Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đám cưới giữa rừng của hai nhà báo Giải phóng

“Lễ tuyên hôn với mấy vị lãnh đạo và đại diện đồng hương Củ Chi ngồi quanh chiếc bàn họp giao ban hằng ngày, mặt bàn bện bằng nan tre", nhà báo Nguyễn Hồ kể.

Năm 1971, cơ quan có chuyến đưa người ra Bắc đào tạo, Hiền trong diện đó. Lúc này chúng tôi đã là đôi bạn nhưng chưa tiện công khai.

Hiền nằm bịnh xá, tôi ở cơ quan, trao đổi cả chục trang thư mà vẫn chưa quyết định chuyện đi hay ở. Cuối cùng, khi tôi khuyên Hiền nên đi vì sức khỏe và nghề nghiệp (Nhà báo Thép Mới trước khi đi cũng dặn dò như vậy).

Trương Trọng Nghĩa đã ra Hà Nội viết thư về cho tôi, báo tin đang học văn hóa, ngoại ngữ chuẩn bị du học. Được như Nghĩa không dễ đâu, tôi động viên Hiền cương quyết ra đi. Song, việc Hiền cũng không đơn giản là cùng mắc võng trên đường Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm trở thành ước mơ đầy lãng mạn.

Quyet liet song anh 1

Vợ chồng nhà báo Nguyễn Hồ - Minh Hiền năm 1973 trong chiến khu Lò Gò. Ảnh: Tư liệu gia đình Nguyễn Hồ - Minh Hiền.

Dạo ấy, đường Trường Sơn gian khó nhưng vô cùng hấp dẫn, ngày nào không nghe hát Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây là cảm thấy còn thiếu một cái gì đó. Nếu được ngược đường Trường Sơn ra Bắc chắc tôi cũng sẽ quảy ba lô lên đường ngay.

Nhà báo Bùi Kinh Lăng, Trưởng Tiểu ban B18 gặp Hiền. Ông thẳng thừng khuyên Hiền không nên đi. Ông nói đâu cũng là chiến trường, đâu cũng là chiến sĩ, đâu cũng học tập, ở lại hay đi không hơn kém gì nhau đâu. Nghề cầm bút, không gì thay thế được nỗ lực của bản thân. Ông để Hiền suy nghĩ và quyết định.

Với tôi, ông nói: Chú mày đã 29 rồi, còn Hiền 20, thương nhau thật lòng thì hãy cưới nhau rồi có đi đâu thì đi, đừng ham hoài “con thuyền không bến”. Để tôi suy nghĩ, hồi lâu sau, ông nói tiếp: Chiến tranh mà. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ông bỏ nửa chừng câu nói và dành cái kết cho tôi.

Lúc bấy giờ đã có những cặp đôi cưới nhau, từ Bắc về, mang cách sống Hà Nội đến với rừng chiến khu. Tà áo cưới thướt tha, khăn voan đội đầu, nhẫn cưới trao tay. Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều. Dù đã xa lâu rồi, tôi nhớ câu hát bolero ấy. Nhưng tôi chọn tiệc trà và tà áo bà ba. Chỉ cần nhờ căn tin mua đường chảy, đậu phộng về ngào kẹo là đủ.

Tôi sợ Hiền buồn, hỏi, em thấy sao? Nhưng bạn ấy còn chì hơn tôi. Hiền nói: Mình xin cơ quan năm phút được không anh? Chỉ cần chú Sáu Lăng tuyên bố là xong. Ván đã đóng thuyền. Tôi sờ lên bờ vai gầy yếu của mình, cảm thấy nhẹ như không. Trước đây tôi e dè, ngại cho cái bờ vai hờ hững của mình. Nhưng hình như Hiền thích nương tựa vào một bờ vai khác trong tôi, nên chuyện tiệc tùng, áo cưới không còn quan trọng nữa, Tự chủ, dựa vào chính mình đó mới là điều quan trọng.

Anh em trong đoàn thanh niên kéo nhau ra rừng đốn cây hái lá trung quân lợp mái nhà màu nâu đỏ như ngói. Một người từ chiến khu Lê Hồng Phong (BìnhThuận) là Hứa Công Định giúp tôi. Anh là cháu của sếp Tô Quyên. Hứa Công Định cũng là tên một tổ sản xuất xã hội chủ nghĩa đầu tiên của miền Bắc.

Rồi lại trùng hợp: Đinh Phong, phóng viên báo Nhân Dân là người viết về tổ sản xuất xã hội chủ nghĩa ấy của Hứa Công Định từ năm 1959. Khi về cơ quan báo thì Đinh Phong đã đi chiến trường nên Định chỉ thân với tôi. Hứa Công Định nổi tiếng là người khéo tay và chuyên cần bẩm sinh. Anh chăm chút ngôi nhà “hạnh phúc” có hầm chữ A, giường tre cho hơn một người, bàn viết, chái bếp xinh xinh.

Lò nhốt khói là món quà đặc biệt của sếp Bùi Kinh Lăng. Chỉ cần con dao găm và đất gò mối, ông đắp lò đẹp như một mô hình trưng bày. Không phải chỉ riêng tôi, các bạn ghiền trà đều được ông ban tặng món quà quý báu này.

Đã hơn 10 năm kháng chiến, nhà là tấm tăng ni lông, giường là chiếc võng hẹp, chưa bao giờ tôi dám mơ ước một mái nhà riêng trong chiến khu như tôi đang có được.

Ngày quốc khánh 2/9/1971, Hiền mặc bà ba cũ màu trứng sáo, cái ca inox Mỹ thay cho bàn ủi Con gà, chỉ cần một chút phẳng phiu, tà áo trở nên duyên. Tôi mặc “nửa mùa” quần bộ đội, áo sơ mi tay dài màu xanh ô liu của Nguyễn Hoàng Minh tặng khi về rừng.

Quyet liet song anh 2

Thư chúc mừng của nhà báo Thép Mới. Thư viết: "Thân gửi Hồ Hiền, Mừng hai bạn nhé. Hồ hãy giúp Hiền tiến lên vững vàng trên con đường sự nghiệp. Tất cả tình cảm tốt đẹp nhất xin gửi đến chàng trai Bến Tre và người con gái Củ Chi". Ảnh: Tư liệu gia đình Nguyễn Hồ - Minh Hiền.

Lễ tuyên hôn với mấy vị lãnh đạo và đại diện đồng hương Củ Chi ngồi quanh chiếc bàn họp giao ban hằng ngày, mặt bàn bện bằng nan tre. Mọi người ăn “kẹo” uống trà Bắc. Sếp Bùi Kinh Lăng dặn tôi hãy bớt đi xa, hãy tận hưởng những giây phút quý báu của gia đình.

Sếp Tô Quyên ghép hai cái tên cúng cơm riêng lẻ của hai đứa lại thành Hiền-Triết, trước đó chỉ là Hồ-Hiền. Và anh đọc hai câu lục bát để nhấn mạnh ý nghĩa của nó. Sau đôi lời chúc mừng mọi người cùng đến nhà bếp nhập tiệc mừng Quốc khánh.

Thực khách đầu người nhấp nhô quanh các bàn ăn tre nứa. Quần áo bộ đội bạc màu nắng gió. Ca muỗng nhà binh Tàu, Mỹ khua lanh canh. Không có rượu. Không hoa, Không có tấm hình kỷ niệm nào. Tôi cũng quên mất, không nhớ tại sao không có nhu cầu này trong khi máy ảnh vẫn còn phim.

Thư và quà từ chiến trường, từ các nơi xa và gần gửi về. Mỗi thư một kiểu. May mắn, Minh Hiền còn giữ được bức thư này.

“Nguyễn Hồ thân, anh Ba Phát xuống đây 22/8, lúc ấy mới biết 2/9 là ngày cưới Hồ Hiền. Tao định trễ lắm là 22/8 về (tháng này có 31), nhưng lúc tao thư cho mày, công việc vẫn chưa giải quyết xong. Anh Hai Trinh nói tệ lắm là 6 hoặc 7 ngày nữa mới xong những khó khăn bất trắc, tao có báo cho anh Tô Quyên cả.

Anh Ba Trí và Bến Hải được tin (tao, anh Ba và Bến Hải) bàn tìm cách chung vui với Hồ. Bến Hải xách xe chạy chọt, gặp cậu của Hồ (cậu Bảy Hồ Khắc Nhu - NH) báo tin, ông ấy tặng 2 mét vải gì khá tốt và 500 đồng Ria. Tao về trễ rồi, không làm sao khắc phục được. Nhưng dù sao, tao với Hồ Hiền còn sống chung với nhau lâu dài nên không mừng vui lúc vui nhất thì thì ta vui nhiều lần lúc vui vừa vừa để bù lại thôi.

Điều lo sợ Nguyễn Hồ hơi buồn là hiện ở nhà chẳng còn thằng bạn nào sống lâu năm với nhau cả".

Ít lâu sau, vào cuối năm, chúng tôi được tấm danh thiếp của anh Thép Mới từ Hà Nội gửi vào chúc mừng.

Nguyễn Hồ - Minh Hiền và nhiều tác giả / NXB Trẻ

SÁCH HAY