Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Súng đạn, hỏa tiễn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Tiểu liên, trung liên, vỏ đạn cối, pháo cao xạ, mìn ghém, lưỡi lê và nhiều thiết bị vũ khí khác đang được trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên Phủ mới khánh thành chiều 5/5.

Rất nhiều vũ khí và hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn và được lưu giữ tại Bảo tàng mới khánh thành chiều 5/5 ở thành phố Điện Biên Phủ.
Vỏ đạn cối 82 mm của Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 sử dụng trong trận đánh cứ điểm Độc Lập 15/3/1954.
Vỏ và đầu đạn pháo 105 mm, một trong những quả đạn đầu tiên mà Đại đội lựu pháo 806, Trung đoàn pháo binh 45, Đại đoàn 351 bắn vào cụm cứ điểm Him Lam lúc 17h5 ngày 13/3/1954.
Lựu đạn của Đại đội 5, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 sử dụng trong trận đánh cứ điểm Độc Lập ngày 15/3/1954.
Súng trung liên của Pháp ta thu được (tháng 5/1954).
Súng tiểu liên Tuyn của chiến sĩ thuộc Đại đội 19, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 chống địch phản kích hòng chiếm lại sân bay, diệt 13 tên địch (20/4/1954).
Sưu tập đạn cối 60, 81, 120 của Pháp mà quân đội Việt Nam thu được năm 1954.
Súng tiểu liên Mos của Trung đoàn 141 sử dụng tiêu diệt 14 tên địch, đập tan ba đợt tiến công của địch ở sân bay Mường Thanh (20/4/1954).
Súng DKZ 75 mm do Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 sử dụng chiến đấu trong trận đánh tại cứ điểm đồi D (4/1954).
Súng trường của tổ bắn tỉa do đồng chí Ngô Hên chỉ huy tiểu đoàn 346, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 diệt 6 tên địch ở suối Cụt Hồng Cúm (16/4/1954).
Súng DKZ 57 mm, sử dụng trong trận đánh Him Lam của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (13/3/1954).
Lưỡi lê của chiến sĩ xung kích Đại đội 38, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 216 sử dụng trong trận đánh cứ điểm C2 (7/5/1954).
Dù do Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 thu được của Pháp tại Hồng Cúm (1/5/1954).
Dây kéo pháo vượt dốc vào vị trí tập kết của Đại đoàn 351.
Hỏa tiễn 6 nòng (H6, Cachiusa) do Liên Xô sản xuất viện trợ cho quân đội Việt Nam từng làm cho quân Pháp hoang mang, khiếp đảm bởi sự phát huy uy lực với tiếng gió rít ầm ầm cùng những loạt đạn bắn dồn dập, liên tục, không dứt vào các mục tiêu của địch. Ngày 22/4/1954, Tiểu đoàn Hỏa tiễn đầu tiên được thành lập tại một khu rừng già thuộc huyện Tuần Giáo. Tổng cộng đơn vị này có 12 dàn Hỏa tiễn H6. Các trận địa pháo của Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ hầu như bị tê liệt hoàn toàn, góp phần tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh xông lên tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều 7/5/1954.
Dây thừng giật cò lựu pháo 105 mm sử dụng trong đợt tấn công thứ nhất (3/1954).
Xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, dân công xã Thanh Lâu, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) dùng để chở gạo 337 kg phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tấm ghi sắt của quân đội Pháp sử dụng làm sở chỉ huy De Castries (11/1953).
Guốc chèn pháo của Trung đoàn lựu pháo 45, Đại đoàn 351 tự chế tạo để chèn bánh pháo (1/1954).

Hoàng Hà - Mạnh Thắng

Bạn có thể quan tâm