Ngày 14/1/2016, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Xu Bu có bài viết nhan đề “Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông” đăng trên tờ Jakarta Post. Đây là một bài viết mang tính nguỵ biện với nhiều lập luận xuyên tạc trong việc khẳng định chủ quyền “không thể chối cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như cho rằng hàng loạt bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là “đóng góp” cho hòa bình và ổn định khu vực, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Quan chức ngoại giao của Trung Quốc ngang ngược đưa ra nhiều lập luận nhằm chứng minh rằng Bắc Kinh luôn quyết tâm giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, luôn mong muốn gác tranh chấp để cùng phát triển. Thậm chí, ông Xu Bu còn nhấn mạnh rằng các hoạt động cải tạo và bồi đắp của Trung Quốc trên các đá và rạn san hô sẽ không ảnh hưởng và cũng không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác; không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; sẽ không làm tổn hại đến hệ sinh thái biển; và càng không thể gọi đó là những hành động quân sự hóa. Bài viết cũng cho rằng Trung Quốc luôn tôn trọng và duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: NVCC |
Phản bác lại những lập luận thiếu thuyết phục của phía Trung Quốc, ngày 25/1, cũng trên tờ Jakarta Post, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn có bài viết với tiêu đề “Các diễn biến mới đáng lo ngại ở Biển Đông”, đưa ra những thực tế trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố của Đại sứ Xu Bu.
Trong bài báo, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nêu ra các hành động gần đây của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, như việc xây dựng, bồi đắp các đảo đá và đặc biệt là việc bay thử nghiệm máy bay dân sự.
“Sau khi hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô và đá – những nơi mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép, từ ngày 1/1/2016, Trung Quốc bắt đầu tiến hành bay thử máy bay dân sự ra đá Chữ Thập của Việt Nam. Hành động này thể hiện rõ hơn ý định bành trướng của Bắc Kinh ở một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với giao thương hàng hải ở Đông Nam Á và thế giới”, ông Tuấn viết.
Trước khi trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nhiều năm đảm trách cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ông có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Boston, Mỹ. Ông là tác giả của hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu uy tín ở trong nước, khu vực và thế giới.
Những lập luận sắc bén của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn chỉ rõ hành động của Trung Quốc là trái với tuyên bố của nước này rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và hòa bình, ổn định ở Biển Đông vẫn được đảm bảo.
Trong bài viết, ông Tuấn cũng chỉ rõ việc xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh đến việc duy trì nguyên trạng và không khuyến khích hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Sau khi đưa ra các chứng cứ lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, phản bác lại các lập luận “trái với thực tế” của Đại sứ Xu Bu, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra ba đề xuất để Trung Quốc biến các lời nói về duy trì và ổn định của mình ở Biển Đông thành hiện thực, bao gồm:
Thứ nhất, Trung Quốc cần phải dừng tất cả các công trình xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và cần phải chấm dứt hành vi làm thay đổi hiện trạng cũng như quân sự hóa Biển Đông.
Thứ hai, Trung Quốc phải cam kết duy trì nguyên trạng và nhanh chóng chấm dứt việc xây dựng sân bay tại đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) của Việt Nam, vì điều này đe dọa chủ quyền của Việt Nam, hòa bình, ổn định trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Thứ ba, Trung Quốc cần phải thực hiện đầy đủ DOC, có thiện chí đạt được một thỏa thuận COC với ASEAN và cam kết giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Ông Tuấn cho rằng đây là những bước đầu tiên và quan trọng để tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Nam Á, và điều này tất nhiên sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho Trung Quốc.
Và cũng chỉ khi thực hiện nghiêm túc những điều này thì những tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông sẽ bớt “vênh” hơn với những diễn biến thực tế trên vùng biển này.