chiến thắng vĩ đại đó.
Nhân dân dân chủ chia vui với chúng ta, vì đó cũng là một thắng lợi để củng cố nền hòa bình thế giới. Quân đội ta đã trưởng thành mau chóng, dù còn rất nhiều khuyết điểm. Em hãy lặng yên nhắm mắt để tưởng tượng niềm vui sướng của toàn thể nhân dân. Anh gửi cho em nỗi vui sướng của đơn vị ta sau những chiến thắng dồn dập. Anh gửi em nỗi vui sướng của lòng anh, trước sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó đoàn ta đã góp vào một phần xây dựng”.
Gác lại tình riêng
Sau ngày chiến thắng, những tưởng có thể trở về để làm đám cưới như ước hẹn, đến ngày 11/5/1954 Đại tá Khánh bất ngờ nhận nhiệm vụ mới là thực hiện việc trao trả tù binh cho Pháp. Ông đã báo tin ngay cho bà trong bức thư cùng ngày: “Hôm nay anh nhận được một nhiệm vụ mới của Tổng Quân ủy vừa giao cho, phụ trách giải quyết cho xong mọi việc ở Điện Biên Phủ trước khi về: Chỉ huy bộ đội phòng ngự Điện Biên Phủ; chỉ huy các bộ phận chuyên môn và cả tù binh phải vào làm việc trong Điện Biên Phủ (lính chuyên môn của địch mà ta dùng như công binh, lái xe tăng, thợ nhà máy...); giao trả 1.500 thương binh ở Điện Biên Phủ cho Pháp. Công việc tuy có nặng nhưng anh cũng cố gắng làm cho hoàn bị trong thời gian ngắn. Còn việc đi về của chúng ta, bây giờ hãy để lại sau”.
Thư của vợ chồng ông Khánh - bà Toản gửi cho nhau. Ảnh: Tư liệu. |
Dường như suốt chín năm qua, ông chưa từng dành chút riêng tư nào cho mình, nay tưởng đã xong thì lại phải bắt tay xử lý hậu quả của chiến trường. Đại tá Khánh đã nhẫn nại thực thi bổn phận như ông đã từng làm sau chiến dịch Biên giới trước đó. Thế nhưng một điều bất ngờ là trong khi ông bận rộn làm nhiệm vụ thì đồng đội đã âm thầm lên kế hoạch tổ chức đám cưới cho ông.
Chính ủy mặt trận - ông Trần Lương thấy hoàn cảnh ông Khánh như vậy đã đề xuất xin phép cho bà Toản ra mặt trận Điện Biên với lý do “Để làm nhiệm vụ thông báo cho cô Geneviève de Galard - nữ tù binh Pháp duy nhất ở Điện Biên Phủ về quyết định ân xá của Hồ Chủ tịch”.
Món quà bất ngờ từ đồng đội
Theo lệnh, ông Khánh liền viết thư thuyết phục bà: “Độ 18/5, em nên xin phép nghỉ… rồi ra ngoài Điện Biên. Một là để xem cho biết Điện Biên Phủ, hai là để về cùng với anh cho tiện. Như thế khỏi phải tìm nhau, mất thì giờ và có thể lạc. Em cũng cần ra xem cho biết chiến địa lịch sử này... Vả lại thời gian này có điều kiện, tại sao ta không tranh thủ để gần nhau, nhất là trong khung cảnh chiến thắng lịch sử này, phải không em?”.
Ông bà Khánh - Toản trong một lần trở lại chiến trường xưa. Ảnh: Tư liệu. |
Nhận được thư, ngày 18/5, bà Toản rời Đội điều trị 2 theo người liên lạc đi bộ suốt cả đêm đến gặp ông Khánh. Lúc đó ông đang nằm ngủ, giật mình choàng dậy khi nghe cần vụ báo tin: “Chị Toản đã đến đây rồi!”. Bà nhớ lại: “Anh kéo tôi xuống ngồi trên cái ghế vải và không kìm được lòng, anh ôm ghì lấy và hôn tôi tới tấp trên tóc, trên mắt, trên môi: “Ôi em đây rồi, không phải anh mơ chứ? Anh đã có em thật rồi, hạnh phúc quá! Em đi có mệt không? Cảm ơn em, cảm ơn các đồng chí”.
Ngày hôm sau, họ cùng dự kỷ niệm sinh nhật Bác. Hôm sau nữa, ông dắt bà đi tham quan Mường Thanh, đồi A1 với các trận đánh của F308, F312, F304. “Anh chỉ cho tôi xem những nơi giao tranh kịch liệt, bao nhiêu sự kiện dữ dội và xúc cảm choáng ngợp”. Sau đó ông bà tính trở về nhưng Chính ủy mặt trận - ông Trần Lương đã không đồng ý và nói ngay: “Nên tổ chức cưới ngay tại đây chứ đừng đợi về đơn vị ở hậu phương nữa”. Tướng Giáp đã đồng ý để họ làm hôn lễ trong hầm Đờ Cát vào ngày 22/5/1954 và một “đám cưới trên nòng pháo” đầy nhân văn như thế đã diễn ra.