Chân dung Đại tá Trịnh Nguyên Huân. Ảnh: Đức Huy. |
Thông qua góc nhìn từ Đại tá Trịnh Nguyên Huân, hình ảnh một vị đại tướng thời bình hiện lên với những trăn trở xây dựng nguồn lực tri thức và nâng cao dân trí dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dạy mọi người làm việc phải đề cao tính trung thực và luôn có chính kiến. Hiểu được điều đó, ông Huân luôn giữ thói quen đọc sách và học hỏi phương pháp nghiên cứu tài liệu từ Đại tướng.
Đại tá Trịnh Nguyên Huân kể
Xây dựng đội ngũ trí thức cho đất nước
- Thưa đại tá Trịnh Nguyên Huân, ông đã bắt đầu đồng hành với Đại tướng từ khi nào, lúc đó ông đã nhận được nhiệm vụ gì?
- Năm 1976, khi tôi đang công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Tôi được giao nhiệm vụ đến hỗ trợ Đại tướng, tham mưu về công tác giáo dục, khoa học. Nhiệm vụ đáng ra chỉ kéo dài vài tháng nhưng Đại tướng đã quyết định giữ tôi ở cạnh như một người trợ lý kể từ khi đó.
Ở bên cạnh Đại tướng chúng tôi phải đọc rất nhiều sách. Có thể thấy Đại tướng là người rất coi trọng việc đọc. Làm việc với Đại tướng, mọi người xung quanh phải luôn cập nhật được tình hình khoa học trong nước và thế giới để có một góc nhìn bao quát và rộng lớn. Muốn làm được điều đó, con đường duy nhất là trau dồi bản thân với sách vở.
Cùng với Đại tướng, tôi đọc rất nhiều về xu hướng, tiến bộ khoa học của thế giới, sau đó trao đổi lại với ông. Trong suốt 37 năm ở bên cạnh Đại tướng, tôi hiểu Đại tướng đang quan tâm đến điều gì để trước đó có thể chuẩn bị.
Theo ông Huân, khi làm việc với Đại tướng, khả năng tự học là điều cơ bản. |
- Khi làm việc cùng Đại tướng, đâu là phương pháp tìm hiểu thông tin mà đại tướng sử dụng và dạy cho mọi người?
- Khi mới tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó, Đại tướng luôn đi từ bao quát đến chi tiết. Đại tướng có kể lại rằng việc đầu tiên ông làm là đi đến thư viện ở đường Tràng Thi tìm bách khoa toàn thư, sau đó liệt kê các mục liên quan đến quân đội, từ chiến lược, chiến thuật cho đến hậu cần, vũ khí. Nhờ bách khoa toàn thư, ông sẽ có một cái nhìn toàn cảnh. Sau đó, ông mới tìm hiểu cụ thể hơn về các trường hợp, khái niệm khác. Phương pháp này dần trở thành thói quen của Đại tướng.
Khi phụ trách khoa học, giáo dục của nước nhà, Đại tướng không chỉ phải tìm hiểu về những môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa… Ông còn phải tìm hiểu về cả những ngành học bậc cao hơn như cơ khí, điện tử, công nghệ…
Đại tướng còn sử dụng nhiều phương pháp khác để thu thập thông tin. Trong đó có phương pháp chuyên gia. Ông cho mời các nhà khoa học đầu ngành tới để đặt câu hỏi. Chẳng hạn: Ngành vật lý thế giới đang ở vị trí như nào, Việt Nam đang ở đâu?... Đấy là cách Đại tướng tìm kiếm một hình dung tổng thể về vấn đề và tạo nên cơ sở phán đoán, xây dựng tầm nhìn chiến lược.
Chúng tôi cũng học cách đọc sách, nghiên cứu tài liệu này của Đại tướng. Ông luôn tạo cơ hội cho mọi người thảo luận về những gì đọc được trong sách và ông rất mong chúng tôi có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình, vận dụng góc nhìn từ cuốn sách vào cuộc sống thực tiễn. Ban đầu, tôi cảm thấy việc này cũng khó khăn nhưng về sau quen dần.
- Khi bước sang giai đoạn xây dựng đất nước hậu chiến, Đại tướng đã bắt đầu xây dựng đội ngũ trí thức ra sao?
- Trước hết, Đại tướng tập hợp đội ngũ trí thức khắp ba miền lại thành một khối thống nhất. Giống như quân đội, mọi thứ cần phải có tổ chức. Tổ chức cần xuất phát từ nhỏ đến lớn, từ trên xuống dưới. Đại tướng đề ra các chiến lược, cùng chuyên gia nghiên cứu chính sách. Chẳng hạn tổ chức các viện nghiên cứu, viện hàn lâm, trung tâm nghiên cứu, đưa ra chính sách sử dụng cán bộ, bồi dưỡng cán bộ như nào rồi hợp tác quốc tế ra sao... Từ đó, một môi trường được tạo ra cho nền khoa học nước nhà phát triển.
Đại tướng cũng đề xuất xây dựng một xã hội học tập, trong đó mọi người đều có quyền học tập và đều được tạo điều kiện để học tập mà tự học là cơ bản. Tất cả chính sách vĩ mô đó đòi hỏi một tầm nhìn chiếc lược dài hạn.
Cốt cách giản dị của một người đại tướng
- Trong quá trình làm việc cùng Đại tướng, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
- Trong chuyến đi kỷ niệm độc lập của Algeria, cố vấn của Tổng thống Mỹ, Brezjinski từng hỏi Đại tướng rằng: “Chiến lược của ngài là gì?”. Đại tướng đáp: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là một vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”. Câu nói đó thể hiện tư tưởng và tinh thần quốc tế của đại tướng.
Không chỉ thể hiện tinh thần yêu hòa bình trong lần gặp gỡ đó, đến năm 1990, khi theo lời mời đến thăm các nước tại châu Âu, Đại tướng có đến căn phòng họp từng tổ chức hội nghị Geneve. Ông viết vào trong cuốn sổ lưu niệm tại đó rằng: “Võ Nguyên Giáp - General de le paix" (Tức "Vị tướng của hòa bình").
Các kỷ vật của Đại tá Trịnh Nguyên Huân và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
- Lần đầu gặp Đại tướng ông có những ấn tượng như nào?
- Lúc đến gặp đại tướng tại Đồ Sơn, tôi bước vào căn phòng với tâm trạng hồi hộp. Thấy ông ngồi bàn bạc với một nhóm các chuyên gia, tôi không biết phải xưng hô như nào. Nhưng chính ông đã phá tan bầu không khí xa cách đó bằng cách gọi tôi vào và bảo: “Hãy gọi tôi là anh Văn”. Đây là tên bí danh của Đại tướng. Từ lúc đó, tôi bỗng cảm thấy mình như quen Đại tướng từ rất lâu rồi.
- Đâu là tinh thần mà Đại tướng luôn muốn mọi người làm việc cùng phải có?
- Đại tướng luôn tạo ra một bầu không khí gần gũi với các cuộc thảo luận sinh động. Mọi người ngồi quây quần một chỗ, từ phải qua trái, ai nấy trò chuyện rôm rả về đủ các chủ đề. Qua đó, Đại tướng chỉ ra các vấn đề nổi cộm trong xã hội, việc học và tiếp cận tri thức sẽ giúp giải quyết những vấn đề gì.
Thông qua những buổi trò chuyện, Đại tướng đã dạy mọi người những phẩm chất và phong thái cần có. Thứ nhất là sự trung thực, tức là ta phải thành thật với bản thân mình và với mọi người xung quanh. Thứ hai là phải có chính kiến. Muốn có chính kiến thì phải có hiểu biết.
Cảm ơn Đại tá Trịnh Nguyên Huân đã chia sẻ!
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng