Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời điểm quyết định đánh Điện Biên Phủ qua ký ức tướng Thụy

“Đã 60 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh, sự kiện trong những tháng ngày mở Chiến dịch Điện Biên Phủ dường như chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí, là ký ức không thể nào quên”.

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ, trong lòng Trung tướng Đặng Quân Thụy, những dòng ký ức về những ngày tháng chiến đấu và chiến thắng huy hoàng đang cuộn trào, tuôn chảy.

Trung tướng Đặng Quân Thụy đang tìm lại ký ức một thời máu lửa của dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào. 

Hành quân trở lại Tây Bắc

Năm 1953 anh chiến sĩ Đặng  Quân Thụy được chỉ thị về Cục tác chiến, Bộ tổng tham mưu để tham gia công tác tại Sở chỉ huy tiền phương của Bộ, phục vụ cho việc mở chiến dịch Tây Bắc. Tại đây, chiến sĩ trẻ này được bổ sung vào bộ phận theo dõi tình hình chiến đấu của các đơn vị chủ lực và làm phái viên tác chiến của Bộ khi cần thiết.

Đầu tháng 11, Sở chỉ huy tiền phương bắt đầu lên đường. Đoàn quân hành quân bằng ô tô và việc di chuyển được tiến hành hết sức bí mật. Anh chiến sĩ trẻ rất đỗi vui mừng, không chỉ vì được tham gia vào chiến dịch lớn sắp diễn ra mà còn phấn khởi vì được trở lại Tây Bắc. Chiến trường này, năm 1952, anh được tham gia vào một chiến dịch, đã giải phóng một địa bàn rộng lớn từ Nghĩa Lộ (Yên Bái), Bình Lư (Lai Châu) cho đến Mộc Châu (Sơn La). Cuộc hành quân của chiến sĩ Đặng  Quân Thụy ngày đó thật  nhiều cảm xúc, qua những dãy núi cao chót vót với những cánh rừng già sum suê, nơi có nhiều chỗ dừng chân tốt và che chở kín đáo cho những đoàn xe cơ giới của ta lên tiền tuyến.

Bộ đội cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.

Về phía quân Pháp, tháng 12/1953, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm. Sở Chỉ huy của ta lúc đó do đồng chí Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng đã hình thành ý định tấn công vào Điện Biên Phủ. Theo đó, anh chiến sĩ Đặng Quân Thụy được lệnh đi cùng một đơn vị trinh sát lên nắm tình hình địch ở Điện Biên.

Đoàn quân hành quân tới sát Điện Biên, leo lên những ngọn núi cao xung quanh vùng lòng chảo để tìm chỗ đặt đài quan sát. Việc quan sát được tiến hành cả ngày và đêm, các vị trí được ghi lên bản đồ, một số vẽ thành sơ đồ. Các trinh sát viên vào sát vị trí của địch để nắm tình hình và bổ sung cho đài quan sát.

Lúc đó quân ta thấy rõ địch đã đổ bộ được một khối lượng khá lớn ô tô, pháo binh, xe tăng… và đang hối hả đào công sự, một số lính cởi trần đi chặt phá các bụi cây để phát quang cho các vị trí đóng quân... Sau mấy ngày đêm thu thập tình hình, anh chiến sĩ Quân Thụy  trở về Sở chỉ huy báo cáo tình hình và cơ quan tác chiến bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch tấn công địch ở Điện Biên Phủ.

Vì sao thay đổi phương châm “đánh chắc thắng chắc”?

Trong lúc các đơn vị của ta đang chuẩn bị cho cuộc tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thì địch đã có những thay đổi nhanh chóng. Về lực lượng, địch từ 6 tiểu đoàn, địch tăng cường lên 12 tiểu đoàn, bổ sung thêm pháo binh, xe tăng… nhằm xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh để thực hiện ý đồ chiến lược lớn.

Trước những thay đổi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy chiến dịch sau hơn 11 ngày đêm suy nghĩ, cân nhắc các mặt, thấy kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không đảm báo chắc thắng đã họp Đảng ủy và Bộ chỉ huy ra quyết định có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch. Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” đã thay cho phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Sự thay đổi lớn này là ấn tượng sâu sắc nhất đối với những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lúc bấy giờ. Với sự thay đổi dẫn đến nhiều vấn đề: pháo đã kéo vào trận địa lại được lệnh kéo ra và rất dễ bị lộ; chúng ta sẽ phải đào giao thông hào tiến sát vào địch, điều này vô cùng khó khăn, chưa kể đánh chắc tiến chắc là đánh dài ngày. Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất lúc bấy giờ là tư tưởng của cán bộ chiến sĩ.

Những yếu tố làm nên chiến thắng lẫy lừng. Ảnh: Tư liệu

Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân công Đại đoàn 35 làm nhiệm vụ kéo pháo ra, đồng thời công tác tư tưởng cho bộ đội được tiến hành rất khẩn trương.

Việc đưa pháo binh và phòng không vào trận địa trước đó cũng như phải kéo pháo ra khi phương châm tác chiến thay đổi là vô cùng quan trọng. Với tinh thần kiên quyết chấp hành mệnh lệnh và trí sáng tạo, công việc này tiến hành suôn sẻ, địch không hề hay biết dù được tiến hành ngay trong tầm khống chế của pháo binh và máy bay địch.

Lúc này, công tác chuẩn bị cho chiến dịch khẩn trương hơn bao giờ hết. Trong đó, làm trận địa là công việc vô cùng vất vả. Khi đào công sự, giao thông hào, có nhiều chỗ đất rất cứng, chưa kể đêm đêm chiến sĩ của ta phải nằm để đào dần dần, đào sâu hơn một chút thì có thể vừa ngồi vừa đào, trong khi địch thường xuyên bắn phá, ném bom vào trận địa. Thời điểm ấy, các chiến sĩ làm nhiệm vụ đào công sự không hề biết tình hình tiến triển của các trận địa, công lao lớn của họ, được các cơ quan tác chiến thu thập và ghi lên bản đồ hằng ngày để báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch. Khi chiến dịch kết thúc, nhìn lại hệ thống giao thông hào và chiến hào thì thấy đây giống như những mảng dây thòng lọng vô cùng vững chắc vây chặt lấy các cứ điểm của địch, làm chúng không thể nào thoát được.

Chiến thắng “chấn động năm châu”

Ngày 13/3/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh nổ súng tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ, mở màn cho chiến dịch đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp.

Vào thời điểm diễn ra các trận tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là cán bộ tác chiến nên anh lính trẻ Đặng Quân Thụy có may mắn được đi đến nhiều  mặt trận. Ngồi hồi tưởng lại, Trung tướng Đặng Quân Thụy còn nhớ như in những kỷ niệm tại cứ điểm 206, mặt trận phía Tây. Tại đây, ông được cùng tham gia sinh hoạt, nghiên cứu tình hình địch cùng anh em chiến sĩ ở trận địa. Ông nhớ những bữa cơm ăn cùng anh em ngay tại chiến hào, bữa cơm chỉ là vắt cơm nắm bọc lá, ăn với muối vừng, cá kho hoặc tép kho, vài miếng bí, thỉnh thoảng có thịt. Anh em chiến sĩ ngồi ăn trong khi bên ngoài, đạn pháo của địch vẫn đang bắn phá. Việc tắm rửa cũng phải phân công nhau, mấy ngày mới ra suối tắm một lần. Để có chỗ nằm ngủ, vách hầm, vách giao thông hào được khoét một khoảng đủ để người nằm lọt. Dù đối mặt với muôn vàn gian khó, hy sinh nhưng tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ vẫn không hề nao núng.

Kỷ niệm về vị Đại tướng của dân tộc không bao giờ phai mờ trong ký ức những người lính cụ Hồ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đợt tấn công mở màn đã thành công với chiến thắng Him Lam. Tiếp đó, ta lần lượt giành thắng lợi ở các trận đánh khác, tạo thế và lực để đêm ngày 6/5/1954, quân ta tấn công vào đồi A1, giành thắng lợi hoàn toàn vào chiều ngày 7/5, khi Tướng De Castrie cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của Pháp đầu hàng.

Lúc này, không thể tả hết niềm vui trong Sở chỉ huy chiến dịch. Mọi người reo hò, cười nói, hoan hỷ rất lâu. Trong cái đêm lịch sử ấy, nhiều người, trong đó có anh lính trẻ Quân Thụy đã không ngủ được vì niềm sung sướng và hạnh phúc tột cùng. Hai ngày sau, anh lính được lệnh báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy chiến dịch và lần lượt đưa Đại tướng lên đồi A1, tới Sở chỉ huy của địch, sau đó đi dọc sân bay để nghiên cứu hệ thống phòng thủ của địch. Lúc bấy giờ, nhìn thấy khối lượng lớn tù binh của địch cùng lượng lớn súng ống, xe tăng, đạn dược ngổn ngang trên các công sự, các anh mới chỉ thấy đây là thắng lợi to lớn. Nhưng qua Hội nghị tổng kết, được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết và nghe Bác Hồ trò chuyện, các chiến sĩ mới hiểu ra thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị và quân sự, không những đối với tình hình chung của nước ta mà còn đối với cục diện thế giới.

Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu

Sau chiến thắng, Sở chỉ huy tiền phương được lệnh trở về căn cứ ở Thái Nguyên. Trong lòng anh lính vui mừng khôn xiết, nhất là vừa đóng góp được một phần nhỏ bé vào thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa to lớn. Đến lúc ngồi trên xe ô tô, chiến sĩ này mới có điều kiện để nghĩ tới gia đình.

Tháng 2/1954, được tin vợ sinh con trai đầu lòng, anh lính trẻ vô cùng vui mừng, mong được về thăm con.  Nhưng tình hình chuẩn bị chiến đấu rất khẩn trương nên phải tạm gác lại. Thế nhưng, ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ Đặng Quân Thụy lại nhận được lệnh tham gia viết tổng kết chiến dịch, sau đó lại đi vào Quân khu 5 để giới thiệu kinh nghiệm tác chiến Điện Biên Phủ, cho nên hơn hai tháng sau, anh mới được về thăm vợ con.

“Trong những ngày này, tôi xin bày tỏ lòng tưởng nhớ chân thành tới các đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ và những đồng bào đã cống hiến quên mình cho thắng lợi. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được làm nên bởi sức mạnh của cả dân tộc, chiến thắng đó đã ảnh hưởng sâu sắc, tạo cho tôi một bước trưởng thành lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong suốt cả cuộc đời”, kết thúc buổi trò chuyện, Trung tướng Đặng Quân Thụy rưng rưng nước mắt khi nói về đồng đội.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm