Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Pháp bất lực ở trận Điện Biên Phủ thế nào?

Sáu viên tướng tổng chỉ huy trước Navarre đã từng lúng túng trước mâu thuẫn ấy. Giờ đây, đến lượt Navarre.

Vào thời điểm Nam bộ kháng chiến (tháng 9/1945), toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), cái thế giữa ta và địch là thế “châu chấu đá voi”. Trong khi quân dân ta chỉ có gậy tầm vông, giáo mác và một số khẩu súng trường cũ kỹ, thì quân đội Pháp từ lâu đã là một đội quân thiện chiến, gồm hải, lục, không quân, với đủ thứ vũ khí hiện đại: xe tăng, đại bác, tàu chiến, máy bay.

Chả thế mà tướng Philippe Leclerc, vị tổng chỉ huy đầu tiên của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, vào tháng 10/1945, khi vừa sang đến Sài Gòn, đã tuyên bố một câu chắc như đinh đóng cột: “Việc loại trừ Việt Minh, tôi tính chỉ trong bảy ngày là xong!”.

Nhưng qua bảy năm kháng chiến, tính đến năm 1952, quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng chiến đấu càng trưởng thành, càng đánh to thắng lớn. Từ những đội du kích bé nhỏ ban đầu và một ít đơn vị vệ quốc quân trang bị thiếu thốn, lực lượng vũ trang ta đã trở thành một Quân đội nhân dân hùng mạnh, gồm hàng trăm ngàn bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và hàng triệu dân quân du kích.

Dien Bien Phu anh 1

Ảnh tư liệu. Nguồn: BBC.

Từ chỗ chỉ diệt được từng tháp canh nhỏ (cỡ tiểu đội), quân ta dần dà tiến lên tiêu diệt được những đồn bốt lớn (cỡ trung đội, đại đội), những cụm cứ điểm (cỡ tiểu đoàn), nằm trong những tuyến phòng ngự bố trí chặt chẽ, với những hệ thống cấu trúc công sự rất kiên cố, kiểu boong-ke.

Từ thế bị động, quân ta chuyển sang giành quyền chủ động, liên tiếp thu nhiều thắng lợi trong những chiến dịch lớn, như chiến dịch Việt Bắc năm 1947, chiến dịch Biên Giới năm 1950, các chiến dịch Trung Du, Đường số 18, Hà Nam Ninh năm 1951, chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952, các chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào năm 1952-1953.

Chúng ta đã liên tiếp làm thất bại từng kế hoạch chiến lược của địch, từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Leclerc, Étienne Valluy, kế hoạch “phong tỏa biên giới” và “làm chủ vùng đồng bằng có ích” của Roger Blaizot, Marcel Carpentier đến kế hoạch “giành lại quyền chủ động” của de Lattre de Tassigny - Raoul Salan2.

Bế tắc và lúng túng như đứng trước ngã ba đường: một là tiếp tục đeo đuổi cuộc chiến tranh quá tốn kém để đi đến thất bại hoàn toàn; hai là bỏ cuộc, nhường chỗ cho người Mỹ nhảy vào, để rồi bị ông bạn vàng hất cẳng khỏi Đông Dương; ba là cố gắng trong một thời gian tương đối ngắn, với sự giúp đỡ tiền bạc, vũ khí của Mỹ, cố giành được một trận thắng quyết định trên chiến trường, để từ đó rút ra khỏi cuộc chiến tranh bằng một “lối thoát danh dự” (issue honorable).

Cuối cùng, nước Pháp chọn giải pháp thứ ba bằng một cuộc thay tướng.

Sau các chiến dịch liên tiếp thất bại, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, bị coi là không đủ khả năng xoay chuyển tình hình, tướng Salan bị triệu hồi về nước. Ngày 07/5/1953, tướng Navarre được chỉ định sang thay tướng Salan làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Navarre sinh năm 1898, tướng bốn sao, nguyên tham mưu trưởng Lục quân Pháp trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Là một sĩ quan trẻ, có tài, vượt cấp nhanh, ông ta được ca ngợi là một vị tướng “văn võ kiêm toàn”, “có nhãn quan chiến lược”, “đầy tự tin và nghị lực”, “có khả năng chịu đựng những đòn dữ dội và bất ngờ”, “có những đức tính riêng biệt của người chỉ huy quân sự lại là người rất nhạy bén về chính trị”, “không hề tha thứ bất kể một trở lực nào để thực hiện ý định của mình”...

Ngoài những đức tính trên, Navarre còn có một ưu thế đặc biệt quan trọng khác, khiến ông ta được tăng thêm phần uy tín trong việc chọn mặt gửi vàng, đó là: Navarre đã quen làm việc với người Mỹ và được người Mỹ ưa chuộng.

Được tâng bốc tận mây xanh, khi mới nhậm chức, chưa lường hết khó khăn, Navarre đã đắc chí phát biểu: “Tôi có một vinh dự khủng khiếp khi được giao nhiệm vụ chỉ huy xứ Đông Dương. Tôi cam đoan sẽ tạo ra ở đó một khung cảnh mới”. Ngày 19/5/1953, tướng Navarre lên máy bay sang Sài Gòn.

Như mọi người đều biết, mục đích cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam là đánh chiếm đất đai và gìn giữ những vùng đất đã giành được để thống trị và bóc lột nhân dân ta. Để đạt được mục đích đó, trong quá trình xâm lược và cai trị, thực dân Pháp đã gặp một mâu thuẫn gay gắt mà chúng không sao khắc phục được. Đó là mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực.

Nếu không tập trung thì không có lực lượng để đi tiến công đối phương và mở rộng phạm vi đất đai. Ngược lại, nếu không phân tán thì không thể bảo vệ, giữ gìn được hết các địa bàn đã chiếm đóng và để chống đỡ cuộc chiến tranh du kích ngày càng phát triển rộng khắp trên các chiến trường.

Sáu viên tướng tổng chỉ huy trước Navarre từng lúng túng trước mâu thuẫn ấy. Giờ đây, đến lượt Navarre, mâu thuẫn này lại càng gay gắt, sẽ làm cho Navarre càng gặp nhiều khó khăn và càng bị động lúng túng nhiều hơn.

Lưu Trọng Lân/NXB Trẻ

SÁCH HAY