- Vụ khủng bố vừa xảy ra tác động như thế nào tới tình hình an ninh ở Indonesia? Đây có phải là dấu hiệu cho những vụ tấn công khủng bố đẫm máu khác mà quốc gia có dân số theo đạo Hồi đông đảo nhất thế giới sẽ phải hứng chịu?
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: NVCC |
- Cảnh sát và tình báo Indonesia đã được dự báo trước về vụ khủng bố vừa xảy ra ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Từ vài tháng trước, tình báo và cơ quan chống khủng bố của Indonesia và nước ngoài liên tục cảnh báo về nguy cơ của các vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành.
Tuy nhiên, điều khiến nhà chức trách Jakarta ngạc nhiên chính là quy mô và mức độ của hoạt động tấn công. Đây là lần đầu tiên Indonesia hứng chịu vụ khủng bố liên hoàn trên quy mô rộng. Các vụ tấn công xảy ra giữa khu vực trung tâm vào ban ngày, ở nơi đông dân cư và tập trung đông người nước ngoài cũng như các cơ quan ngoại giao. Nó gây ra tâm lý và tác động bất ổn ở Jakarta nói riêng và Indonesia nói chung.
Trước vụ khủng bố ngày 14/1, Indonesia đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các vụ tấn công. Hiện nay, Jakarta sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các âm mưu tương tự nếu có. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa thể xác định được mức độ và quy mô của các vụ tấn công mà các lực lượng cực đoan có thể tiến hành.
- Ông đánh giá về tác động của vụ tấn công Jakarta tới vấn đề an ninh của Đông Nam Á?
- Vụ khủng bố vừa xảy ra cho thấy bất ổn có thể quay trở lại khu vực Đông Nam Á. Như chúng ta đã biết, khủng bố không phải vấn đề mới ở khu vực này. Bản thân Indonesia cũng từng phải hứng chịu nhiều vụ tấn công trong quá khứ, chẳng hạn chuỗi vụ đánh bom trên đảo Bali làm 202 người thiệt mạng. Philippines cũng phải đương đầu với những mối nguy từ các phong trào cực đoan ở miền Nam đất nước.
Trong một khoảng thời gian dài, Đông Nam Á tương đối yên bình và không phải hứng chịu các vụ tấn công. Tuy nhiên, chuỗi sự việc vừa xảy ra ở Jakarta gợi nhớ lại những vụ khủng bố trước đây và đặt Đông Nam Á vào khu vực sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của các vụ tấn công cực đoan. Indonesia và các quốc gia khác cần phải chuẩn bị để đối phó với các vụ tấn công tiềm tàng.
Ngoài ra, vụ tấn công ngày 14/1 còn cho thấy phong trào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt đầu có những hoạt động trong khu vực. Chúng sẽ gây ra tác động, ảnh hưởng và có thể trở thành nguồn gốc bất ổn ở Indonesia, miền Nam Philippines và một số quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo sinh sống.
Khủng bố không trực tiếp ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, khi khủng bố xảy ra, nó dễ dàng khiến thế giới hình dung Đông Nam Á là khu vực bất ổn. Những quốc gia ít chịu tác động của khủng bố không thể tránh khỏi những ảnh hưởng này.
Lực lượng an ninh Indonesia làm nhiệm vụ ở thủ đô Jakarta sau chuỗi vụ khủng bố ngày 14/1. Ảnh: AP |
- Chuỗi vụ khủng bố tác động như thế nào tới tâm lý người Việt đang sống, làm việc và học tập ở Indonesia?
- Nhìn chung, người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại Indonesia tỏ ra lo lắng về tình trạng an ninh chung vì khủng bố có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và với mọi người. Tuy nhiên, phần đông người Việt đều bình tĩnh, không hoang mang dao động và có các bước chuẩn bị để ứng phó tốt nhất với mọi tình huống có thể xảy ra. Lo lắng thì cứ lo lắng nhưng quan trọng là cần phải bình tĩnh.
- Xin Đại sứ có thể chia sẻ về những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia trong việc xác minh và bảo vệ công dân Việt Nam sau chuỗi vụ khủng bố?
- Sau khi khủng bố xảy ra, Đại sứ quán đã họp khẩn cấp để đưa ra biện pháp ứng phó. Chúng tôi đưa ra một số biện pháp như lập đường dây nóng và cử cán bộ chuyên trách bảo hộ công dân trực; thông báo cho các cơ quan đại diện khác của Việt Nam ở Indonesia; thông báo tình hình tới các đầu mối có đông người Việt Nam sinh sống, yêu cầu công dân hạn chế đến các nơi đông người, đặc biệt là những khu vực có người nước ngoài.
Việc duy trì các đầu mối liên hệ giúp ứng phó và hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, Đại sứ quán phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan của Indonesia và Việt Nam để đề phòng mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra.
- Trên cương vị một học giả, nhà nghiên cứu am hiểu sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế, từng có nhiều năm nghiên cứu các vấn đề quốc tế nổi bật, ông đánh giá như thế nào về sự lộng hành của khủng bố toàn cầu?
- Qua theo dõi một số vụ khủng bố xảy ra ở Mỹ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hay ở Jakartar vừa qua, tôi nhận thấy một số điểm như sau: Thứ nhất, thế giới chúng ta đang sống không còn an toàn. Khủng bố có thể xảy ra ở mọi nơi, kể cả những quốc gia tưởng chừng được bảo vệ tốt nhất như Mỹ hay Pháp. Thứ hai, những kẻ khủng bố hiện nay nắm giữ những khả năng nhất định nhằm vươn xa phạm vi hoạt động. Thứ 3, khủng bố nhằm mục tiêu tấn công trên diện rộng nhằm tạo ra sự hoang mang cho mọi người.
Trước khi trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nhiều năm đảm trách cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ông có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại trường Fletcher School of Law and Diplomacy, Boston, Mỹ. Ông là tác giả của hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu uy tín ở trong nước, khu vực và thế giới.