Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc nhìn của người Pháp về Chiến dịch Điện Biên Phủ

"Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng" là góc nhìn của binh sĩ Pháp tham chiến tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhan chung Dien Bien anh 1

Chiều 3/5, NXB Đại học Sư phạm ra mắt cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng.

Tác phẩm được dịch từ bản tiếng Pháp Paroles de Dien Bien Phu - Les survivants témoignent của hai nhà sử học người Pháp Pierre Journoud (Giáo sư Đại học Paul-Valéry Montpellier) và Hugues Tertrais (Giáo sư Đại học Paris I - Panthéon-Sorbonne).

Cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu lịch sử có giá trị với cách nhìn mới và khách quan, dựa trên vai trò, nhận thức của những cựu binh ở Điện Biên Phủ. Không chỉ có lời chia sẻ của những người có vai trò chủ chốt trong trận chiến mà còn là câu chuyện cá nhân, lá thư viết cho người thân, cảm xúc khi thất bại, nỗi ám ảnh trước cái chết... của binh sĩ bình thường.

Nhan chung Dien Bien anh 2

Giáo sư Pierre Journoud.

Chia sẻ với PV VietNamNet, Giáo sư Pierre Journoud - người đã dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự vì tác phẩm của mình được dịch sang tiếng Việt, trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

"Điểm đặc biệt của cuốn sách này, khác hẳn với những tác phẩm khác về Chiến dịch Điện Biên Phủ, là chúng tôi khai thác góc nhìn của binh sĩ cấp thấp, chứ không phải các vị tướng cao cấp. Ở những binh sĩ này, chúng tôi thấy có 'kho báu ẩn giấu'. Bởi họ tiếp xúc gần nhất với Quân đội nhân dân Việt Nam, chứng kiến những vất vả của bộ đội Việt Nam và họ hiểu vì sao Việt Nam vượt qua được và chiến thắng", Giáo sư Pierre Journoud chia sẻ.

Nhan chung Dien Bien anh 3

Tiến sĩ Trần Xuân Trí.

Tiến sĩ Trần Xuân Trí, giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trong quá trình hiệu đính cuốn sách Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng đã gặp không ít khó khăn.

"Khó khăn thứ nhất là việc chuyển ngữ sang tiếng Việt đơn vị quân đội của Pháp ở Đông Dương. Khó khăn thứ hai liên quan tới tên đơn vị, địa danh, tên nhân vật. Trong quá trình hiệu đính, chúng tôi phải so sánh, đối chiếu nhiều tài liệu, để mang thông tin tốt nhất cho độc giả", Tiến sĩ Trần Xuân Trí chia sẻ.

Tiến sĩ Trí cho biết, nhiều đoạn trong cuốn sách để lại cảm xúc khó tả. "Ví dụ nhận định của người Pháp về ý chí, sức mạnh quật cường của dân tộc Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là sức mạnh của quân đội, của đoàn dân công hỏa tuyến trong chiến dịch mà người Pháp gọi đó là 'đội quân bóng đêm'", Tiến sĩ Trần Xuân Trí bày tỏ.

Là người nghiên cứu và dạy Lịch sử, từng học Tiến sĩ Lịch sử tại Pháp, ông Trần Xuân Trí tự hào với ý chí tiến công của ông cha để thế hệ hôm nay có nền độc lập.

"Cuốn sách được nghiên cứu và biên soạn dựa trên hầu hết nguồn sử liệu của Pháp. Đó là tài liệu lưu trữ tại Bộ Quốc phòng Pháp, bao gồm cả tài liệu văn bản và ghi âm. Đặc biệt, tác giả đã khai thác nguồn sử liệu từ cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng từng tham chiến ở Điện Biên Phủ. Xuyên suốt cuốn sách là góc nhìn của người Pháp về trận chiến Điện Biên Phủ, khác với ấn phẩm từng xuất bản tại Việt Nam - là góc nhìn từ người Việt Nam nhiều hơn. Chúng ta luôn thắc mắc người Pháp nhìn cuộc chiến ở Điện Biên Phủ như thế nào và cuốn sách này giải đáp được thắc mắc đó", Tiến sĩ Trần Xuân Trí khẳng định.

Một đoạn trích trong Hồi ức Điện Biên Phủ - Những nhân chứng lên tiếng.

Băng qua đèo Pha Đin, chúng tôi bắt gặp một đoàn dân công dài tới tận cuối chân trời. Họ đẩy những chiếc xe đạp do nhà máy Saint-Étienne sản xuất, trên bàn đạp, yên xe cho tới tay lái chất đầy những bao gạo và thùng đạn. Còn vô số người khác nhún nhẩy bước đi với đôi quang gánh nặng trên vai.

Đó là hình ảnh nổi bật về hệ thống hậu cần phương Đông! Và các cơ quan tình báo Pháp hiển nhiên đã thất bại ước tính trước khi trận chiến bùng nổ rằng quân Việt Nam không có khả năng cung cấp lương thực và đạn dược từ các căn cứ nằm ở vùng đồng bằng cách Điện Biên Phủ 400km và huy động 40.000 quân chính quy cần thiết để bao vây một tập đoàn cứ điểm mạnh.

Các cơ quan của Pháp đã không tính đến số lượng đông đảo người dân của đất nước châu Á này. Họ đã không tưởng tượng được rằng tất cả người dân đều chăm chỉ và cùng tham gia.

https://vietnamnet.vn/goc-nhin-cua-nguoi-phap-ve-chien-dich-dien-bien-phu-2276932.html

Tình Lê/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm